Chủ đề
Vào chùa ăn Tết
Ngày 28 Tết, Hữu Nghĩa xách vali vào chùa, bắt đầu những ngày ăn chay trường như nhà sư, quét dọn, bao sái và trang trí khuôn viên chuẩn bị đón khách thập phương.
Đây là năm thứ hai chàng trai 24 tuổi quê Bắc Ninh chọn đón Tết trong chùa thay vì về nhà bởi muốn có trải nghiệm mới và tìm sự bình an trong tâm hồn.
Nghĩa tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ sư cơ khí ở Hà Nội. Ra trường anh có công việc ổn định, thu nhập đủ sinh hoạt và có chút tích góp nhưng những thứ đó chưa đủ làm bố mẹ hài lòng. Họ luôn kỳ vọng con trai làm ở vị trí cao với mức lương tốt hơn để rạng danh với họ hàng, làng xóm.
“Nhưng sau hai năm dịch bệnh, giữ được việc làm đã là may mắn rồi”, anh nói. Áp lực từ gia đình khiến Nghĩa luôn căng thẳng, mất phương hướng. Anh thường xuyên mất ngủ, không hoàn thành tốt công việc và nghi ngờ về năng lực bản thân.
Được một người bạn gợi ý đi chùa để tĩnh tâm, chàng trai trẻ làm theo. Nghe các sư thầy giảng pháp, dạy thiền Nghĩa bắt đầu bình tâm đón nhận mọi việc xảy ra theo hướng tích cực. Nhận thấy rõ sự thay đổi, Tết Nguyên đán 2023, anh xin bố mẹ ở lại chùa Sủi (Đại Dương sùng phúc tự) tại huyện Gia Lâm, Hà Nội từ 28 âm lịch đến mùng 5 Tết.
Những ngày trước Tết, chàng trai 24 tuổi cùng các sư bác, sư thầy trồng hoa trong khuôn viên, làm đèn lồng, gắn hoa giả lên các cành cây khô. Trang trí xong bên ngoài, anh sẽ được các thầy dạy bao sái (lau dọn vệ sinh ban thờ), xếp mâm quả và cắm hoa.
Đến đêm, các thành viên trong chùa tập trung gói bánh chưng, làm túi gạo, muối, bật lửa để tặng lộc đầu xuân cho người đi lễ. Trong thời gian này, các sư cũng tổ chức nhiều buổi tiệc trà, lắng nghe tâm sự của người trẻ trước thềm năm mới. Đêm giao thừa, các sư sẽ lên ban Tam Bảo làm lễ đầu năm, sau đó gửi lời chúc đầu xuân và lì xì cho những người ở chùa.
Từ mùng 1 đến hết mùng 5 Tết, Nghĩa nhận nhiệm vụ dọn dẹp, quét sân, thay hoa, nước cũng như hỗ trợ khách đi lễ khi cần. Đến giờ, chàng trai trẻ ngồi tụng kinh cầu bình an.
Tết Nguyên đán 2024 là năm thứ ba Đức Thành, 25 tuổi, quê Vĩnh Phúc đón Tết tại một ngôi chùa ở huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Lần đầu là năm 2022, khi đại dịch bùng phát nên anh chọn vào chùa làm công quả, bởi gia đình theo đạo Phật.
Đón Tết trong chùa, Thành nói ban đầu chưa quen bởi cảm giác nhớ nhà và không khí rất tĩnh mịch, yên lặng khi bước sang thềm năm mới. “Nhưng được trải nghiệm hoạt động cùng các sư, bản thân cũng tìm được sự bình an sau những tháng ngày bon chen, tôi thấy rất ý nghĩa”, Thành nói.
Trải qua năm thứ nhất, đến Tết thứ hai ở chùa, chàng trai trẻ đã biết cân bằng cảm xúc cá nhân, dành thời gian tĩnh dưỡng để bình hòa tâm trí sau những ngày làm việc mệt mỏi cũng như tránh bị hỏi về lương thưởng và chuyện tình cảm từ người lớn. Ở chùa dịp này, anh ăn chay ngày ba bữa, sinh hoạt cùng các sư thầy, sư cô hoàn toàn miễn phí.
Sư bác Thích Tuệ Nguyên ở chùa Sủi cho hay người trẻ chọn đến chùa ăn Tết như Hữu Nghĩa hay Đức Thành có xu hướng tăng trong vài năm nay. Trước Covid-19, có năm chùa đón đến 10 bạn trẻ ở lại. Hai năm dịch giảm dần và từ 2023 tăng trở lại. Năm nay, số bạn trẻ đã đăng ký ăn Tết tại chùa là khoảng 5 người, dự tính những ngày cận kề sẽ tăng thêm vài trường hợp.
Người trẻ đến chùa đón Tết thường có hai nhóm. Một là gia đình theo Phật giáo, từng cùng bố mẹ đến chùa đón Tết, lớn lên đã quen nếp nên muốn trải nghiệm tiếp. Hai là những người bị áp lực tinh thần, không thể tự giải tỏa để “chữa lành tâm hồn” nên muốn tìm nơi nương tựa. Điểm chung của hai nhóm này là trước đó đều có thời gian đến làm công quả, trải nghiệm các khóa tu và cơ bản hiểu được các nghi thức, lễ nghi trong chùa.
“Nhà chùa luôn dang tay chào đón, mong muốn có thể giúp các bạn có cái nhìn toàn diện, tích cực hơn với cuộc đời. Chúng tôi đón những bạn bị tổn thương tâm lý và trả lại cho xã hội khi đã được chữa lành vết thương, bản thân họ có thể đón nhận những khó khăn bằng cách nhìn nhận tích cực nhất”, sư bác Thích Tuệ Nguyên chia sẻ.
