Vì sao chúng ta càng cố ngủ bù thì lại càng mệt mỏi? - Doctor247

Vì sao chúng ta càng cố ngủ bù thì lại càng mệt mỏi?

Nếu thiếu ngủ là vấn đề, vậy thì tại sao ngủ bù nhiều lại khiến chúng ta cảm thấy tệ hơn? Tìm hiểu cơ chế hoạt động của cơ thể bằng bài viết dưới đây để kỳ nghỉ lễ này không lờ đờ, uể oải nhé.

Vì sao chúng ta càng cố ngủ bù thì lại càng mệt mỏi?

Ngủ bù quá nhiều sẽ dẫn bạn đến việc say ngủ

Ngủ quá nhiều có thể sẽ mang lại cho bạn một cảm giác giống như say rượu, đến mức các nhà khoa học gọi hiện tượng này là “say ngủ” (sleep drunkenness).

Tuy không gây tổn thương thần kinh rõ rệt như rượu, việc cố gắng “nạp thêm giấc ngủ” lại khiến cơ thể bạn rối loạn do làm nhiễu đồng hồ sinh học – phần não điều khiển chu kỳ hoạt động trong ngày của bạn.

Đồng hồ sinh học này được điều khiển bởi một nhóm tế bào trong vùng dưới đồi (hypothalamus) – một phần nguyên thủy của não bộ, cũng là nơi điều khiển cảm giác đói, khát và đổ mồ hôi.

Cơ chế hoạt động của đồng hồ sinh học đó chính là nhận tín hiệu ánh sáng từ mắt để xác định khi nào là buổi sáng và sau đó phát tín hiệu hóa học để điều phối toàn bộ cơ thể theo cùng một lịch trình.

Khi bạn ngủ quá nhiều, đồng hồ sinh học sẽ bị rối loạn. Nó sẽ bắt đầu gửi những thông tin sai lệch đến các tế bào trong cơ thể, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi dù ngủ rất nhiều.

Ví dụ, bạn có thể thức dậy lúc 11 giờ sáng, nhưng thực chất, các tế bào trong cơ thể đã bắt đầu chu trình năng lượng từ 7 giờ sáng – giống như khi bạn bị lệch múi giờ (jet lag).

Hậu quả của việc lệch đồng hồ sinh học không nên xem thường, bạn hoàn toàn làm bản thân tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch và béo phì sẽ tăng lên.

Nghiên cứu quy mô lớn của Harvard trên các y tá cho thấy những người ngủ từ 9 – 11 giờ mỗi đêm có nguy cơ gặp vấn đề về trí nhớ và mắc bệnh tim cao hơn so với những người ngủ đúng 8 tiếng. (Người thiếu ngủ còn gặp rủi ro cao hơn nữa)

Các nghiên cứu khác cũng liên kết ngủ nhiều với tiểu đường, béo phì và thậm chí là tử vong sớm.

Đi tìm nguyên nhân

Tình trạng ngủ quá nhiều không chỉ xảy ra do bạn muốn “bù giấc”. Theo nghiên cứu của Harvard, khoảng 4% dân số bị ảnh hưởng bởi tình trạng này thường xuyên, bao gồm những người làm việc theo ca, có môi trường ngủ không thoải mái hoặc mắc các rối loạn giấc ngủ.

Những người làm ca đêm hoặc sáng sớm thường cố ngủ bù do thức dậy trước khi mặt trời mọc hoặc đi ngủ khi trời vẫn còn sáng. Các bác sĩ khuyên nên dùng rèm tối màu và ánh sáng nhân tạo để điều chỉnh lại nhịp sinh học, thay vì dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng.

Khi bạn ngủ, cơ thể trải qua các giai đoạn ngủ khác nhau. Quá trình phục hồi mô và cơ bắp diễn ra trong giấc ngủ sâu, trước khi chuyển sang giấc ngủ REM.

Tuy nhiên, nếu giường ngủ hoặc không gian xung quanh không thoải mái – quá nóng, quá lạnh, bừa bộn hoặc không êm ái – cơ thể sẽ ở trạng thái ngủ nông nhiều hơn. Vì không được nghỉ ngơi đủ chất lượng, bạn sẽ ngủ lâu hơn để “bù lại”.

Nếu bạn ngủ trong điều kiện lý tưởng nhưng vẫn thường xuyên vượt ngưỡng 8 tiếng mà vẫn mệt mỏi, có thể bạn nên đi khám bác sĩ.

Có thể bạn đang mắc chứng ngủ rũ (narcolepsy) – một tình trạng khiến cơ thể khó điều tiết sự mệt mỏi và dễ ngủ quá mức.

Một rối loạn nguy hiểm khác là ngưng thở khi ngủ (sleep apnea), khiến bạn ngừng thở khi ngủ – thường do đường thở bị tắc nghẽn, dẫn đến ngáy to. Trong một số trường hợp hiếm, não bộ ngừng phát tín hiệu điều khiển hô hấp, khiến não thiếu oxy và bạn phải “bật dậy” để thở.

Chất kích thích, rượu bia và trầm cảm cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn ngủ quá nhiều – và tình trạng ngủ nhiều lại càng làm trầm cảm thêm nặng.

Dù nguyên nhân là gì, ngủ quá nhiều không phải là cách lành mạnh để bù đắp sự mệt mỏi. Thay vì “nợ rồi trả” giấc ngủ, hãy cố gắng duy trì nhịp sinh học đều đặn giữa ngày trong tuần và cuối tuần.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận