Chủ đề
Tết Đoan ngọ, đừng quên món cơm rượu, bánh tro
Vào ngày Tết Đoan ngọ, dân gian có nhiều tục như nghi lễ bôi vôi vào rốn trẻ nhỏ, sáng sớm lúc bụng đói ăn rượu nếp cùng các loại hoa quả như mận, mít, dứa, vải,… với mục đích diệt trừ sâu bọ, xua đuổi bệnh tật.
1. Vì sao Tết Đoan ngọ còn gọi là Tết giết sâu bọ?
Tết Đoan ngọ còn được gọi là Tết Đoan dương, diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Đây là một trong những tục lệ cổ truyền quan trọng của người Việt Nam, mang nhiều ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Không chỉ riêng ở Việt Nam hay Trung Quốc mà ở nhiều nước châu Á cũng có Tết Đoan ngọ. Ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ còn được gọi bằng tên dân dã hơn là Tết giết sâu bọ.
Hằng năm cứ đến mồng 5 tháng 5 (âm lịch) dân ta lại tổ chức Tết Đoan ngọ. Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa – từ 11-13 giờ) còn dương là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh. Vì vậy, Tết Đoan ngọ thực chất là một phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm. Theo quan niệm xa xưa, ngày Đoan ngọ là thời điểm dương khí (năng lượng nóng) của trời đất đạt đến đỉnh điểm. Vậy nên, ngày Đoan ngọ được cho là thời điểm hỏa khí của trời đất và trong cơ thể người lên cao nhất.
Người Việt Nam còn gọi Tết Đoan ngọ là Tết giết sâu bọ vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Nhiệt độ đi kèm độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc và các loại ký sinh trùng. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh như nghi lễ bôi vôi vào rốn trẻ nhỏ, sáng sớm lúc bụng đói ăn rượu nếp cùng các loại hoa quả đặc trưng theo mùa như mận, mít, dứa, vải,… với mục đích diệt trừ sâu bọ, xua đuổi hết bệnh tật…
Tại nhiều nơi, vào ngày Tết Đoan ngọ, người ta phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng. Người ta tin rằng khi ăn món ăn đầu tiên trong ngày này là rượu nếp và các loại quả chua thì sâu bọ, giun sán trong người sẽ bị giết chết hết.
Hiện ở một số làng quê Việt Nam vẫn còn giữ nếp xưa, rất coi trọng ngày Tết này. Theo lệ, đúng Ngọ (12h trưa), người dân ở các vùng thôn quê rủ nhau đi hái lá. Đây là thời khắc có dương khí tốt nhất, là giờ mặt trời tỏa ánh nắng tốt nhất trong năm. Lá cây cỏ hái được vào giờ này có tác dụng chữa bệnh như các bệnh ngứa ngoài da, nhất là các bệnh về đường ruột hay khi cảm mạo, đem những lá thuốc này nấu nước xông giải cảm rất tốt.
2. Món cơm rượu đặc trưng cho ngày Tết Đoan ngọ
Trong ngày Tết Đoan ngọ, mặc dù không cần chuẩn bị mâm cao cỗ đầy hay cỗ mặn phức tạp, nhiều gia đình vẫn chuẩn bị mâm lễ cúng hoa quả gọn gàng, đơn giản để dâng gia tiên cũng như mong cầu sức khỏe cho cả gia đình. Bánh tro, cơm rượu, hoa quả… là những món không thể thiếu trong dịp Tết Đoan ngọ. Mỗi món ăn không chỉ đậm nét văn hóa, mà còn ẩn chứa bao điều kỳ diệu.
Theo truyền thống của từng miền, vào ngày này, ngoài hoa quả, những món ăn cũng khác nhau. Tại Hà Nội và một số vùng của miền Bắc, cơm rượu (rượu nếp) đặc biệt là rượu nếp cẩm là món phổ biến và bắt buộc phải có trong ngày Tết Đoan ngọ.
Ở miền Bắc, cơm rượu nếp được làm từ gạo nếp cái hoa vàng hoặc gạo nếp cẩm, gạo được giữ lại lớp vỏ lụa và lớp cám bên ngoài tiếp tục ủ lên men với men rượu. Ở miền Trung và miền Nam, cơm rượu nếp thường được làm từ gạo nếp ủ cùng men rượu hoặc men ngọt. Cơm rượu nếp giàu chất dinh dưỡng như tinh bột, vitamin nhóm B, các chất chống oxy hóa anthrocyamin tốt cho sức khỏe, nhất là hệ tiêu hóa.
Theo dân gian, rượu nếp được ăn ngay khi vừa ngủ dậy thì rất hiệu nghiệm. Rượu này chủ yếu là xôi còn nguyên hạt lên men, còn gọi là cái rượu. Người dân thường dùng các loại gạo nếp trắng và cẩm đồ thành xôi, để nguội rồi rắc men, ủ trong 3 ngày. Thúng xôi ủ được đặt trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn trộn với cái, tạo vị ngọt cay thơm rất dễ chịu. Cơm rượu được lên men nhờ khuẩn lactic, chuyển hóa tinh bột thành đường. Quá trình lên men này tốt cho hệ tiêu hóa, cải thiện vấn đề táo bón, góp phần ngăn ngừa một số bệnh đường ruột.
