Phân động vật có thể cứu lấy thế giới hoang dã! - Doctor247

Phân động vật có thể cứu lấy thế giới hoang dã!

Một dự án nghiên cứu tại Anh đang sử dụng phân động vật để thu thập tế bào sống phục vụ nghiên cứu di truyền và bảo tồn loài. Giải pháp không làm tổn thương động vật này có thể là chìa khóa cho tương lai đa dạng sinh học.

Thu thập tế bào sống từ…phân động vật

Tại Đại học Oxford (Anh), Giáo sư Suzannah Williams và nhóm nghiên cứu đang làm điều mà ít ai nghĩ tới: phân tích phân động vật để tìm kiếm tế bào sống.

Khi động vật bài tiết, các tế bào từ ruột sẽ bám trên lớp ngoài phân. Những tế bào này chứa DNA – mang thông tin di truyền quan trọng, có thể hỗ trợ theo dõi sức khỏe, lập bản đồ gene và bảo tồn các loài đang bị đe dọa.

Khác với việc lấy mẫu mô truyền thống vốn cần gây mê động vật, phương pháp từ phân hoàn toàn không làm tổn thương và ít gây căng thẳng.

Dự án “Poo Zoo” – “Sở Thú Phân” ra đời

Tháng 10/2024, dự án “Poo Zoo” được thành lập với nguồn tài trợ từ tổ chức Revive and Restore. Nhóm bắt đầu thử nghiệm từ phân chuột – dễ lấy và phù hợp để tinh chỉnh kỹ thuật.

Sau đó, họ chuyển sang phân voi – nguồn mẫu lớn nhưng khó xử lý. Hợp tác với Sở thú Chester, nhóm đã nhiều lần phân lập thành công tế bào sống từ phân voi nhờ các phương pháp lọc và làm sạch đặc biệt.

Tại sở thú, phân thường được phân tích để theo dõi nội tiết tố, khả năng sinh sản, tình trạng mang thai…Việc bổ sung nghiên cứu gene từ phân là một bước tiến đáng kể.

thu-thap-mau-phan-dong-vat
Sở thú Chester thu thập các mẫu phân để phân tích, nhằm thu thập thông tin về sức khỏe của động vật, chẳng hạn như hoóc-môn và tình trạng mang thai.

Giải pháp mới cho bảo tồn và sinh sản nhân tạo

Dữ liệu di truyền thu được có thể dùng để hỗ trợ các ngân hàng gene và phục vụ cho công nghệ thụ tinh ống nghiệm (IVF) trong tương lai – đặc biệt với những loài quý hiếm và khó tiếp cận.

Về lý thuyết, tế bào thu được từ phân có thể được “tái lập trình” thành tinh trùng hoặc trứng, như cách nhà khoa học Shinya Yamanaka từng làm với tế bào gốc – mang về giải Nobel Y học năm 2012.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là đảm bảo mẫu đủ sạch, bởi phân chứa nhiều vi khuẩn gây nhiễu. Dù vẫn còn nghi ngại về chất lượng tế bào để dùng cho công nghệ cao, các chuyên gia đồng tình rằng đây là hướng nghiên cứu đầy tiềm năng.

Ngoài phân, giới khoa học cũng dùng bẫy lông hoặc camera để thu thập mẫu một cách nhẹ nhàng, cũng không làm tổn thương động vật. Nhưng so với những phương pháp này, phân vẫn là nguồn tế bào phong phú, dễ thu thập hơn trong tự nhiên.

phan-dong-vat-cuu-lay-da-dang-sinh-hoc

Theo các nghiên cứu gần đây, đa dạng gene của nhiều loài đang sụt giảm nghiêm trọng – khiến chúng dễ bị tổn thương trước bệnh tật và biến đổi khí hậu. Giáo sư Williams nói: “Nếu không có sự đa dạng gene, nhiều loài sẽ không thể tồn tại.”

Dù Poo Zoo vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu, nhóm tin rằng phương pháp này có thể mở rộng trong tự nhiên – góp phần vào cuộc chiến bảo tồn sự sống đang bị đe dọa.

“Ước gì tôi không phải làm công việc này. Ước gì động vật không bị tuyệt chủng, con người không săn bắt chúng. Nhưng thực tế không như vậy. Vì thế, chúng tôi đang cố gắng làm điều quan trọng nhất có thể.” – Williams chia sẻ.

Phân động vật – dữ liệu quý trong thời kỳ tuyệt chủng

Tốc độ tuyệt chủng của các loài hiện nay được ví như “cuộc đại tuyệt chủng lần thứ 6” trong lịch sử Trái Đất. Khi các quần thể động vật trở nên nhỏ và bị cô lập, sự giao phối cận huyết tăng lên, làm giảm khả năng kháng bệnh và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Một phân tích trên hàng trăm loài cho thấy, 2/3 đang sụt giảm về đa dạng gene. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng 58% loài không còn đủ cá thể để duy trì di truyền ổn định trong dài hạn.

Vì vậy, việc tìm ra những phương pháp mới – như thu thập tế bào từ phân để mở rộng dữ liệu gene là điều cấp thiết. Theo các chuyên gia, đa dạng di truyền chính là “lá chắn sinh học” cuối cùng giúp các loài tồn tại trong một thế giới ngày càng khắc nghiệt.

dong-vat-tuyet-chung

Theo CNN Science

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận