Chủ đề
Tưởng lây nhiễm Covid hóa sốt xuất huyết
Ông Khôi, 91 tuổi, sốt cao ba ngày, đau mỏi, ho nhiều, khó thở, xuất huyết ở cẳng chân, tưởng mắc Covid-19 song bác sĩ chẩn đoán sốt xuất huyết biến chứng viêm phổi.
Ngày 22/8, ThS.BS Bạch Nguyễn Trà My, khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết tiểu cầu của ông Khôi giảm mạnh, chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo bội nhiễm viêm phổi. Bệnh nhân nếu điều trị muộn có nguy cơ suy hô hấp do viêm phổi nặng lên hoặc xuất huyết do giảm tiểu cầu nhanh. Trước đó, gia đình có người mắc Covid nên người nhà nghĩ ông bị lây nhiễm.
Ông Khôi tiền sử tăng huyết áp, hẹp mạch vành, đang uống thuốc hạ mỡ máu và chống đông nên điều trị sốt xuất huyết khó khăn. Bác sĩ sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi, cho người bệnh thở oxy hỗ trợ hô hấp, truyền tiểu cầu và theo dõi sát. Sức khỏe bệnh nhân dần hồi phục, tiểu cầu tăng, không còn khó thở, xuất viện sau 6 ngày.
Bác sĩ Trà My cho biết sốt xuất huyết Dengue có triệu chứng giảm tiểu cầu làm tăng nguy cơ chảy máu như xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa. Lúc này bác sĩ cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trong việc dừng thuốc chống đông khi tiểu cầu giảm thấp. Người bị sốt xuất huyết Dengue tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn gây ra các bệnh nhiễm khuẩn có thể gặp như viêm phổi, nhiễm khuẩn tiêu hóa…
Từ đầu tháng 8 đến nay số bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue khám và điều trị tại khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, tăng gấp ba tháng trước, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân giảm tiểu cầu sớm và nhanh, nguy cơ phải truyền tiểu cầu cao trong khi lượng máu dự trữ ở các kho máu đang hạn chế.
Bác sĩ My khuyến cáo người có biểu hiện mệt mỏi, li bì, nhức người, đau cơ khớp, nhức mắt, sốt 39-40 độ đến ngày 2-3 không rõ nguyên nhân, cần đến các cơ sở y tế khám. Người bị sốt xuất huyết Dengue sống một mình, nhà quá xa cơ sở y tế, trẻ nhũ nhi, phụ nữ có thai, người trên 60 tuổi, mắc bệnh mạn tính cần nhập viện điều trị. Giai đoạn sốt xuất huyết nguy hiểm thường là ngày 4-7, thông thường người bệnh giảm sốt nên chủ quan. Lúc này tiểu cầu vẫn tiếp tục giảm nhiều và xuất hiện cô đặc máu, người bệnh cần được theo dõi sát.
Để phòng sốc sốt xuất huyết sau khi hết sốt, người bệnh cần theo dõi thêm một tuần. Khi xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, ra máu kinh bất thường ở phụ nữ, li bì hoặc khó thở cần đến bác sĩ. Hiện, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng. Người bệnh cần bù nước bằng oresol, nước hoa quả, nước lọc, nước dừa.
Bác sĩ Trà My lưu ý triệu chứng của sốt xuất huyết có những điểm tương đồng với một số bệnh lý khác như Covid-19, cúm, thủy đậu… nên dễ nhầm lẫn. Tự mua thuốc điều trị sai phác đồ có thể làm bệnh nặng thêm gây nguy hiểm tính mạng.
Theo: Vnexpress