Chủ đề
Thấy gì từ xu hướng tuần làm việc 4 ngày ở các quốc gia?
Vừa qua, Nhật Bản đã táo bạo cho phép nhân viên làm việc chỉ 4 ngày trong tuần với hy vọng tăng tỷ lệ sinh đang sụt giảm. Vậy ngoài đất nước mặt trời mọc, thế giới đang đón nhận xu hướng này như thế nào?
Iceland
Iceland là một trong những nước tiên phong, với hai cuộc thử nghiệm quy mô lớn từ năm 2015 đến 2019, áp dụng tuần làm việc ngắn hơn cho nhân viên khu vực công (35 – 36 giờ/tuần) mà không giảm lương. Kết quả thể hiện một cách cực kỳ tích cực, với việc 86% lực lượng lao động Iceland hiện có quyền chọn làm việc ít giờ hơn nhưng hưởng lương như cũ.
Năm 2022, sau các thử nghiệm, 51% người lao động ở Iceland đã áp dụng giờ làm việc rút ngắn. Các nhà nghiên cứu từ Viện Autonomy (Anh) và Hiệp hội vì Sự bền vững và Dân chủ Alda (Iceland) cho biết thành công này tăng sự hài lòng của người lao động mà không ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế.
Kết quả cũng trùng hợp với sức mạnh kinh tế của Iceland: năm 2023 tăng trưởng 4,1% và tỷ lệ thất nghiệp 3,6% – thuộc hàng thấp nhất châu Âu. Nhà nghiên cứu Gudmundur D. Haraldsson tại Alda gọi đây là một “câu chuyện thành công thực thụ”, nhấn mạnh rằng giờ làm việc ngắn hơn hoàn toàn có thể song hành cùng sự bền bỉ kinh tế.
Tây Ban Nha
Năm 2021, Tây Ban Nha khởi động chương trình thí điểm tuần làm việc 32 giờ mà không giảm lương, nhằm cải thiện cân bằng công việc – cuộc sống. Đáng chú ý, Valencia là thành phố đã thử nghiệm đồng bộ các ngày nghỉ lễ với lịch làm việc 4 ngày, mang lại lợi ích cho sức khỏe và môi trường.
Chính phủ Tây Ban Nha triển khai gói hỗ trợ lên đến 50 triệu Euro (60 triệu USD) trong 3 năm cho 200 công ty, với 3.000 – 6.000 nhân viên tham gia. Chính phủ cũng đồng thời cấp kinh phí và đào tạo nâng cao hiệu quả để hỗ trợ chương trình.
Kết quả từ thử nghiệm tại thành phố Valencia (chuyển ngày nghỉ lễ sang thứ Hai):
- Cải thiện sức khỏe: Người tham gia báo cáo sức khỏe tốt hơn, giảm căng thẳng, và hạnh phúc hơn.
- Lợi ích môi trường: Giảm lưu lượng giao thông giúp giảm khí NO2, cải thiện chất lượng không khí.
- Cân bằng công việc – cuộc sống: Cha mẹ có sự cân bằng tốt hơn, có lợi cho con cái.
- Hoạt động giải trí: Người tham gia dành nhiều thời gian cho sở thích như nhiếp ảnh, âm nhạc, hội họa.
Nhật Bản
Nhật Bản, một quốc gia vốn đã quá nổi tiếng với văn hóa làm việc căng thẳng, giờ đây đang khuyến khích tuần làm việc ngắn hơn thông qua hướng dẫn của chính phủ. Thử nghiệm tại Microsoft Nhật Bản cho thấy năng suất tăng 40% và giảm tiêu thụ điện.
Từ tháng 4 năm nay, Tokyo đã bắt đầu áp dụng tuần làm việc 4 ngày cho công chức. Trong một quốc gia vốn coi làm việc quá sức là bình thường, động thái này của một trong những nhà tuyển dụng lớn nhất nước thật sự mang tính cách mạng.
Kế hoạch của Tokyo là chiến lược giải quyết hai thách thức lớn: trao quyền cho các bà mẹ đi làm và đối phó với tỷ lệ sinh đang sụt giảm. Song song với tuần làm việc ngắn, chính sách “nghỉ nuôi con bán phần” cho phép một số nhân viên giảm 2 giờ làm mỗi ngày, giúp cha mẹ có thêm thời gian bên gia đình.
Động thái này là bước đi táo bạo ở một thành phố nổi tiếng với nhịp sống hối hả. Đồng thời, thể hiện sự chuyển dịch ưu tiên sang tính bền vững, gia đình và tương lai lực lượng lao động.
Vương quốc Anh
Trong một trong những thử nghiệm quy mô lớn nhất thế giới, hơn 60 công ty ở Anh đã thử tuần làm việc 4 ngày vào năm 2023. Hầu hết quyết định áp dụng lâu dài sau khi ghi nhận nhân viên hài lòng hơn mà năng suất không đổi.
Đức
Đức bắt đầu áp dụng tuần làm việc ngắn hơn ở một số công ty, thường kết hợp với thời gian linh hoạt. Đến tháng 11, có khoảng hàng chục công ty Đức đã cho phép nhân viên làm việc 4 ngày một tuần mà không giảm lương, theo hãng DW.
Bỉ
Người lao động ở Bỉ có thể gói gọn tuần làm việc đầy đủ vào 4 ngày, giúp họ có kỳ nghỉ cuối tuần dài hơn mà không giảm tổng số giờ làm.
Mỹ và Canada
Tại Bắc Mỹ, nhiều công ty và một số bang đã thử nghiệm hoặc thực hiện tuần làm việc ngắn hơn, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực có thể duy trì hoặc cải thiện năng suất. Ngày 5/9/2023, một số nhà tuyển dụng Canada đã áp dụng tuần làm việc 4 ngày, phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng về cân bằng công việc – cuộc sống. Theo Cục Thống kê Canada, việc áp dụng rộng rãi phụ thuộc vào quyết định của từng nhà tuyển dụng dựa trên điều kiện kinh tế và lao động cụ thể.
Brazil
Brazil đã ghi nhận kết quả tích cực trong giai đoạn giữa thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày, với sự cải thiện về năng lượng của nhân viên, giảm căng thẳng, và tăng tính sáng tạo.
Nghiên cứu cho thấy điều gì?
Ở hầu hết quốc gia, việc áp dụng tuần làm việc 4 ngày chủ yếu là tự nguyện, với sự hỗ trợ của chính phủ thông qua các chương trình thử nghiệm hoặc hướng dẫn. Dù đa số kết quả tích cực, vẫn có những thách thức như thích ứng trong các lĩnh vực riêng biệt và đảm bảo phân bố khối lượng công việc hợp lý với giờ làm rút ngắn.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tuần làm việc 4 ngày giúp giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm khí thải carbon (nhờ giảm thời gian đi lại), và tăng tỷ lệ giữ chân nhân viên. Trong số 61 công ty tham gia nghiên cứu, 56 công ty (92%) quyết định tiếp tục duy trì tuần làm việc 4 ngày, với 18 công ty xác nhận đây là thay đổi lâu dài.
Theo một bài viết của UK Research and Innovation vào tháng 7/2023, tuần làm việc 4 ngày cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất. Sau khi trải nghiệm tuần làm việc 4 ngày, các nhà tuyển dụng ghi nhận mức độ lo âu và mệt mỏi giảm, trong khi sức khỏe tinh thần và thể chất được nâng cao.
Nghiên cứu cũng cho thấy tuần làm việc ngắn giúp cải thiện cân bằng công việc – cuộc sống và sự hài lòng của nhân viên, đặc biệt trong các ngành dịch vụ và sáng tạo. Nhà tuyển dụng nhận thấy sự tập trung và sáng tạo cải thiện trong tuần làm việc rút ngắn. Giảm thời gian đi lại và cuối tuần dài hơn góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần và thời gian gắn kết với gia đình.
Nguồn tổng hợp