Chủ đề
Vì sao nếu đang uống thuốc thì không được ăn bưởi?
Bưởi là loại trái cây phổ biến ở nước ta, đặc biệt dịp Tết này, nó trở thành loại trái cây thường không thể thiếu trong các món dùng để chưng hay biếu. Nhưng cũng chắc hẳn, bạn đã từng nghe nói đến việc khi uống thuốc thì không nên ăn bưởi, vì sao lại thế?
Bưởi có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc
Bưởi, tuy loại trái cây với nhiều lợi ích sức khỏe, lại ẩn chứa một “mối nguy” tiềm ẩn khi tương tác với hơn 100 loại thuốc kê đơn. Lý do nằm ở một hợp chất furanocoumarins.
Chất này có thể làm tăng nồng độ thuốc đến mức nguy hiểm nhưng cũng có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, gây ra những hậu quả không lường trước cho người dùng. Tuy nhiên, một nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Volcani, Israel, vừa đưa ra hướng đi khả thi khi phát hiện ra những gene chủ chốt chịu trách nhiệm sản xuất furanocoumarins trong bưởi, mở ra triển vọng cho việc tạo ra các giống trái cây không chứa hợp chất này.
Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Volcani đã quyết định giải mã di truyền của các loại cam quýt có khả năng sản xuất furanocoumarins, cụ thể là bưởi và bưởi lớn (pomelo). Bằng cách sử dụng loạt kỹ thuật hiện đại như phân tích DNA, RNA, so sánh gen và lai tạo giữa các giống, họ đã xác định được một cụm gene đa thành phần thuộc họ enzyme 2-oxoglutarate-dependent dioxygenase (viết tắt là 2OGD) chịu trách nhiệm tổng hợp các hợp chất phòng thủ của cây.
Thông qua việc so sánh di truyền giữa các loại cam quýt, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, bưởi và bưởi lớn có đặc điểm di truyền khác biệt so với cam và quýt. Trong khi bưởi, với gene Cg2g000710 hoạt động một cách trơn tru, sản xuất hàm lượng furanocoumarins cao, thì ở các loại trái cây như “Ora” mandarin, đoạn chèn 655 bazơ đã làm mất hoàn toàn khả năng chuyển dịch của gene này. Điều này giải thích tại sao các loại trái cây khác như cam, quýt không thường được ghi nhận là gây ra những tương tác thuốc nguy hiểm như bưởi.
Nhà khoa học Yoram Eyal từ Trung tâm Volcani nhận định: “Nghiên cứu này giúp chúng ta hiểu rõ hơn lý do tại sao một số loài trái cây thuộc họ cam quýt lại sản xuất furanocoumarins và mở ra khả năng phát triển các giống trái cây không chứa chất độc này thông qua các phương pháp lai tạo có hỗ trợ gen hoặc chỉnh sửa di truyền.”
Việc phát hiện cụm gene 2OGD và đặc biệt là gene Cg2g000710 không chỉ góp phần giải mã cơ chế sinh học đằng sau việc sản xuất furanocoumarins mà còn mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp. Nếu có thể điều chỉnh hoặc loại bỏ gene này mà không làm thay đổi hương vị và giá trị dinh dưỡng của bưởi, thì những mối nguy do tương tác giữa bưởi và thuốc kê đơn có thể sẽ được giảm thiểu một cách đáng kể.
Có thể lai tạo loại trái cây không chứa furanocoumarins không?
Mặc dù nhóm nghiên cứu chưa tiến hành tạo ra mẫu bưởi hoàn toàn không chứa furanocoumarins, nhưng việc phát hiện ra các thành phần di truyền chủ chốt đã tạo nên nền tảng cho các nghiên cứu tiếp theo. Những bước đi này hứa hẹn sẽ giúp các nhà lai tạo và chuyên gia di truyền phát triển ra những giống bưởi và bưởi lớn “an toàn” hơn cho những người đang dùng thuốc kê đơn, góp phần giảm thiểu rủi ro do tương tác không mong muốn giữa thực phẩm và thuốc.
Ngoài ra, tiềm năng ứng dụng của nghiên cứu còn mở ra cơ hội phát triển các phương pháp chọn lọc di truyền hỗ trợ bằng các chỉ dấu (marker-assisted selection) hoặc sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR. Những công nghệ tiên tiến này không chỉ hứa hẹn cải thiện chất lượng của các giống cam quýt mà còn đảm bảo rằng hương vị và giá trị dinh dưỡng sẽ được giữ nguyên. Điều này đặc biệt quan trọng khi nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm trái cây an toàn và lành mạnh ngày càng tăng cao trên toàn cầu.
Trong bối cảnh hàng triệu người trên thế giới phụ thuộc vào thuốc kê đơn để điều trị bệnh, việc tạo ra các loại trái cây không chứa furanocoumarins sẽ góp phần giảm thiểu những nguy cơ do tương tác thuốc – một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng mà nhiều bệnh nhân đang phải đối mặt. Những phát hiện này không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn hứa hẹn mang lại lợi ích thực tiễn cho cộng đồng, đặc biệt là trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Theo Science Alert