Giải thích nguyên nhân người trẻ tìm đến cửa Phật trong những ngày Tết để tìm sự bình an, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Đại học sư phạm Hà Nội, nói có ba lý do.
Một là áp lực từ công việc khi liên tục phải hoạt động với cường độ cao không được nghỉ ngơi, bản thân họ cũng phải chịu ảnh hưởng của làn sóng sa thải sau đại dịch. Hai là áp lực từ gia đình khi về quê đón Tết liên tục phải chịu những câu hỏi xoáy sâu vào lương thưởng, kết hôn hay sinh con. Ba là người trẻ cảm thấy mệt mỏi với lễ tết phải làm “mâm cao cỗ đầy”, dọn dẹp, thăm nom họ hàng mà không được nghỉ ngơi.
“Những áp lực vô hình trên khiến người trẻ muốn trốn Tết. Những năm trước họ có thể chọn đi du lịch, nhưng khi kinh tế khó khăn, việc tìm đến cửa Phật là lựa chọn tốt để có được điểm tựa tâm lý cũng như không phải chi trả nhiều khoản”, bà Hương nói.
Chuyên gia cũng cho hay, đón Tết tại chùa giúp người trẻ tìm hiểu thêm nhiều bài học ý nghĩa từ Phật giáo, bổ trợ tốt cho thế giới quan của bản thân.
Như với Đức Thành, anh cảm thấy hạnh phúc khi được đón Tết theo cách đặc biệt hơn và đón nhận sự tích cực nhằm chữa lành tâm thức. “Tôi vốn không biết cắm hoa, bày mâm quả nhưng ăn Tết ở chùa và được các thầy dạy, giờ đã thuần thục. Hiện tôi đang học thêm và ấp ủ mở một tiệm hoa cho riêng mình trong thời gian tới”, Thành nói.
Hữu Nghĩa cũng nói rằng đón Tết ở chùa là việc làm rất đặc biệt, ý nghĩa và “không phải ai cũng có duyên để thực hiện”. Những ngày nghỉ lễ trong chùa khiến anh cảm thấy bình yên, không nghĩ ngợi nhiều về gánh nặng cơm áo gạo tiền. Bản thân cũng học thêm nhiều kỹ năng cho cuộc sống sau khi đón Tết tại chùa.
Là người hỗ trợ và thường xuyên quan sát Hữu Nghĩa, sư bác Thích Tuệ Nguyên nói so với ngày đầu tiếp xúc, chàng trai 24 tuổi đã thay đổi tích cực. Với nhiều người lương của Nghĩa chưa hẳn đã cao, công việc chưa đạt đến kỳ vọng của bố mẹ nhưng chàng trai lại tìm thấy sự bình an, thay vì những suy nghĩ tiêu cực như trước.
“Một khi tâm thức thay đổi, cuộc sống cũng sẽ đổi thay. Ai cũng phải cố gắng tiến lên phía trước nhưng cũng không nên quên mất sức khỏe tinh thần”, sư bác nói.
Khẳng định cửa chùa luôn chào đón những người có nhu cầu đến “chữa lành” hay tìm cách cân bằng cuộc sống nhưng sư bác Tuệ Nguyên cũng khuyên mọi người cần suy nghĩ kỹ trước khi quyết định. Với những bạn trẻ, cần tham khảo ý kiến gia đình, bởi suy cho cùng Tết là cơ hội để sum họp, là ngày đoàn viên sau một năm tất bật.
Đặc biệt quyết định xin vào chùa ăn Tết phải được suy nghĩ kỹ lưỡng, hiểu rõ điểm đến bởi “không phải ai cũng hợp được không khí, cách sinh hoạt phải theo đúng quy tắc, lễ nghi của Phật giáo”.
Tiến sĩ Vũ Thu Hương cảnh báo, người trẻ phải hiểu đến chùa để chữa lành tâm thức và biết rõ không gian này sẽ khác với cuộc sống bên ngoài. Tránh trường hợp ở hai, ba ngày thấy chán lại xin ra.
Trước một số ý kiến cho rằng “bình an quá độ sẽ mất ý chí phấn đấu”, sư bác Tuệ Nguyên khẳng định điều đó sẽ không xảy ra. Tâm lý của con người luôn có xu hướng tìm đến nơi an toàn để chữa lành, ổn định cuộc sống, sau đó mới có thể xác định hướng đi mới cho bản thân.
“Đây cũng là lý do khiến nhiều người trẻ sau khi đến chùa đón Tết đều quay trở lại xã hội với những định hướng mới. Họ không chỉ tiếp tục đi làm, mà còn làm tốt và phát triển những điểm mạnh của bản thân mà trước giờ có thể bị che khuất do suy nghĩ tiêu cực”, sư bác nói.
Như trường hợp của Minh Anh ở Phúc Thọ, Hà Nội, sau hai năm ăn Tết ở một ngôi chùa tại Vũng Tàu đã quyết định nghỉ việc bán hàng tại một siêu thị trong thành phố, quyết tâm về quê thi đỗ công chức. Trước đó, cô gái 28 tuổi không tin vào năng lực của bản thân.
“Ở chùa, tôi được học cách làm chủ bản thân để quyết định cuộc đời. Khi niềm tin được xác lập, có thể công phá được tất cả mọi thành trì chướng duyên, phiền não”, cô gái nói.
* Tên của một số nhân vật đã được thay đổi.
Theo VnExpress