Chủ đề
Tăng huyết áp và rối loạn lo âu, mối quan hệ ít người biết
Theo các chuyên gia, sự tăng của các hormone nội sinh như cortisol và adrenaline chính là nguyên nhân khiến rối loạn lo âu có thể gây ra tăng huyết áp.
Rối loạn lo âu là một trong những vấn đề tâm lý phổ biến hiện nay. Hội chứng này đặc trưng bởi sự lo lắng quá mức và kéo dài về những tình huống, đối tượng không thật sự nguy hiểm. Vì luôn thường trực nỗi sợ hãi nên người bệnh có xu hướng né tránh những đối tượng/ tình huống trong cuộc sống dẫn đến tình trạng gián đoạn quá trình học tập, làm việc và giảm tương tác xã hội.
Một số bệnh nhân còn có thể gặp phải các cơn lo âu cấp tính (cơn hoảng loạn) mà không có yếu tố báo trước. Trong các cơn hoảng loạn, bệnh nhân gần như không kiểm soát được cảm xúc, hành vi và suy nghĩ. Lúc này, tâm trí của người bệnh bị nỗi sợ xâm chiếm, thường là nỗi sợ mất kiểm soát, mất trí nhớ hoặc sợ chết. Ngoài ra ở những dạng rối loạn lo âu cụ thể, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số triệu chứng khác.
Rối loạn lo âu có làm tăng huyết áp không?
Bên cạnh các biểu hiện về tâm thần, bệnh nhân rối loạn lo âu còn gặp phải một số triệu chứng thể chất như tim đập nhanh, đổ mồ hôi, mất ngủ, đau đầu, run rẩy,… Nguyên nhân là khi lo lắng và sợ hãi quá mức, nồng độ hormone cortisol và adrenaline sẽ tăng mạnh.
Nếu không kiểm soát chứng lo âu sớm, nồng độ của các hormone nội sinh có thể tăng lên trong thời gian dài dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe. Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân nhận thấy huyết áp tăng lên đáng kể sau một thời gian bị stress và rối loạn lo âu. Vậy, rối loạn lo âu có làm tăng huyết áp không?.
Theo các chuyên gia, rối loạn lo âu và các bệnh tâm thần đều ảnh hưởng đến huyết áp. Sự lo lắng, sợ hãi và lo âu quá mức khiến cho nồng độ hormone adrenaline và cortisol tăng mạnh. Trong đó, hormone adrenaline có tác dụng tăng nhịp tim, huyết áp, giãn đồng tử và tăng lượng tiêu thụ oxy của cơ thể.
Ngoài adrenaline, tăng hormone cortisol khi bị lo âu cũng là nguyên nhân dẫn đến chứng cao huyết áp. Tương tự adrenaline, hormone này cũng làm tăng huyết áp và tăng chức năng co bóp của tim. Bên cạnh đó, hormone cortisol còn có tác dụng tăng đường huyết, kháng viêm và chống dị ứng. Tuy nhiên, sự tăng lên dài hạn của hormone cortisol có thể dẫn đến chứng cao huyết áp và tăng đường huyết.
Về cơ bản, tăng hormone cortisol và adrenaline là nguyên nhân hàng đầu gây tăng huyết áp ở bệnh nhân rối loạn lo âu. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận thấy tình trạng tăng huyết áp còn có liên quan đến rối loạn chuyển hóa do sự tăng lên đột ngột và kéo dài của các hormone nội sinh.
Cụ thể, tăng hormone cortisol dẫn đến tăng nồng độ đường huyết trong máu. Tình trạng này khiến cho thận phải hoạt động để kiểm soát đường huyết dẫn đến giảm chức năng điều hòa huyết áp. Ngoài ra, tăng lượng đường trong máu kéo dài còn thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch khiến cho lòng mạch bị hẹp lại, từ đó gia tăng áp lực lên mạch máu gây bồn chồn, mệt mỏi, đau đầu, mất ngủ.
Hiện nay, nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu các vấn đề sức khỏe liên quan đến rối loạn lo âu. Tất cả các nghiên cứu này đều cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa bệnh lý này với rối loạn lo âu và một số vấn đề tâm lý khác. Ngoài tăng huyết áp, rối loạn lo âu còn gây thiếu máu cơ tim, rung tâm thất, rối loạn nhịp tim và thậm chí là đột tử.
Rối loạn lo âu gây tăng huyết áp có nguy hiểm không?
Rối loạn lo âu có thể làm tăng huyết áp do sự gia tăng của các hormone nội sinh như cortisol và adrenaline. Tuy nhiên, tình trạng tăng huyết áp thường chỉ xảy ra ngắn hạn, ít khi chuyển biến thành bệnh cao huyết áp – trừ một số đối tượng có sẵn những yếu tố nguy cơ như lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, béo phì, xơ vữa động mạch và có vấn đề về thận.
