Chủ đề
Người đàn ông tự tiêm nọc rắn vào cơ thể 856 lần để tìm kiếm kháng thể
Trong suốt gần hai thập kỷ, Tim Friede – một người đam mê rắn độc tại Mỹ – đã làm điều mà không ai dám nghĩ tới: tự tiêm nọc độc của chúng vào cơ thể mình hơn 850 lần. Điều tưởng như điên rồ đó giờ đây lại đang mở ra cánh cửa cho một loại thuốc giải độc rắn phổ quát, thứ có thể cứu sống bất kỳ nạn nhân nào bị cắn, bất kể loài rắn nào.
Từ sở thích kỳ quặc đến nguồn kháng thể sống
Từ nhỏ, Tim Friede đã có một niềm đam mê đặc biệt với rắn. Nhưng khác với người yêu động vật thông thường, anh không chỉ nuôi mà còn… trích nọc từ chúng để tự tiêm vào cơ thể. Cách làm này nhằm “huấn luyện” hệ miễn dịch của chính mình chống lại chất độc chết người.
Đã có lần, anh bị hai con hổ mang cắn chỉ trong một giờ. Trái tim anh ngừng đập, bác sĩ từng nghĩ rằng anh sẽ không qua khỏi. Nhưng chính nhờ lượng kháng thể được tích tụ trong suốt thời gian trước đó, anh đã sống sót dù trong gang tấc.
Và thay vì dừng lại, Tim vẫn tiếp tục, sau đó lần lượt với các loại rắn như mamba đen, taipan, đuôi chuông Mojave và hàng chục loài khác. Cảnh tượng tự tiêm nọc và bị rắn cắn được anh ghi hình và đưa lên YouTube, thu hút sự chú ý không chỉ của người tò mò, mà cả giới khoa học.
Những đoạn video của Friede đã đến được tay tiến sĩ Jacob Glanville – nhà miễn dịch học và CEO công ty công nghệ sinh học Centivax. Thay vì coi đây là hành động liều lĩnh, Glanville nhận ra một cơ hội vàng: nếu cơ thể Friede có thể tạo ra kháng thể chống lại nhiều loại nọc rắn, thì liệu máu anh có thể trở thành nền tảng cho một loại huyết thanh cứu người?
Câu trả lời là: hoàn toàn có thể!
Nhóm của Glanville đã tách được hai dòng kháng thể từ máu Friede, phối hợp chúng trong thí nghiệm trên chuột và ghi nhận kết quả cực kỳ ấn tượng. Loại huyết thanh mới này có thể vô hiệu hóa nọc độc của 13 trên 19 loài nguy hiểm nhất thế giới, đồng thời cũng cung cấp bảo vệ một phần với các loài còn lại.
Không giống các loại huyết thanh truyền thống vốn chỉ hiệu quả với chỉ một loài duy nhất, và thường cũng sẽ gây phản ứng phụ do chiết xuất từ động vật như ngựa hay cừu, huyết thanh từ kháng thể người mở ra giải pháp điều trị linh hoạt và an toàn hơn.
Hướng tới thuốc giải độc rắn “toàn cầu”
Glanville và nhóm của ông đang theo đuổi mục tiêu đầy tham vọng: phát triển loại thuốc giải độc rắn phổ quát, có thể sử dụng ở mọi vùng, chống lại mọi loài rắn, không cần phân biệt chủng loại.
Đến nay, nhóm đang tập trung vào các loài trong họ rắn elapid – bao gồm hổ mang, mamba và taipan. Trong tương lai, họ muốn mở rộng sang họ viperid, gồm các loài như rắn lục, rắn đuôi chuông.
Một bước đi quan trọng trước khi ứng dụng cho người là thử nghiệm thực địa. Sắp tới, loại huyết thanh này sẽ được thử nghiệm trên các ca chó bị rắn cắn tại các phòng khám thú y ở Úc – một đất nước vốn nổi tiếng vì sở hữu nhiều loài rắn độc hàng đầu thế giới.
Tim Friede – người từng bị gọi là điên rồ – nay có thể trở thành người hùng vô danh trong ngành y sinh học. Câu chuyện của anh là minh chứng rằng đam mê – dù lạ lùng – nếu đi kèm kiến thức và khoa học, có thể tạo ra khác biệt cho cả nhân loại.
Nếu thành công, huyết thanh từ máu Friede không chỉ là chiến thắng của y học, mà còn là kết quả kỳ lạ nhất từ một hành trình mà chính khoa học cũng không dám tưởng tượng.
Nguồn tổng hợp