Chủ đề
Loại thuốc được phong “thần dược” trong bối cảnh virus HMPV hoành hành tại Trung Quốc
Tình trạng lây lan nhanh chóng của HMPV tại Trung Quốc những tuần gần đây đã làm tăng nhu cầu về một loại thuốc kháng virus nhất định, trong đó có baloxavir marboxil, nhanh chóng trở thành “thần dược” phát sốt trên các nền tảng thương mại.
Loại thuốc được phong là “thần dược”
Sự khan hiếm tương đối của thuốc marboxil, cùng mức giá leo thang trên những kênh bán hàng trực tuyến, đã buộc giới chuyên gia phải lên tiếng cảnh báo: không nên tích trữ quá mức, cũng như không nên cho trẻ em dùng thuốc mà không có sự tư vấn của bác sĩ.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC), tỷ lệ dương tính cúm trên phạm vi cả nước đã tăng từ tháng 12/2024. Số liệu cho thấy trong tuần kết thúc ngày 29/12/2024, tỷ lệ ca dương tính cúm ở người đến khám tại bệnh viện đã tăng 6,2% so với tuần trước đó. CDC cũng lưu ý rằng mặc dù dịch cúm năm nay diễn biến nghiêm trọng hơn ở một số tỉnh phía bắc, nhưng quy mô tổng thể vẫn thấp hơn so với mùa cúm trước.
Thuốc Xofluza, với thành phần hoạt chất baloxavir marboxil, hiện được phê duyệt cho cả người lớn lẫn trẻ em từ 5 tuổi trở lên. Giá gốc của một vỉ Xofluza (gồm hai viên 20mg) là 222 nhân dân tệ, song trên một số nền tảng thương mại điện tử, thuốc có lúc được bán hơn 300 nhân dân tệ.
Lý do khiến Xofluza được ưa chuộng, theo dược sĩ Tôn Bác Dương (Sun Boyang) tại Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh, là vì cách dùng đơn giản hơn nhiều so với oseltamivir (Tamiflu). Thay vì dùng hai viên mỗi ngày và duy trì liên tục 5 ngày, Xofluza chỉ cần uống một liều duy nhất trong cả đợt điều trị.
Đợt bùng phát cúm đang diễn ra trùng thời điểm mùa đông lạnh giá ở nhiều nơi tại Trung Quốc, đặc biệt ở các tỉnh miền bắc. Tại tỉnh Liêu Ninh, số ca cúm đã tăng trung bình 123% mỗi tuần trong tháng 12/2024, cho thấy mức độ lây lan rất nhanh. Thống kê chính thức cũng chỉ ra rằng virus cúm A chiếm đến 99% số ca nhiễm trên toàn quốc, và tỷ lệ này trong tuần kết thúc ngày 29/12/2024 lên tới 99,7%. Đây là loại virus thường gây ra các đợt dịch lớn, cũng như có khả năng biến đổi thành các chủng mới.
Tâm lý sợ hãi hậu Covid
Với bối cảnh này, nhu cầu dùng thuốc kháng virus, nhất là Xofluza, tăng vọt. Tâm lý lo lắng về khả năng thiếu thuốc khiến nhiều phụ huynh đổ xô mua dự trữ cho con cái.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng không nên tự ý dùng thuốc mà thiếu sự đánh giá từ bác sĩ. Việc chọn thuốc hạ sốt hoặc kháng virus cho trẻ cần dựa vào độ tuổi, cân nặng, thành phần và hướng dẫn chuyên môn. Đây là điều đặc biệt quan trọng, bởi bất kỳ loại thuốc kháng virus nào cũng đạt hiệu quả tối ưu nếu được dùng trong vòng 48 giờ đầu kể từ lúc xác nhận dương tính với cúm.
Dược sĩ Tôn Bác Dương khuyên rằng, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú cũng nên cân nhắc trước khi sử dụng Xofluza. Nhiều loại thuốc, dù được phê duyệt, vẫn có thể gây rủi ro cho thai nhi hoặc trẻ nhỏ khi tiếp xúc. Bác sĩ Vương Toàn (Wang Quan) tại Bệnh viện Nhi đồng Đại học Y Thủ đô Bắc Kinh cũng chia sẻ rằng việc điều trị cúm hiệu quả phụ thuộc vào thời điểm can thiệp. Đợi quá 48 giờ sau khi có triệu chứng thì hiệu quả của thuốc kháng virus giảm đáng kể.
Trong khi đó, hãng dược phẩm Roche – nhà cung cấp độc quyền Xofluza tại thị trường Trung Quốc – đã xoa dịu mối lo ngại về khả năng thiếu thuốc. Ngày 6/1, Roche cho biết hiện hãng vẫn có đủ nguồn cung thuốc điều trị cúm. Công ty cũng khẳng định rất chú trọng đến việc đảm bảo lượng tồn kho Xofluza trong suốt mùa cúm này.
Trước nguy cơ tích trữ quá mức và sử dụng không đúng chỉ định y khoa, các chuyên gia y tế kêu gọi người dân bình tĩnh, tuân thủ hướng dẫn điều trị từ bác sĩ, đặc biệt đối với trẻ nhỏ và các nhóm đặc biệt như phụ nữ mang thai. Thuốc kháng virus có thể rút ngắn đáng kể thời gian mắc bệnh, nhưng dùng sai thời điểm hoặc lạm dụng thuốc lại gây hại nhiều hơn lợi.
Nguồn tổng hợp