Chủ đề
Thực trạng mất cân bằng dinh dưỡng ngày càng trầm trọng
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay, do lối sống hiện đại, đồ ăn nhanh phát triển rầm rộ khiến sự mất cân bằng về dinh dưỡng ngày càng trầm trọng.
1. Thực trạng mất cân bằng dinh dưỡng hiện nay
ThS. BS. Phạm Trần Thiên Nhân, giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng- An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng 2019 – 2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp dinh dưỡng với gánh nặng kép.
Tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở người trưởng thành vẫn còn tương đối cao trong khi tỷ lệ thừa cân béo phì đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở khu vực thành thị. Năm 2018, Tổ chức Y tế Thế giới báo cáo rằng 25% phụ nữ và 20% nam giới trưởng thành ở Việt Nam bị thừa cân béo phì (WHO, 2018).
Khi tăng trưởng kinh tế cùng với sự can thiệp của các chương trình dinh dưỡng tại nông thôn đã làm giảm tình trạng thiếu năng lượng khẩu phần trong các bữa ăn nhưng lại thay thế bằng các vấn đề dinh dưỡng khác phức tạp hơn. Đó là tình trạng tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa năng lượng rỗng như thức ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, nước uống có đường vượt ngưỡng đang ngày càng phổ biến.
Những sản phẩm này rất dễ tiếp cận từ vô số điểm bán, sự tiện lợi và giá thành phải chăng. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc sống ngày càng bận rộn, mọi người thường có xu hướng lựa chọn các bữa ăn nhanh chóng, đơn giản, tiện lợi, ngoài ra các loại thức ăn nhanh còn rất hấp dẫn về mặt vị giác và thị giác.
Đây chính là những yếu tố làm thay đổi dần mô hình ăn uống truyền thống với những bữa ăn gia đình vốn dĩ đã cân đối và cung cấp nguồn dưỡng chất đa dạng.
Bên cạnh đó, khẩu phần ăn của người Việt cũng có nhiều thay đổi trong vòng 10 năm qua:
– Mức tiêu thụ thịt tăng nhanh, từ 84g/người/ngày năm 2010 tăng lên 136,4g/người/ngày năm 2020, vượt quá khuyến nghị.
– Mức tiêu thụ rau (231g/người/ngày) và hoa quả (140,7g/người/ngày) tuy có tăng nhưng vẫn chưa đạt mức khuyến nghị tối thiểu 400g/ngày.
– Tỷ lệ protein động vật/protein tổng số tăng cao, đặc biệt ở thành thị tăng tới 53,5%, vượt quá mức 30-35% theo nhu cầu khuyến nghị.
Sự kết hợp của việc tiêu thụ thực phẩm năng lượng rỗng và sự mất cân bằng giữa các nhóm thực phẩm trong khẩu phần đang dẫn đến nguy cơ vừa thiếu vi chất, chất xơ, vitamin, vừa dư thừa năng lượng, chất béo. Đây chính là nguyên nhân mất cân bằng dinh dưỡng, làm gia tăng các bệnh mạn tính không lây như thừa cân béo phì, đái tháo đường, tim mạch ở người Việt Nam.
2. Một số ví dụ về bữa ăn mất cân bằng dinh dưỡng thường gặp
Chế độ dinh dưỡng cân bằng là chế độ ăn bao gồm đầy đủ 4 nhóm chất cần thiết bao gồm: Chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất với tỷ lệ phù hợp để cung cấp năng lượng cho các hoạt động sống hàng ngày.
Mất cân bằng dinh dưỡng là tình trạng cơ thể không được nạp đầy đủ và cân đối các chất cần thiết do các bữa ăn không đảm bảo sự đa dạng thực phẩm.
Theo ThS. BS. Phạm Trần Thiên Nhân, bữa sáng với một phần bánh mì hamburger có thể khiến bạn nạp nhiều dầu mỡ và tinh bột mà thiếu rau xanh, hoặc bữa trưa với một phần gà rán, khoai tây chiên kèm theo một ly nước ngọt (ví dụ điển hình cho việc tiêu thụ năng lượng rỗng) chỉ cung cấp các chất dinh dưỡng giàu năng lượng như chất béo, đường đơn giản nhưng không có vitamin và khoáng chất để có thể chuyển hóa được các chất dinh dưỡng này. Vì vậy tất cả năng lượng cơ thể nạp vào đều sẽ được tích trữ thành mỡ thừa của cơ thể,
Trong khi đó, bữa tối muộn với nhiều món xào, nướng, sử dụng quá nhiều dầu mỡ kèm nước uống có cồn là sự kết hợp “chết người”. Khi đã ngà ngà, ta rất dễ mất kiểm soát và ăn uống vô độ.
Lúc này, cơ thể không chỉ tích tụ một lượng lớn năng lượng thừa từ dầu mỡ và cồn mà còn phải oằn mình “giải độc”. Lâu dần, thói quen ăn uống kiểu này sẽ đẩy cơ thể đến gần hơn với nguy cơ thừa cân béo phì và gánh nặng bệnh tật về sau.
Bên cạnh đó, thói quen ăn vặt với snacks, bánh kẹo, nước ngọt dễ khiến cơ thể nạp thừa năng lượng rỗng, tinh bột và đường mà thiếu chất xơ, vitamin.
3. Giải pháp nào khắc phục mất cân bằng dinh dưỡng?
Để khắc phục tình trạng mất cân bằng dinh dưỡng, mỗi người cần thực hiện chế độ ăn phù hợp với từng bữa ăn lành mạnh.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, bữa ăn lành mạnh là bữa ăn cung cấp đầy đủ, cân đối, hợp lý các chất dinh dưỡng (chất đạm, chất béo, chất bột đường), vitamin và khoáng chất, thực phẩm chế biến phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và không trở thành nguồn gây bệnh.
Bên cạnh đó, người chế biến bữa ăn phải biết lựa chọn thực phẩm vệ sinh, an toàn, tươi, ngon, không sử dụng thực phẩm hết hạn, không để rau lâu ngày, không chế biến thức ăn quá sớm trước khi ăn…
Theo SK&ĐS