Truyền thông khoa học: Niềm tin phải dựa vào minh chứng - Doctor247

Truyền thông khoa học: Niềm tin phải dựa vào minh chứng

Tác giả: Sue Le, Giám đốc Điều hành Red Communications

Giữa thời đại ma trận thông tin, nơi mà sự thật đôi khi bị phản chiếu méo mó bởi quá nhiều tầng nhiễu, truyền thông khoa học không chỉ là công cụ để “nói cho rõ” – mà còn là sứ mệnh để “kể cho đúng”.

Và để có thể đúng, thì không thể thiếu những dữ liệu được kiểm chứng, những thông tin khoa học không thể chối cãi, những kết luận dựa trên nghiên cứu thực nghiệm, và những con số biết nói, thay vì cảm xúc nhất thời. Con đường duy nhất dẫn lối đến niềm tin lâu dài trong lòng công chúng, suy cho cùng, phải được xây đắp từ những viên gạch nền móng của thông điệp minh bạch, tư duy cẩn trọng và tinh thần tuân thủ sự thật.

Truyền thông khoa học, về bản chất, là cách chúng ta chuyển dịch ngôn ngữ chuyên môn trong phòng thí nghiệm thành câu chữ gần gũi với đời sống thường nhật. Là khi chúng ta không chỉ giải thích, mà còn khơi gợi, lay chuyển và lan tỏa thông điệp “bảo vệ sức khỏe” – từ nhận thức tới hành vi, từ cộng đồng đến từng cá nhân, trong mỗi nhịp chuyển mình của ngành y tế.

truyen-thong-khoa-hoc-sue-le

Ngành dược, từ gia công đến sáng tạo

Có một chuyển động đang âm thầm nhưng mạnh mẽ diễn ra: ngành dược toàn cầu đang tái cấu trúc. Theo báo cáo mới nhất của McKinsey & Company (2023), gần 70% các tập đoàn dược phẩm hàng đầu trên toàn cầu đang triển khai kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng trong vòng 5 năm tới.

Và giữa làn sóng “friendshoring” – xu hướng chuyển sản xuất sang các quốc gia thân thiện về chính trị và thương mại – Việt Nam bất ngờ được gọi tên như một điểm đến đầy tiềm năng. Điều này mở ra cơ hội lớn cho ngành công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam khi chúng ta không chỉ duy trì vai trò “công xưởng gia công” mà còn định hướng phát triển thành “trung tâm sáng tạo” với năng lực nghiên cứu và sản xuất tân tiến.

lan-song-friendshoring

Báo cáo từ Fitch Solutions (Q1/2025) cũng khẳng định Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường dược phẩm phát triển mạnh mẽ nhất khu vực Đông Nam Á, với quy mô thị trường dự báo đạt 16,1 tỷ USD vào năm 2026 và tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) giai đoạn 2021 – 2026 đạt mức 8%, thuộc nhóm cao nhất châu Á.

Tuy nhiên, nếu ngành dược chỉ tiếp tục giữ vai trò gia công, Việt Nam sẽ mãi “mắc kẹt” ở mắt xích tầng thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu và khó có thể khai thác hết tiềm năng vốn có. Để “lớn lên”, ngành dược Việt cần một cú hích: đẩy mạnh năng lực R&D (nghiên cứu & phát triển), sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và – quan trọng hơn cả – xây dựng một chiến lược thương hiệu khoa học vững chãi, đáng tin cậy.

Khi các doanh nghiệp dược bắt đầu chuyển mình, một loạt các chiến lược phải được triển khai đồng bộ và bài bản. Bài toán cần tập trung giải quyết lúc này sẽ xoay quanh việc xây dựng và tái định vị thương hiệu, sao cho không chỉ gói gọn trong “công xưởng” sản xuất, mà phải trở thành trung tâm của đổi mới, của sáng tạo, của những thành tựu trong nghiên cứu và phát triển.

Để làm được điều này, doanh nghiệp cần kiến tạo vai trò như một “người kể chuyện” khoa học, để truyền thông và quảng bá thương hiệu đến nhà đầu tư, đối tác quốc tế và cả người tiêu dùng trong nước.

“Người kể chuyện” sẽ biết cách diễn giải những thành tựu trong nghiên cứu và phát triển, nêu bật sự sáng tạo trong công nghệ và sản phẩm, bằng một ngôn ngữ đại chúng dễ hiểu, chuẩn mực và đúng trọng tâm. Bởi một sản phẩm tốt sẽ chỉ thực sự được công nhận khi công chúng hiểu vì sao nó được ra đời, nhằm mang lại lợi ích gì cho sức khỏe cộng đồng, và đâu là điểm khác biệt làm nên giá trị cốt lõi của sản phẩm đó.

Song song với đó, công tác giáo dục bệnh học và nâng cao hiểu biết về sức khỏe cộng đồng cũng cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Sáng tạo trong truyền thông y tế không chỉ là tìm cách giới thiệu sản phẩm, mà phải tìm cách giúp người tiêu dùng hiểu đúng bệnh lý, hiểu sâu giải pháp, và hiểu trúng đích những lựa chọn nào phù hợp cho cơ thể của mình.

Bên cạnh đó, một thương hiệu dược mạnh không thể thiếu năng lực kết nối với báo chí trong nước và quốc tế, khả năng quản trị khủng hoảng y tế, và sự chủ động tham gia vào các chính sách y tế cộng đồng. Những điều tưởng chừng nằm ngoài phòng thí nghiệm lại chính là nền móng giúp ngành dược Việt Nam không chỉ “đi cùng thế giới” – mà có thể “đứng cùng thế giới”, bằng chính vị thế và nội lực của mình.

“Vùng xanh” mới của ngành dược: Nơi chỉ dành cho những người thực sự sẵn sàng

Chính trong bối cảnh như thế của ngành dược phẩm đương thời, việc xây dựng lòng tin với các chuyên gia y tế, bác sĩ, nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và người tiêu dùng không thể thiếu sự chính xác và minh bạch trong thông điệp.

Đồng thời, việc hiểu biết và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về truyền thông dược phẩm của các cơ quan quản lý là yếu tố then chốt trong chiến lược truyền thông của mỗi công ty dược phẩm. Việc truyền tải các thành tựu nghiên cứu không còn là phần hậu kỳ, mà hiển nhiên phải nằm trong mọi chiến lược tiên phong.

Một nghiên cứu của GlobalData (2024) chỉ ra rằng các công ty dược có chiến lược truyền thông khoa học bài bản ghi nhận tỷ lệ chấp thuận sản phẩm mới cao hơn 20%, đồng thời thâm nhập thị trường nhanh hơn 30% so với các đối thủ không chú trọng đến truyền thông khoa học.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, khoảng trống trong truyền thông khoa học còn rất lớn. Chỉ dưới 10% các chiến dịch truyền thông y tế-dược phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế về giao tiếp y tế (medical communication). Phần lớn các chiến dịch hiện tại vẫn thiên về quảng cáo, thiếu chiều sâu khoa học, hoặc không tuân thủ đúng các quy định pháp lý.

truyen-thong-khoa-hoc-sue-le

Và đó chính là một “vùng xanh” – nơi chỉ những ai có chuẩn bị, có chiến lược, và có sự đầu tư nghiêm túc vào khoa học mới có thể bước vào. Bởi lẽ, nó không còn là cuộc đua của ngân sách quảng cáo, mà là cuộc đua của chiều sâu hiểu biết và khả năng kể chuyện có điểm tựa thực nghiệm.

Một thương hiệu dược phẩm mạnh không chỉ cần phòng thí nghiệm hiện đại, mà cần có khả năng nói cho thế giới hiểu mình đang làm gì, và đang làm vì ai. Kể về sản phẩm, không chỉ là kể về thành phần, mà là hành trình từ sáng kiến ở phòng thí nghiệm tới khai sáng cuộc đời bệnh nhân. Truyền thông khoa học, không chỉ đơn thuần giúp đối tác hoặc cơ quan thẩm quyền hiểu rõ về tiềm năng và sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, mà còn giúp cộng đồng nhận thức đúng đắn về bệnh lý và tìm cách điều trị để sống khỏe, sống lâu, sống vui.

Red Comms: Sẵn sàng bứt phá cùng khoa học

Hơn một thập kỷ trước, khi thị trường ngành PR về y-dược còn đang thực hành truyền thông đơn thuần, giữa đúng luật và quảng bá, Red Comms đã chọn cho mình một con đường khác biệt và tiên phong: đầu tư phát triển năng lực truyền thông khoa học thực thụ. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là đáp ứng các yêu cầu của luật quảng cáo, mà còn phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về dược phẩm và đảm bảo tính minh bạch khoa học trong mọi thông điệp truyền tải. Tại Red Comms, chúng tôi không chỉ truyền tải – mà còn thẩm định thông tin, không chỉ kể lại – mà còn truy nguyên dữ liệu lâm sàng.

Red Comms tự hào sở hữu đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản về y khoa, dược-lý học và truyền thông y tế, với kiến thức sâu rộng về các chuẩn mực truyền thông địa phương và quốc tế (FDA, EMA, WHO Guidelines). Với thế mạnh “hiểu luật, hiểu ngành và hiểu người nghe”, chúng tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn truyền thông cho các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia, các thương hiệu dược phẩm nội địa lớn, và đặc biệt là việc xây dựng nền tảng học hỏi và hiểu biết về quy định pháp lý đối với nội dung truyền thông.

Trong suốt hành trình phát triển, Red Comms đã đồng hành cùng nhiều dự án chiến lược quan trọng mang tầm quốc gia, như ra mắt các sản phẩm vaccine và các phương pháp điều trị bệnh thế hệ mới tại Việt Nam; tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức về các bệnh lý hiếm gặp; tư vấn xây dựng danh tiếng khoa học cho các doanh nghiệp, cộng đồng y khoa và các KMOLs (Key Medical Opinion Leaders); sáng tạo nội dung truyền thông gần gũi với đại chúng, nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học và dựa trên nền tảng lâm sàng vững chắc…

muc-tieu-cua-red-comms

Truyền thông khoa học tại Red Comms luôn được thực hiện qua cách kể những câu chuyện có căn cứ, có bằng chứng khoa học thực tiễn, có tính nhân văn và có sức mạnh lan tỏa cảm hứng. Chúng tôi tin rằng trong 5 năm tới, bất kỳ thương hiệu dược phẩm nào biết cách xây dựng hình ảnh khoa học một cách vững vàng sẽ không chỉ củng cố vị thế của họ trên thị trường, mà còn định hình lại cách ngành dược phẩm Việt Nam được nhìn nhận trên bản đồ thế giới.

Và trên hành trình đó, Red Comms sẽ tiếp tục làm điều mà mình luôn tin: kể chuyện tử tế, kể chuyện tận tâm, kể chuyện đúng & trúng bằng minh chứng khoa học. Với tất cả năng lực, sự hiểu biết và tận tâm, Red Comms đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thương hiệu dược phẩm tiên phong tại Việt Nam trên hành trình này, không ngừng học hỏi, sáng tạo và đón đầu những cơ hội mới.

Đọc thêm bài viết khác: Quỹ đạo tương lai của sức khỏe 

Nguồn tham khảo:

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận