Chủ đề
Nhìn sang nước Mỹ: Tỷ lệ người trẻ bị đau tim đang tăng
Những cơn đau tim hiếm khi xảy ra ở người trẻ, tuy nhiên, khảo sát gần đây lại cho thấy tủ lệ này đang tăng lên.
Tỷ lệ đau tim ở người trẻ đã tăng 2/3 trong 4 năm qua
Năm 2019, theo dữ liệu từ Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia (NCHS), chỉ có 0,3% người lớn ở Mỹ trong độ tuổi từ 18 đến 44 từng bị đau tim. Con số này đã tăng lên 0,5% vào năm ngoái. Dù đau tim ở nhóm tuổi này vẫn hiếm gặp, nhưng đó là sự gia tăng hơn 2/3 trong bốn năm qua. Trong khi cơn đau tim phổ biến hơn nhiều ở người lớn tuổi, dữ liệu từ NCHS cho thấy tỷ lệ ở các nhóm tuổi trưởng thành khác thực sự đã giảm kể từ năm 2019. Các bác sĩ và nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm hiểu nguyên nhân khiến cơn đau tim gia tăng ở người trẻ — nhóm trước đây vốn ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cấp tính.
Các chuyên gia nghi ngờ rằng sức khỏe tim mạch của nhóm người trưởng thành dưới 50 tuổi bị ảnh hưởng mạnh mẽ hơn dù không phải là nhóm tuổi duy nhất bị ảnh hưởng bởi béo phì. Theo Tiến sĩ Andrew Moran, bác sĩ tim mạch dự phòng và nhà dịch tễ học tại Đại học Columbia, nói với Yahoo Life: “Mặc dù béo phì đã gia tăng ở mọi nhóm tuổi, nhưng mức tăng trong nhóm người trẻ tuổi lại dốc hơn nhiều so với người lớn tuổi”.
Theo Tiến sĩ Noel Bairey Merz, sự gia tăng có thể đến từ cái gọi là “thói quen dinh dưỡng được hình thành từ thời thơ ấu”. Thức ăn nhanh, vốn là một trong những nguyên nhân gây bệnh béo phì và tiểu đường, trở nên phổ biến rộng rãi sau Thế chiến thứ hai, và đến năm 2010, số bữa ăn ngoài đã vượt qua tỷ lệ nấu ăn tại nhà. Những người trẻ hiện ở độ tuổi từ 40 trở xuống đã hình thành thói quen ăn uống gắn liền với các cửa hàng thức ăn nhanh tiện lợi. Béo phì và tiểu đường là những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến cao huyết áp. Và cả ba yếu tố này đều là nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch và cơn đau tim vì chúng có thể làm tổn thương mạch máu và gây căng thẳng cho tim.
COVID-19 có thể đã khiến đau tim diễn ra sớm hơn ở người trẻ
COVID-19 có thể gây tổn thương cho tim và hệ tim mạch, trong một số trường hợp gây ra một dạng viêm tim nguy hiểm gọi là viêm cơ tim, cũng như tấn công phổi. Các trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng khá hiếm gặp ở người trẻ tuổi, nhưng khi nó xảy ra lại thường gặp ở những người trẻ có yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, bao gồm béo phì.
Trong hai năm đầu của đại dịch COVID-19, theo một nghiên cứu, có thêm 30% số ca tử vong do đau tim so với dự kiến ở những người từ 25 đến 44 tuổi. Một nghiên cứu khác ước tính rằng 4 trong số 100 người ở Mỹ phát triển một số triệu chứng liên quan đến tim trong vòng một năm sau khi hồi phục từ COVID-19.
Cả nam giới và nữ giới đều có những yếu tố tác động riêng
Nam giới có nguy cơ bị đau tim cao hơn phụ nữ ở mọi độ tuổi. Theo Moran, tỷ lệ phụ nữ biết được rằng bản thân có mắc các dấu hiệu của bệnh tim hay không cao hơn nam giới nhờ vào việc thường xuyên đến gặp bác sĩ hơn, về các vấn đề phụ khoa chẳng hạn. Trong khi đó, cũng theo nhận xét của tiến sĩ, nam giới lại cho thấy họ bị mất kết nối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, dẫn đến việc không biết “mình có cao huyết áp hay tiểu đường cho đến khi phải nhập viện.”
Tuy nhiên, nếu xét riêng nữ giới, tỷ lệ đau tim đã tăng cao, nhất là ở phụ nữ trẻ. Từ năm 1995 đến 2014, số ca nhập viện do đau tim ở phụ nữ từ 35 đến 54 tuổi đã tăng từ 21% lên 31%. Có một số cuộc khảo sát chỉ ra việc một nhóm phụ nữ có học vấn đại học có xu hướng bắt đầu hút thuốc khi họ đi học đại học… với lý do là để quản lý cân nặng. Thuốc lá điện tử có thể tệ không kém so với thuốc lá truyền thống đối với sức khỏe tim mạch.
Cuối cùng, một lĩnh vực nghiên cứu mới nổi đã cho thấy mối liên hệ giữa căng thẳng, chu kỳ kinh nguyệt và hormone có thể đặt phụ nữ vào nguy cơ đau tim đặc biệt. Bairey Merz cho biết: “Các nghiên cứu ngày càng rõ ràng rằng phụ nữ trẻ đang đối mặt với nhiều căng thẳng, lo lắng và áp lực hơn, và nhiều điều này liên quan đến mạng xã hội.” Mức độ căng thẳng cao có thể làm rối loạn chu kỳ kinh nguyệt; cụ thể là nó có thể dẫn đến việc bỏ lỡ các chu kỳ kinh. Khi bạn không rụng trứng mỗi tháng, mức estrogen của bạn sẽ rất thấp và điều này là một yếu tố góp phần gây bệnh tim mạch”.