Chủ đề
Trẻ dưới 5 tuổi cần chủng ngừa những loại vắc-xin nào?
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, có khoảng 500.000 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi năm trên toàn thế giới do phế cầu khuẩn.
Phế cầu khuẩn là căn nguyên gây viêm phổi cao nhất hiện nay, chiếm khoảng 30 – 50% các trường hợp viêm phổi. Tại nước ta, hàng năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc viêm phổi và khoảng 4.000 trẻ tử vong vì căn bệnh này.
Trẻ dưới 5 tuổi cần tiêm những loại vắc-xin nào?
Trong 5 năm đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ còn non yếu và chưa phát triển toàn diện, vì vậy rất dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển và tính mạng của trẻ. Do đó, áp dụng các biện pháp phòng bệnh chủ động là điều mà phụ huynh nên làm.
Theo các chuyên gia y tế, ước tính trung bình mỗi ngày trẻ sẽ tiếp xúc với khoảng 20 – 40 tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi, miệng,.. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện, trẻ có xu hướng đưa mọi thứ vào miệng và chưa biết rửa tay sạch.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TPHCM cho biết, hiện nay đa số các bệnh lý truyền nhiễm ở trẻ em có thể được phòng ngừa nếu phụ huynh cho trẻ tiêm phòng vắc-xin đầy đủ theo lịch. Vắc-xin ra đời, đã giúp con người vượt qua được rất nhiều đại dịch. Vì vậy, việc chủ động phòng bệnh bằng vắc-xin được xem là một biện pháp phòng ngừa bệnh có hiệu quả nhằm giúp con người ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh lây truyền nguy hiểm. Đã có hơn 30 bệnh nhiễm khuẩn có thể dự phòng được bằng vắc-xin. Ngoài việc làm giảm tỷ lệ tử vong, việc phòng bệnh bằng vắc-xin giúp trẻ khỏe mạnh, phát triển thể chất và trí não tốt, giảm số ngày ốm và nhập viện, giảm chi phí chăm sóc y tế, giảm tình trạng tàn phế hay mất khả năng lao động do bệnh tật gây nên.
Sau đây là những loại vắc-xin mà phụ huynh cần quan tâm, chủng ngừa cho trẻ dưới 5 tuổi:
– Vắc-xin phòng bệnh Viêm gan B nên được tiêm trong vòng 24 giờ và cần tiêm 4 mũi khi trẻ đủ 2 tuổi để đảm bảo có đủ miễn dịch phòng ngừa bệnh.
– Vắc-xin phòng bệnh Lao được khuyến cáo nên tiêm sớm cho trẻ sau khi sinh trong vòng 30 ngày đầu.
– Vắc-xin phòng bệnh ho gà – bạch hầu – uốn ván – bại liệt – HiB nên tiêm cho trẻ đủ 4 mũi từ 2 – 48 tháng tuổi.
– Vắc-xin phòng bệnh do phế cầu cần được tiêm 4 mũi vào tháng 2, 3, 4, mỗi tháng tiêm 1 mũi, mũi nhắc lại lúc trẻ được 12 – 15 tháng nhằm phòng tránh bệnh viêm màng não mủ, viêm phổi, viêm tai giữa,…
– Vắc-xin phòng Rota virus được dùng ở dạng uống, chia thành 3 liều mỗi liều 2ml, hoàn thành 3 liều trước khi trẻ đủ 8 tháng tuổi.
– Vắc-xin phòng cúm nên chủ động tiêm khi trẻ đủ 6 tháng tuổi và tiêm nhắc hàng năm giúp trẻ có miễn dịch tốt với các chủng virus mới xuất hiện.
– Vắc-xin phòng bệnh Sởi – Quai bị – Rubella gồm 2 liều tiêm khi trẻ được 12 – 15 tháng tuổi và mũi tiêm nhắc khi trẻ được 4- 6 tuổi.
– Vắc-xin phòng bệnh thủy đậu: tiêm 1 liều khi trẻ được 1 tuổi, có thể tiêm thêm mũi thứ 2 khi trẻ được 4 – 6 tuổi.
– Vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản nên tiêm khi trẻ từ 2 – 6 tuổi với 3 mũi tiêm.
Đặc biệt, một trong những mối nguy hiểm thường xuyên rình rập và gây nguy hiểm cho trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, đó là phế cầu khuẩn. Thực tế, nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức đúng về loại vi khuẩn này. Phế cầu là một vi khuẩn thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi như: các bệnh lý đường tai – mũi – họng như: viêm họng, viêm mũi, viêm tai giữa, nặng hơn nữa là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết. Vi khuẩn này lây lan qua đường hô hấp nên khả năng phát tán trong cộng đồng rất nhanh.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, tỷ lệ người khỏe mạnh mang phế cầu khuẩn trong vùng hầu họng lên đến 40-70%. Khi người khỏe mạnh mang phế cầu khuẩn ho, nói chuyện có thể phát tán vi khuẩn phế cầu. Trẻ em là đối tượng dễ bị vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Ở một thời điểm nào đó, khi sức đề kháng của trẻ yếu đi thì phế cầu khuẩn có sẵn sẽ tấn công và gây bệnh. Do đó, phụ huynh nên tiêm phòng phế cầu cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Hiện nay, vắc-xin phế cầu được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 5 tuổi với nhiều phác đồ khác nhau tùy theo độ tuổi. Và trẻ trên 6 tuần tuổi cần được phòng ngừa phế cầu càng sớm càng tốt.
Không những thế, để hạn chế phế cầu khuẩn có thể phát tán và lây lan cho trẻ em, bác sĩ Khanh còn khuyên tất cả mọi người trong gia đình cũng nên chủ động phòng bệnh phế cầu. “Vắc-xin phòng các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra không chỉ cần thiết với trẻ em mà cả với những người lớn, bởi nó có thể phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh do phế cầu khuẩn cho tất cả mọi người và giảm thiểu nguy cơ lây lan cho những người cần bảo vệ nhất, đó là với trẻ dưới 2 tuổi và người già trên 65 tuổi”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Theo SK&ĐS