Dan gian cho rằng, bộ phận tiêu hóa của con người thường có các loại ký sinh gây hại và chúng nằm sâu trong bụng nên không phải lúc nào cũng diệt được. Duy có ngày mồng 5/5 (âm lịch), các loại ký sinh này thường ngoi lên, con người ăn các loại thức ăn, hoa quả vị chua, chát và nhất là rượu nếp, có thể loại bỏ chúng.
Hương vị lên men nhẹ, chua chua ngọt ngọt của cơm rượu nếp cẩm được coi là món ăn yêu thích của nhiều người. Rượu nếp cẩm kết hợp với sữa chua cũng là một món ăn tốt cho tiêu hóa và hấp dẫn trẻ. Cơm rượu nếp chứa lượng cồn rất thấp. Vì vậy, khả năng gây say của cơm rượu rất hiếm. Vì khi làm cơm rượu, người chế biến chỉ ủ trong 3 ngày, trong khi rượu sẽ ủ 7-10 ngày. Thời gian ủ càng lâu, lượng đường chuyển hóa thành cồn càng lớn.
Tuy nhiên, một số người dị ứng với đồ ăn, thức uống lên men sẽ không thích hợp với cơm rượu và trong các trường hợp sau, nếu ăn nhiều dễ gây ra tác dụng phụ không mong muốn:
- Trẻ em có hệ tiêu hóa kém, thần kinh yếu.
- Người mắc các bệnh về tiêu hóa, dạ dày.
- Người bị những chứng bệnh ngoài da như mụn nhọt, mề đay, chàm, dị ứng,…
- Người mắc các bệnh về gan không nên ăn cơm rượu quá nhiều.
- Người không quen uống rượu thì cơm rượu vẫn có thể khiến bạn bị say.
- Người cơ địa khó ngủ, dễ bốc hỏa không nên ăn nhiều vì cơm rượu có tính nóng.
3. Bánh tro trung hòa bớt độc hại trong nhiều đồ ăn ngày Tết Đoan ngọ
Gọi là bánh tro vì nước để ngâm gạo làm bánh và nấu bánh đều được lấy phần nước trong, lắng từ nước tro (gio) của nhiều loại cây khác nhau. Gọi là bánh âm vì nó có đặc tính tư âm, bổ âm, do chứa toàn nguyên vật liệu có tính âm (toàn bộ là thực vật và khoáng canxi, kali…).
Bánh tro sẽ trung hòa bớt độc hại trong thức ăn để bảo vệ sức khỏe trong ngày Tết Đoan ngọ bởi ngày này mọi người thường ăn nhiều thứ béo, nhiệt, khó tiêu (rượu nếp, xoài, mít…). Vì thế Tết Đoan ngọ ở các vùng thường có bánh tro.
Trong Đông y, bánh tro vị nhạt, tính mát ăn dễ tiêu, thích hợp nhất đối với trường hợp già yếu, trẻ em, có chứng bệnh nóng sốt âm ỉ (âm hư), những trường hợp dương thịnh gây âm hư như vào mùa hè mà cực điểm là đầu tháng năm Đoan ngọ (đoan dương – chính dương) thường gây ôn dịch thương âm.
Bánh tro không những trung hòa bớt độc hại trong ăn uống để bảo vệ sức khỏe trong ngày Tết Đoan ngọ mà còn cả thời gian sau đó. Do có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, thải độc cho cơ thể để phòng và góp phần chữa một số bệnh cần lợi tiểu như tăng huyết áp, thống phong (gout) sỏi thận… Bổ âm (tư âm, dưỡng âm) là tôn chỉ của một trường phái dưỡng sinh lớn có vị trí quan trọng trong Đông y, bởi vì cơ thể chúng ta “dương thường hữu dư, âm thường bất túc”.
Ngoài rượu nếp, bánh tro, trong ngày Tết Đoan ngọ, mọi nhà thường dâng hương các loại trái cây có vị chua chát như mận, vải, đào, măng cụt,… Theo quan niệm dân gian, những loại quả này giúp thanh nhiệt, giải độc và mang đến sự may mắn. Là một trong những ngày lễ quan trọng, theo dân gian, vào ngày Tết Đoan ngọ, mọi người nên giữ tâm trạng vui vẻ, hòa đồng, tránh tranh cãi, mâu thuẫn với người khác. Tranh cãi vào ngày này được cho là sẽ khiến cho cả năm gặp nhiều bất hòa, xui xẻo. Một số gia đình còn cúng thịt vịt trong ngày Tết Đoan ngọ. Thịt vịt có tính mát, giúp thanh nhiệt, giải độc và bổ sung dưỡng chất cho cơ thể.
Lưu ý, vào ngày Tết Đoan ngọ, do thời tiết thường nắng nóng nên các gia đình chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tránh ăn thức ăn ôi thiu, đồ thừa cũ, đã hỏng, mốc để bảo vệ sức khỏe.
Theo SK&ĐS
Rượu nếp cái, rượu nếp cẩm là thức ăn đồng thời cũng là đồ uống, dùng nguyên cả nước lẫn cái, hương vị ngon thơm được nhiều người ưa chuộng, kể cả người cao tuổi và trẻ em. Món ăn này không những có tác dụng bồi bổ cơ thể mà còn giúp ăn ngon miệng, kích thích tiêu hóa.