Nếu được điều trị kịp thời, tình trạng lo lắng và căng thẳng sẽ thuyên giảm. Lúc này, nồng độ đường huyết và huyết áp sẽ trở về mức cân bằng. Tuy nhiên trong trường hợp không được điều trị, lo âu có thể kéo dài dẫn đến tình trạng tăng huyết áp và gia tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề tim mạch khác như thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim,… Với những người có sẵn các bệnh lý tim mạch, rối loạn lo âu kéo dài làm tăng nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch, bao gồm cả đột tử.
Ngoài những vấn đề về tim mạch, rối loạn lo âu kéo dài còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe thể chất khác như mất ngủ, đau vai gáy, đau nửa đầu, tiểu đường, đau dạ dày, hội chứng ruột kích thích,… Có thể thấy ngoài những ảnh hưởng đối với đời sống tinh thần và chất lượng cuộc sống, rối loạn lo âu cũng gây ra những tác động đáng kể đến sức khỏe thể chất.
Cách cải thiện tăng huyết áp do rối loạn lo âu
Tăng huyết áp là vấn đề sức khỏe mà bệnh nhân rối loạn lo âu và người mắc các rối loạn tâm lý khác phải đối mặt. Để cải thiện tình trạng này, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục sau:
1. Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống có thể giúp bệnh nhân kiểm soát lo âu, căng thẳng, giải tỏa phiền muộn và kiểm soát được nồng độ huyết áp. Ngoài ra, lối sống khoa học còn giúp nâng cao sức khỏe và giảm thiểu tối đa những vấn đề sức khỏe do rối loạn lo âu gây ra.
Lối sống giúp cải thiện tình trạng tăng huyết áp ở bệnh nhân rối loạn lo âu:
- Lo lắng, phiền muộn là yếu tố trực tiếp gây tăng huyết áp, mất ngủ, đau đầu cùng nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do đó để ổn định huyết áp, bạn nên cải thiện những yếu tố gây căng thẳng như làm việc cường độ cao, thức khuya, dành nhiều thời gian để suy nghĩ,…
- Để giải tỏa căng thẳng và lo âu, nên thiền định mỗi ngày, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và ăn uống điều độ. Khi những cảm xúc tiêu cực được chế ngự, tình trạng tăng huyết áp sẽ được cải thiện đáng kể.
- Khi làm việc căng thẳng, huyết áp và nhịp tim sẽ tăng lên. Do đó để kiểm soát huyết áp, bệnh nhân nên đi lại nhẹ nhàng sau mỗi 2 giờ làm việc và dành 30 phút nghỉ ngơi vào buổi trưa.
- Không sử dụng rượu bia, tránh hút thuốc lá, hạn chế ăn mặn, cay nóng và các loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa. Tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu Omega 3 và probiotic (lợi khuẩn) để cải thiện sức khỏe và chức năng tim mạch.
- Để đảm bảo công việc được hoàn thành trong 7 – 8 giờ làm việc, nên lên kế hoạch làm việc khoa học và hợp lý. Làm việc có kế hoạch giúp bệnh nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, tránh sai sót và tối ưu hóa thời gian hơn.
- Đảm bảo uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để thanh lọc cơ thể và thúc đẩy trao đổi chất. Những bệnh nhân có huyết áp cao liên tục, có thể uống một số loai thuốc có tác dụng làm mát cơ thể như râu bắp, trà hoa cúc, nước ép rau củ,… để cải thiện sức khỏe.
- Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên học cách chia sẻ và cố gắng xây dựng những mối quan hệ mới để cải thiện sự lo lắng, phiền muộn của bản thân. Khi các mối quan hệ xã hội được mở rộng, người bệnh sẽ tránh phải tình trạng tự cô lập và cách ly bản thân. Qua đó giảm bớt sự lo âu, buồn bã và dần hình thành những suy nghĩ tích cực hơn.
- Bên cạnh việc điều chỉnh thói quen, bệnh nhân cũng nên xây dựng thêm những thói quen lành mạnh như nghe nhạc, dành thời rảnh rỗi chăm sóc bản thân, dọn dẹp nhà cửa, trồng thêm cây xanh, vẽ tranh, chơi với thú cưng, học những bộ môn mới như đan len, may vá, làm đồ gỗ, học ngoại ngữ,… để nâng cao kỹ năng của bản thân và dễ dàng hơn trong cuộc sống.
Lối sống khoa học có vai trò quan trọng đối với bệnh nhân bị rối loạn lo âu. Nếu duy trì lối sống lành mạnh, các cảm xúc tiêu cực và những vấn đề sức khỏe thể chất sẽ thuyên giảm rõ rệt.
2. Sử dụng thuốc
Ngoài điều chỉnh lối sống, bệnh nhân rối loạn lo âu có hiện tượng tăng huyết áp cũng có thể được chỉ định sử dụng thuốc. Bên cạnh thuốc điều chỉnh cảm xúc, bác sĩ còn chỉ định dùng thuốc chẹn beta để làm giảm tình trạng tăng huyết áp và một số triệu chứng cơ thể đi kèm.
Các loại thuốc được sử dụng cho bệnh nhân rối loạn lo âu gây tăng huyết áp:
- Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta thường được sử dụng cho người mắc các vấn đề về tim mạch. Nhóm thuốc này được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu nhằm cải thiện tình trạng tăng huyết áp, đánh trống ngực, bất an, hồi hộp,… do sự gia tăng của hormone cortisol và adrenaline. Tuy nhiên, thuốc chẹn beta chỉ được sử dụng khi cần thiết vì tiềm ẩn không ít rủi ro và tác dụng phụ.
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm là nhóm thuốc chính được sử dụng trong điều trị rối loạn lo âu. Nhóm thuốc này được chia thành nhiều nhóm nhỏ nhưng có cơ chế chung là điều chỉnh nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ, qua đó cải thiện sự lo lắng, phiền muộn và căng thẳng quá mức. Khi những cảm xúc tiêu cực được kiểm soát, tăng huyết áp và các triệu chứng thể chất đi kèm sẽ thuyên giảm rõ rệt.
- Thuốc giải lo âu: Ngoài thuốc chống trầm cảm, bệnh nhân cũng có thể phải sử dụng thuốc giải lo âu để cải thiện các triệu chứng của rối loạn lo âu. Trong đó, nhóm benzodiazepine được sử dụng phổ biến nhất. Nhóm thuốc này cho tác dụng nhanh và hiệu quả rõ rệt nhưng có thể gây nghiện nên chỉ được dùng trong thời gian ngắn.
- Các loại thuốc khác: Bên cạnh 2 nhóm thuốc chính là thuốc chống trầm cảm và giải lo âu, bệnh nhân rối loạn lo âu cũng có thể được chỉ định dùng thêm thuốc chống loạn thần và các viên uống cung cấp vitamin, khoáng chất, thuốc bồi bổ thần kinh.
Dùng thuốc có thể giảm nhanh các triệu chứng thể chất và tâm thần ở bệnh nhân rối loạn lo âu. Trong đó đa số các loại thuốc được dùng ngắn hạn để đảm bảo an toàn, chỉ riêng thuốc chống trầm cảm 3 vòng phải sử dụng lâu dài để ổn định nồng độ chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Ngay cả khi triệu chứng thuyên giảm, bệnh nhân vẫn cần phải sử dụng thuốc thêm 6 – 12 tháng để ngăn ngừa tái phát.
3. Trị liệu tâm lý
Bên cạnh sử dụng thuốc, trị liệu tâm lý cũng là phương pháp quan trọng trong điều trị rối loạn lo âu. Phương pháp này giúp bệnh nhân giải tỏa cảm xúc, bộc lộ suy nghĩ, nhận thức và cách nhìn nhận về cuộc sống thông qua giao tiếp. Hiện nay, trị liệu tâm lý được xem là giải pháp dài hạn đối với bệnh nhân rối loạn lo âu và người mắc các chứng bệnh tâm thần khác.
Thông qua liệu pháp này, chuyên gia sẽ hiểu rõ về tâm lý của bệnh nhân. Qua đó đưa ra những tương tác và kích thích phù hợp để người bệnh dần thay đổi cảm xúc, cách suy nghĩ và điều chỉnh những hành vi không phù hợp với xã hội. Mục tiêu chính của trị liệu tâm lý là giúp bệnh nhân chế ngự nỗi sợ, kiểm soát sự lo âu, căng thẳng và phiền muộn.
Ngoài ra, người bệnh sẽ được trang bị những kỹ năng cần thiết để giảm thiểu các tình huống căng thẳng trong cuộc sống và dễ dàng hòa nhập hơn với cộng đồng. Một số bệnh nhân yếu kém về năng lực sẽ được khuyến khích tham gia các khóa học nhằm nâng cao năng lực, từ đó tăng giá trị bản thân và dễ dàng hơn khi tìm kiếm việc làm.
Nhìn chung, tâm lý trị liệu tập trung cải thiện những bất thường về cảm xúc và tư duy của người bệnh. Từ đó thay đổi dần hành vi và giúp người bệnh hình thành những thói quen tốt. Khi các cảm xúc tiêu cực được kiểm soát, tình trạng tăng huyết áp sẽ được cải thiện rõ rệt.
Rối loạn lo âu là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp mà nhiều người không chú ý đến. Để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân nên tích cực điều trị và xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh. Trong trường hợp tăng huyết áp kéo dài, nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để được thăm khám và điều trị chuyên sâu hơn.
Thu Hà
Theo tapchitamlyhoc.com