Chủ đề
Uống paracetamol không chỉ giảm đau mà còn làm giảm cả độ “sợ hãi”?
Một nghiên cứu mới hé lộ rằng acetaminophen (còn gọi lại paracetamol) – loại thuốc giảm đau phổ biến nhất thế giới, không chỉ giúp xoa dịu các cơn đau đầu, mà còn có thể khiến chúng ta trở nên mạo hiểm hơn trong hành vi thường ngày.
Thuốc giảm đau làm giảm cả sự sợ hãi
Acetaminophen (hay paracetamol) hiện diện trong hơn 600 loại thuốc không kê đơn và kê đơn tại Mỹ, trở thành “ngôi sao” trên thị trường dược phẩm. Tương tự tại Việt Nam, đây là loại thuốc giảm đau thông dụng, có thể mua tại bất kỳ nhà thuốc nào trên toàn quốc.
Khi nhìn nhận về mặt tâm lý, nhiều nghiên cứu trước đây đã cho thấy việc giảm đau về thể chất cũng có thể giảm nhạy cảm về mặt tinh thần, chẳng hạn làm dịu cảm giác tổn thương hoặc giảm khả năng đồng cảm. Nhưng nghiên cứu từ năm 2020 của Đại học Bang Ohio lại cho thấy thêm một góc độ khác: người uống acetaminophen không còn sợ hãi nhiều về các tình huống rủi ro – ít nhất trong những bài kiểm tra mô phỏng mà họ đã thử nghiệm.
Trong loạt thí nghiệm, hơn 500 sinh viên đại học được chia thành hai nhóm ngẫu nhiên: một nhóm uống liều acetaminophen 1.000 mg (mức tối đa khuyến nghị cho mỗi lần), nhóm còn lại dùng giả dược (placebo). Sau đó, tất cả được yêu cầu “bơm bóng” trên màn hình máy tính để kiếm tiền ảo.
Mỗi lần bơm thành công, người tham gia thu thêm lợi nhuận ảo; nhưng nếu bơm quá đà khiến bóng nổ, họ sẽ mất toàn bộ. Kết quả bất ngờ: nhóm dùng acetaminophen sẵn sàng bơm bóng nhiều hơn, chấp nhận rủi ro để thu lợi lớn nhưng cuối cùng cũng thường làm bóng nổ sớm hơn so với nhóm đối chứng.
Ngoài trò chơi bơm bóng, người tham gia còn đánh giá độ rủi ro của các tình huống giả định như lái xe không cài dây an toàn, đặt cược toàn bộ tiền lương một ngày cho kết quả thể thao hoặc thực hiện những pha phiêu lưu mạo hiểm như nhảy bungee từ cầu cao. Nhiều người uống paracetamol cho biết họ đánh giá thấp độ nguy hiểm hơn so với nhóm chưa dùng thuốc. Tuy tác động này không xuất hiện trong mọi tình huống, hiện tượng giảm cảm nhận rủi ro vẫn được ghi nhận đáng kể ở nhóm dùng thuốc.
Paracetamol là loại thuốc giảm đau bán “tràn lan”
Một trong những lời giải thích khả dĩ mà nhóm nghiên cứu đưa ra là paracetamol có thể làm dịu phản ứng lo âu, tức “chất xúc tác” lớn khiến chúng ta ngừng hành vi rủi ro. Khi một người bắt đầu thấy nguy hiểm, họ sẽ dừng lại để bảo toàn “tài sản” (dù là tiền ảo hay sức khỏe). Thế nhưng, nếu tác động lo âu bị hạ thấp, người đó có thể tiếp tục hành động mạo hiểm, tin rằng rủi ro không quá đáng sợ.
Mặc dù các thí nghiệm bơm bóng không phản ánh hoàn toàn thế giới thực, kết quả này vẫn gợi ý rằng những quyết định thường ngày, đặc biệt trong các tình huống đòi hỏi đánh giá rủi ro có thể bị ảnh hưởng. Một người đang sử dụng paracetamol có thể lái xe nhanh hơn, đầu tư tài chính táo bạo hơn hoặc thực hiện những hành động mạo hiểm khác.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng nhấn mạnh cần có thêm nhiều nghiên cứu dài hạn với dữ liệu đời thực để khẳng định mối quan hệ nhân quả. Còn quá sớm để nói rằng paracetamol trực tiếp “biến” con người thành những kẻ thích phiêu lưu, song việc phát hiện ra mối liên hệ này cũng đủ để cộng đồng khoa học phải chú ý, nhất là khi acetaminophen được xếp vào nhóm thuốc thiết yếu toàn cầu và sử dụng rộng rãi.
Nghiên cứu từ Đại học Bang Ohio không chỉ hé lộ một khía cạnh mới về ảnh hưởng của thuốc giảm đau phổ biến nhất thế giới, mà còn đặt ra câu hỏi về hàng loạt hành vi hàng ngày của chúng ta. Với tỷ lệ lớn người dân thường xuyên dùng acetaminophen để giảm đau, tác động của thuốc đến cách họ đánh giá rủi ro có thể gây ảnh hưởng dây chuyền trong xã hội.
Dù các phát hiện vẫn cần được kiểm chứng thêm, nghiên cứu này mở đường cho nhiều dự án tương lai, nhằm hiểu rõ hơn về cơ chế tác động của acetaminophen đối với não bộ và tâm lý con người. Quan trọng hơn, nó nhắc nhở chúng ta rằng mọi loại thuốc, dù phổ biến đến đâu, đều có thể chứa đựng những tác động tâm lý và hành vi vượt xa mục đích ban đầu là giảm đau.
Nguồn tổng hợp