Chủ đề
Tết Giáp Thìn: hàng chục nghìn y bác sĩ sẵn sàng thăm khám, cấp cứu người bệnh
Kỳ nghỉ Tế nguyên đán kéo dài 7 ngày chính thức bắt đầu từ 29 tháng Chạp (8/2), nhưng trên cả nước hàng chục nghìn thầy thuốc, nhân viên y tế vẫn miệt mài chăm sóc, điều trị người bệnh.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Chỉ thị yêu cầu đảm bảo công tác y tế phục vụ khám chữa bệnh, phòng chống dịch dịp Tết…
600 thầy thuốc, nhân viên y tế Bạch Mai sẵn sàng phục vụ người bệnh dịp Tết Giáp Thìn
Tại Bệnh viện Bạch Mai, thông tin với phóng viên Sức khoẻ & Đời sống, PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đến thời điểm này, bệnh viện xây dựng nhiều phương án, kể cả tình huống cấp cứu hàng loạt. Mỗi ngày vẫn có hàng trăm cán bộ, nhân viên y tế làm việc, sẵn sàng cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân trong dịp Tết. Công tác chăm lo Tết cho người bệnh và nhân viên y tế được đặt lên hàng đầu.
Bệnh viện Bạch Mai sẽ trực Tết theo 4 cấp, từ lãnh đạo bệnh viện; lãnh đạo các khoa phòng, viện trong bệnh viện; bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp thực hiện chuyên môn và thường trú về chuyên môn. Bệnh viện cũng đã tiến hành rà soát các điều kiện về nhân lực và vật lực, đảm bảo luôn sẵn sàng thu dung, điều trị trong tình huống có dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn, cấp cứu hàng loạt.
Tại 40 các Đơn vị trực thuộc Bệnh viện có các bệnh nhân nặng phải ở lại điều trị, con số trung bình lên tới gần 1.000 người/ngày, nhiều bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa. Để cấp cứu, điều trị, chăm sóc bệnh nhân tốt nhất, Bệnh viện phải huy động hơn 600 nhân lực chất lượng cao từ các y bác sĩ, điều dưỡng đến các cán bộ nhân viên y tế ứng trực thường xuyên trong các ngày Tết.
“Khoa Thận nhân tạo đảm bảo duy trì việc chạy thận nhân tạo chu kỳ theo lịch cho người bệnh đúng thời gian quy định. Các Trung tâm ở vị trí ‘tiền phương’ như A9, Đột quỵ, Chống độc, Hồi sức tích cực, Tim mạch … luôn trong tâm thế tiếp nhận cấp cứu những trường hợp nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh”- PGS.TS Đào Xuân Cơ nói.
Việc lo các bữa ăn cho cả người bệnh và nhân viên được Ban lãnh đạo bệnh viện đặt lên hàng đầu, làm sao các bữa ăn vừa ngon miệng, mang không khí Tết, vừa đủ chất, hợp dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bệnh viện đã huy động được hơn 500 triệu đồng từ các nguồn kinh phí của các nhà hảo tâm tài trợ thông qua phiên “Chợ tết yêu thương” và nguồn kêu gọi của Phòng Công tác xã hội để đảm bảo các bữa ăn chính miễn phí trong 3 ngày Tết cho người bệnh và nhân viên y tế với thực đơn khoa học, hợp lý.
Chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hoá chất, vật tư… và trực 4 cấp dịp Tết Giáp Thìn
Tại các bệnh viện khác như Nhi Trung ương, Việt Đức, Phụ sản Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện K… công tác khám, cấp cứu trong dịp Tết Giáp Thìn cũng như chăm lo, động viên tinh thần người bệnh ở lại điều trị đã được lên kế hoạch, chuẩn bị chu đáo.
Nhân lực, thuốc, hoá chất, vật tư y tế… lịch trực của thầy thuốc tận từng khoa, phòng, trung tâm đều được các cơ sở y tế chuẩn bị chu đáo.
Theo ông Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày bệnh viện này đón tiếp khoảng 4 nghìn bệnh nhân đến khám và khoảng 2 nghìn bệnh nhi điều trị nội trú. Hầu hết các cháu mắc bệnh hiểm nghèo, ở tỉnh xa đến, có những trường hợp mắc bệnh trọng và hoàn cảnh khó khăn.
Thời điểm giáp Tết, bệnh nhân có biến động, giảm hơn. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy có khoảng hơn 1.000 bệnh nhi có thể phải ở lại đón Tết tại bệnh viện. Dự kiến, trong bốn ngày Tết, bệnh viện và các nhà tài trợ sẽ phát suất ăn miễn phí cùng các nhu yếu phẩm cho toàn bộ bệnh nhi ở lại.
Các cơ sở y tế lớn thuộc ngành y tế Hà Nội cũng đã sẵn sàng cho công tác khám chữa bệnh, cấp cứu.. dịp Tết. “BVĐK Đức Giang đã lên kế hoạch bảo đảm thường trực đủ 4 cấp; dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn tới đây”- TS Nguyễn Văn Thường , Giám đốc BVĐK Đức Giang cho biết.
Ông Thường cũng thông tin thêm cùng với nỗ lực trong công tác chuyên môn, bệnh viện quan tâm triển khai các hoạt động hỗ trợ, quan tâm đến người bệnh, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trong dịp Tết những trường hợp phải ở lại điều trị sẽ được quan tâm chu đáo nhằm động viên tinh thần người bệnh…
Không để dịch bệnh lây lan; khan hiếm, thiếu thuốc; quan tâm động viên người bệnh dịp Tết Giáp Thìn
Để phục vụ và đáp úng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong dịp Tết Giáp Thìn, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có Chỉ thị yêu cầu đảm bảo công tác y tế phục vụ khám chữa bệnh, phòng chống dịch dịp Tết…
Theo đó, tại Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị y tế ngành xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác y tế, phân công trực 24/24h đối với lãnh đạo và nhân viên của đơn vị theo quy định. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Về công tác khám, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế nâng cao năng lực thu dung, điều trị; rà soát cơ sở vật chất, xây dựng và triển khai phương án bảo đảm đủ nhân lực, cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế; chuẩn bị phương án cấp cứu trong các sự kiện tập trung đông người; bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện, sẵn sàng đáp ứng, phục vụ công tác điều trị, cấp cứu, nhất là cấp cứu tai nạn giao thông, cháy nổ, thương tích, ngộ độc thực phẩm và điều trị người bệnh mắc các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết.
Đối với các Sở Y tế, Bộ Y tế yêu cầu chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tổ chức thực hiện ứng trực 24/24 giờ; bảo đảm đủ cơ số thuốc, máu, dịch truyền, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, ô xy y tế… và các nội dung liên quan; Đồng thời thăm hỏi, chúc Tết người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người thuộc diện chính sách.
Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế tư nhân có kế hoạch phối hợp với cơ sở y tế công lập trên địa bàn tham gia triển khai công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán năm 2024; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tham gia phối hợp hoạt động khi có yêu cầu.
Cục Y tế dự phòng chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai các phương án, kịch bản phòng, chống dịch trong dịp Tết; nâng cao năng lực đội phản ứng nhanh để kịp thời đáp ứng, không để bị động, bất ngờ trước các tình huống dịch bệnh.
Cục Quản lý Dược chỉ đạo các Sở Y tế tỉnh, thành phố, Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế và các công ty xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất thuốc có kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ thuốc, triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh, nhất là các thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa Đông-Xuân như: Cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do vi rút rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa…
Theo SK&ĐS