Chủ đề
“Stress” từ mạng xã hội: Tiếp cận đúng cách thay vì từ bỏ hoàn toàn
Một nghiên cứu do giáo sư tâm lý học Amori Mikami dẫn đầu đã so sánh hiệu quả giữa việc từ bỏ mạng xã hội và việc sử dụng chúng một cách có chủ đích.
Theo đó, các nhà khoa học tại Đại học British Columbia (UBC) phát hiện rằng, sức khỏe tinh thần của người trẻ có thể phụ thuộc vào cách mà họ sử dụng mạng xã hội, thay vì thời gian họ dành cho nó.
Nghiên cứu được công bố trên Journal of Experimental Psychology: General tuần này, đã kiểm tra tác động của việc ngừng sử dụng mạng xã hội so với việc sử dụng chúng một cách có chiến lược. Kết quả cho thấy cả hai nhóm – nhóm những người quản lý cẩn thận các tương tác trực tuyến và nhóm những người từ bỏ mạng xã hội hoàn toàn – đều cải thiện sức khỏe tinh thần, đặc biệt trong việc giảm các triệu chứng lo âu, trầm cảm và cô đơn.
Mạng xã hội và sức khỏe tinh thần của người trẻ
Khi việc sử dụng mạng xã hội trở nên phổ biến, đặc biệt ở độ tuổi từ 17 đến 29, lo ngại về tác động của nó đối với sức khỏe tinh thần ngày càng gia tăng.
Theo giáo sư Mikami: “Người ta nói rất nhiều về những tác hại của mạng xã hội, nhưng nhóm nghiên cứu của chúng tôi muốn xem liệu đây có phải bức tranh toàn cảnh hay không – liệu cách mọi người tương tác với mạng xã hội có thể tạo ra sự khác biệt,”
Thay vì xem mạng xã hội là lựa chọn “có hoặc không“, nghiên cứu đã khám phá liệu việc hướng dẫn người trẻ sử dụng mạng xã hội một cách thông minh hơn có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của họ hay không.
Thiết kế nghiên cứu cùng kết quả, so sánh
Trong một nghiên cứu kéo dài 6 tuần, 393 thanh niên Canada có triệu chứng sức khỏe tinh thần và lo ngại về tác động của mạng xã hội đã được chia thành ba nhóm:
- Nhóm đối chứng: Tiếp tục thói quen sử dụng mạng xã hội như bình thường.
- Nhóm kiêng cữ: Được yêu cầu ngừng sử dụng mạng xã hội hoàn toàn.
- Nhóm hướng dẫn: Được hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội một cách có chủ đích.
Các bài hướng dẫn tập trung vào việc giúp người tham gia xây dựng kết nối trực tuyến ý nghĩa, hạn chế tương tác khuyến khích sự so sánh bản thân, và cẩn thận chọn lọc những tài khoản mà họ theo dõi.
Kết quả là, cả nhóm kiêng cữ và nhóm hướng dẫn đều giảm đáng kể việc sử dụng mạng xã hội và giảm sự so sánh xã hội – một nguyên nhân phổ biến gây lo âu và tự ti.
- Nhóm hướng dẫn không giảm thời gian sử dụng mạng xã hội nhiều như nhóm kiêng cữ, nhưng lại cải thiện rõ rệt cảm giác cô đơn và nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO).
- Nhóm kiêng cữ thành công hơn trong việc giảm các triệu chứng lo âu và trầm cảm, nhưng không thấy cải thiện về cảm giác cô đơn.
Giáo sư Mikami giải thích rằng: “Việc ngừng mạng xã hội có thể làm giảm áp lực về việc phải thể hiện một hình ảnh hoàn hảo trực tuyến. Nhưng, ngừng sử dụng mạng xã hội cũng có thể khiến người trẻ mất đi kết nối với bạn bè và gia đình, dẫn đến cảm giác cô lập.”
Một giải pháp thực tế hơn việc từ bỏ hoàn toàn
Giáo sư Mikami cùng các sinh viên tốt nghiệp Adri Khalis và Vasileia Karasavva đã hướng dẫn nhóm tham gia tập trung vào chất lượng thay vì số lượng khi tương tác trên mạng xã hội.
Những người tham gia được khuyến khích:
- Tắt tiếng hoặc hủy theo dõi những tài khoản khiến họ cảm thấy ghen tị hoặc so sánh tiêu cực.
- Ưu tiên các mối quan hệ thân thiết, tạo nên một môi trường trực tuyến tích cực hơn.
- Thay vì lướt mạng thụ động, họ được khuyến khích tương tác tích cực bằng cách bình luận hoặc nhắn tin trực tiếp với bạn bè. Điều này giúp tăng cường kết nối ý nghĩa và cảm giác được hỗ trợ xã hội.
Cũng theo giáo sư, cách tiếp cận cân bằng này có thể là một giải pháp khả thi hơn so với việc kiêng cữ hoàn toàn, vốn không phù hợp với nhiều người trẻ. “Mạng xã hội sẽ luôn tồn tại,” bà nói. “Và đối với nhiều người, việc từ bỏ hoàn toàn không phải là lựa chọn thực tế. Nhưng với sự hướng dẫn đúng đắn, người trẻ có thể tạo ra một trải nghiệm tích cực hơn, sử dụng mạng xã hội để hỗ trợ sức khỏe tinh thần thay vì làm tổn hại nó.”
Ứng dụng vào các chương trình sức khỏe tinh thần
Giáo sư Mikami tin rằng phát hiện này có thể mang lại những hiểu biết hữu ích cho các chương trình sức khỏe tinh thần và giáo dục. Bà hình dung các hội thảo và buổi hướng dẫn nơi người trẻ được học cách sử dụng mạng xã hội như một công cụ để củng cố các mối quan hệ thay vì trở thành nguồn gốc của sự so sánh và căng thẳng. Cách tiếp cận này có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn của việc từ bỏ mạng xã hội chỉ để quay lại với những tác động tiêu cực hơn.
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng sức khỏe tinh thần của người trẻ phụ thuộc chặt chẽ vào cách họ sử dụng mạng xã hội. Bằng việc cung cấp những cách thức tương tác thay thế, nhóm nghiên cứu của giáo sư Mikami đã chứng minh rằng có thể đạt được những kết quả tích cực về sức khỏe tinh thần mà không phải hy sinh khả năng kết nối xã hội mà mạng xã hội mang lại.
Như giáo sư Mikami kết luận: “Đối với nhiều người trẻ, vấn đề không phải là từ bỏ. Vấn đề là tiếp cận đúng cách.”