Chủ đề
Xoắn tinh hoàn ở trẻ, cách nhận biết sớm và xử trí đúng
Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận điều trị cho bé trai 15 tuổi, ở Đồng Nai bị xoắn tinh hoàn phải, nhưng do thời gian xoắn đã lâu, tinh hoàn bị hoại tử nên buộc bác sĩ phải cắt bỏ tinh hoàn.
Nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu nam khoa thường gặp, chiếm khoảng 17% các trường hợp bị đau bìu cấp tính. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng 90% thường gặp ở lứa tuổi từ 13 đến 21 tuổi.
Hiện nay, mặc dù bệnh xoắn tinh hoàn xuất hiện rất nhiều ở trẻ nhỏ và nam giới. Tuy nhiên, vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác dẫn đến xoắn tinh hoàn là gì. Một số các nguyên nhân xoắn tinh hoàn được chẩn đoán có thể kể đến như:
- Xảy ra va đập trong lúc ngủ hoặc làm việc khiến tinh hoàn bị tổn thương.
- Bệnh xoắn tinh hoàn do bất thường bẩm sinh.
- Do tinh hoàn không xuống đầy đủ ở bìu ở trẻ nhỏ.
- Do bất cẩn trong hoạt động quan hệ tình dục.
- Xuất hiện chấn thương ở vùng bìu trong lúc hoạt động.
- Chế độ tập luyện thể dục không đúng cách.
- Bệnh xoắn tinh hoàn còn thường xảy ra khi vào mùa lạnh.
Dấu hiệu xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn có thể được chia thành ba loại chính:
– Loại 1: Xoắn tinh hoàn và mào tinh trong màng: Thường gặp ở trẻ lớn.
– Loại 2: Xoắn tinh hoàn và mào tinh ngoài màng.
– Loại 3: Xoắn tinh hoàn, mào tinh hoàn bình thường.
Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra sau chấn thương tinh hoàn. Phần lớn các bệnh nhân sẽ bị đánh thức trong giấc ngủ bởi một cơn đau nhói ở bìu, bệnh nhân thường nhớ rõ thời điểm đau.
Bệnh nhân có thể nôn mửa kèm theo đau. Bên cạnh đó triệu chứng xoắn tinh hoàn còn được biểu hiện như: Xuất hiện cảm giác muốn đi tiểu liên tục, tuy nhiên lượng nước tiểu tiết ra rất ít hoặc không có. Xuất hiện cảm giác bị buốt mỗi khi đi tiểu. Xuất hiện cơn đau tức bìu lan dọc lên theo hướng thừng tinh hoặc lan xuống phía đùi, ống bẹn và xương chậu.
Nên thận trọng nếu bệnh nhân có đau hố chậu bên phải giống viêm ruột thừa, đặc biệt ở trẻ em để chẩn đoán sớm tránh bỏ sót vì lầm tưởng đau bụng thông thường do rối loạn tiêu hóa.
Xoắn tinh hoàn là bệnh vô cùng nguy hiểm, nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và khả năng sinh sản của người bệnh. Một số biến chứng thường gặp sau khi mắc bệnh xoắn tinh hoàn như:
Nếu không phẫu thuật để loại bỏ mô tinh hoàn bị tổn thương kịp thời có thể dẫn đến hoại tử và nhiễm trùng tinh hoàn.
Nếu để bệnh xoắn tinh hoàn diễn ra lâu ngày sẽ dẫn đến teo tinh hoàn. Dần dần người bệnh sẽ mất khả năng sản sinh tinh trùng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Nếu tinh hoàn bị hoại tử và bị cắt bỏ, khả năng sinh sản của người bệnh sẽ bị giảm. Đặc biệt còn có thể bị vô sinh.
Xoắn tinh hoàn cần được điều trị càng sớm càng tốt
Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa, bệnh nhân cần được phát hiện và xử trí kịp thời, tốt nhất là trong 6 giờ đầu từ khi có dấu hiệu đau.
Đây gọi là thời gian vàng để điều trị xoắn tinh hoàn, tính từ lúc có biểu hiện đau. Nếu được phát hiện, xử trí trước 6 giờ, bệnh nhân sẽ được cứu tinh hoàn bằng thực hiện thủ thuật mà không phải can thiệp phẫu thuật.
Đến trong khoảng từ 6 – 12 giờ thì khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50% và trong khoảng 12 – 24 giờ thì chỉ còn 20% được cứu. Trên 24 giờ thường sẽ không cứu được tinh hoàn. Điều đáng lưu ý là nhiều người bệnh do phát hiện muộn, đến bệnh viện khi tinh hoàn đã bị hoại tử nên buộc phải cắt bỏ. Khi bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và nội tiết tố nam.
Vì vậy, khi có các dấu hiệu bị đau đột ngột ở vùng bìu, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác, điều trị kịp thời.
Theo SK&ĐS