Tại sao bị khô miệng? - Doctor247

Tại sao bị khô miệng?

Thuốc, tổn thương dây thần kinh, bệnh tiểu đường, rối loạn miễn dịch ảnh hưởng đến quá trình tiết nước bọt, đây chính là nguyên nhân gây khô miệng.

Khô miệng là tình trạng miệng tiết ra ít hoặc không có nước bọt. Khô miệng không chỉ gây khát mà còn làm thay đổi vị giác, gián đoạn quá trình tiêu hóa thức ăn. Nước bọt có vai trò hỗ trợ loại bỏ các mảng bám thức ăn. Khi miệng tiết không đủ nước bọt, các mảnh thức ăn bám ở răng nhiều hơn, tăng nguy cơ sâu răng, hơi thở có mùi.

Thiếu nước bọt khiến vùng da trong và xung quanh miệng khô và căng. Môi dễ nứt nẻ và hình thành khóe ở miệng. Lưỡi khô rát do thiếu nước bọt còn dẫn khó nuốt, khó cử động miệng.

tai-sao-bi-kho-mieng

Trả lời cho câu hỏi: Tại sao bị khô miệng?

Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn tình trạng này:

Thuốc: Nhiều loại thuốc có thể là nguyên nhân gây khô miệng, bao gồm thuốc không kê đơn và kê đơn như thuốc chống dị ứng, điều trị cảm lạnh, huyết áp cao, trầm cảm, rối loạn tâm lý. Thành phần của thuốc có thể ảnh hưởng đến tuyến nước bọt, khiến nước bọt đặc lại làm miệng khô.

Tổn thương dây thần kinh: Chấn thương ở đầu hoặc cổ gây tổn thương dây thần kinh có thể dẫn đến khô miệng. Một số dây thần kinh kết nối giữa não và tuyến nước bọt. Nếu chúng tổn thương không thể báo hiệu cho tuyến nước bọt, từ đó làm miệng khô kéo dài.

Rối loạn tự miễn: Tình trạng này còn có thể do bệnh lý như hội chứng Sjogren gây ra. Hội chứng Sjogren là bệnh tự miễn liên quan đến các tuyến ngoại tiết trong cơ thể như tuyến lệ, tuyến nước bọt. Các tế bào bạch cầu tấn công tuyến nước mắt và tuyến nước bọt dẫn đến những rối loạn khó kiểm soát. Người mắc bệnh tiểu đường hoặc HIV cũng có thể không tiết đủ nước bọt.

Hút thuốc: Miệng khô và hôi khi hút thuốc, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể. Người có vấn đề về răng miệng hút thuốc lá dễ làm bệnh trầm trọng hơn.

Bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu cao kéo dài hoặc tăng hạ không ổn định có thể làm chậm quá trình sản xuất nước bọt. Nước bọt tiết ra không đủ tăng khả năng mắc các bệnh về răng miệng như viêm nướu, tưa miệng, nhiễm trùng nấm men, sâu răng.

Chăm sóc răng: Người thường xuyên khô miệng nên kiểm tra răng miệng thường xuyên. Ngoài đánh răng, nên kết hợp dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng để làm sạch, loại bỏ thức ăn thừa và mảnh vụn nhét sâu trong kẽ răng. Chăm sóc tốt sức khỏe răng miệng giảm nguy cơ khô miệng gây ra hơi thở có mùi.

Thường xuyên khám nha khoa, uống nhiều nước, dùng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ để phòng tránh các nguyên nhân gây khô miệng. Không mút kẹo đường hoặc ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt, hạn chế đồ uống có đường, axit hoặc chứa caffein.

Theo VNExpress

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận