Nhìn lại vụ sữa giả ảnh hưởng 300.000 trẻ em tại Trung Quốc năm 2008 - Doctor247

Nhìn lại vụ sữa giả ảnh hưởng 300.000 trẻ em tại Trung Quốc năm 2008

Vào năm 2008, ít ai ngờ rằng, phía sau ánh đèn rực rỡ của Thế vận hội Bắc Kinh lại là một trong những bê bối sữa giả gây chấn động thế giới.

Nhìn lại vụ sữa giả ảnh hưởng 300.000 trẻ em tại Trung Quốc năm 2008

Lợi nhuận giết chết lương tâm

Tháng 7 năm ấy, ở tỉnh Cam Túc, một vùng đất yên bình phía Tây Bắc Trung Quốc, 16 trẻ sơ sinh bỗng được chẩn đoán mắc bệnh sỏi thận.

Với giới y khoa, đây là điều vô cùng bất thường, bởi căn bệnh này cực kỳ hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Khi các bác sĩ truy ngược nguyên nhân, họ phát hiện tất cả các bé đều uống cùng một loại sữa bột.

Loại sữa ấy đã được xác định bị nhiễm melamine, là một chất thường dùng để sản xuất nhựa dẻo, vật liệu xây dựng, không phải để nuôi dưỡng sự sống.

Melamine là chất chứa hàm lượng nitơ cao, việc thêm chất này vào sữa giúp các nhà sản xuất đánh lừa các bài kiểm tra dinh dưỡng vốn chỉ định lượng protein dựa trên lượng nitơ.

Thực chất, sữa đã bị pha loãng đến mức chẳng còn dưỡng chất, nhưng vẫn vượt qua hàng loạt cửa kiểm định như một “thực phẩm giàu dinh dưỡng”.

Những người chăn nuôi, những người chế biến, cả những kỹ thuật viên trong các phòng kiểm nghiệm – nhiều người biết điều đó. Nhưng chẳng ai lên tiếng. Họ để mặc hàng triệu hộp sữa giả tiếp tục lên kệ, đi vào từng ngăn tủ lạnh, từng bình sữa, từng giấc ngủ êm đềm của trẻ sơ sinh khắp Trung Quốc.

Trịnh Thục Trân cầm bức chân dung của cháu gái mình tại Bắc Kinh vào ngày 8 tháng 5 năm 2009. Bà khẳng định cái chết của đứa trẻ do sữa nhiễm độc chưa bao giờ được chính quyền địa phương giải quyết thỏa đáng | Nguồn: CNN

Theo thống kê chính thức, có khoảng 300.000 trẻ em đã bị ảnh hưởng. Gần 52.000 trường hợp phải nhập viện. Ít nhất 6 đứa trẻ đã tử vong, chủ yếu do suy thận cấp.

Nhiều trẻ mang dị tật tiết niệu suốt đời. Nhiều bậc cha mẹ phải chứng kiến con mình sống trong đau đớn từng ngày vì một loại sữa được quảng bá là “toàn diện phát triển”.

Sanlu – tập đoàn sữa lớn nhất lúc bấy giờ, là tâm điểm của cơn bão. Nhưng không chỉ có Sanlu. Các tên tuổi lớn khác như Yili, Mengniu, Yashili… cũng bị phát hiện có sản phẩm nhiễm độc.

Sữa bột Sanlu bị tiêu hủy tại một nhà máy thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, tháng 10/2008 | Nguồn: AP

Sữa giả và sự khủng hoảng niềm tin

Càng lật sâu vào sự kiện, công chúng càng bàng hoàng. Từ tháng 12/2007, Sanlu đã nhận được các đơn khiếu nại. Nhưng đến tận tháng 8/2008, họ mới gửi báo cáo chính thức. Còn chính quyền địa phương cũng không vội vã gì. Họ chờ đến tháng 9 mới báo lên tỉnh, và tỉnh lại đợi thêm để báo lên Bắc Kinh.

Vì sao? Vì thời điểm ấy là trước và trong kỳ Olympic. Một vết nhơ như vậy không thể xuất hiện trong mùa lễ hội quốc gia. Và thế là, sự im lặng được chọn lựa. Báo chí bị ngăn chặn, phóng viên bị chặn cửa tòa soạn, các gia đình nạn nhân bị thuyết phục bằng “tiền bồi thường” và những lời hứa không bao giờ thành hiện thực.

Khi sự việc không còn có thể che đậy, Trung Quốc ra tay mạnh mẽ. Hai người bị xử tử: một nông dân sản xuất “bột protein” trộn melamine và một người buôn bán 900 tấn sữa nhiễm độc ra thị trường – phần lớn trong đó chuyển cho Sanlu.

Chủ tịch Sanlu, bà Điền Văn Hoa, bị kết án tù chung thân, sau đó được giảm còn 19 năm tù, rồi tiếp tục giảm thêm vài lần nữa – dự kiến sẽ ra tù năm 2024. Ba lãnh đạo khác lãnh án từ 5 đến 15 năm tù.

Nhiều người cho rằng họ chỉ là “vật tế thần”. Bởi không một quan chức kiểm định an toàn thực phẩm nào bị truy tố, dù có dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự tiếp tay và bỏ qua trong chuỗi kiểm duyệt sản phẩm.

Sau vụ việc, một làn sóng mất niềm tin toàn diện lan khắp Trung Quốc. Phụ huynh không còn dám mua sữa nội, họ chuyển sang săn lùng sữa nhập khẩu từ Úc, New Zealand, châu Âu – bất chấp giá cao hay hành lý nặng trĩu. Các “siêu thị ngầm”, đường dây buôn lậu sữa, các website xách tay mọc lên như nấm.

Chính quyền Hồng Kông sau đó đã phải giới hạn số hộp sữa bột mỗi người được phép mang qua biên giới vì quá nhiều bà mẹ từ đại lục sang “gom hàng”.

Trong khi đó, trong nước, các bệnh viện nhi kín đặc những đứa trẻ phải lọc máu, siêu âm thận, can thiệp tiết niệu… Nỗi đau ấy không chỉ mang tên y khoa – mà là sự phản bội.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gọi đây là một trong những vụ khủng hoảng an toàn thực phẩm nghiêm trọng nhất thế kỷ 21.

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận