Chủ đề
Sốt xuất huyết cần lưu ý gì để tránh nhiễm trùng nặng?
Sốt xuất huyết biểu hiện bằng tình trạng sốt đột ngột, đau đầu dữ dội, đau sau mắt, đau cơ, khớp, buồn nôn, nôn, phát ban… và có thể trở nên nguy hiểm nếu không ứng phó thích hợp.
Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng do virus lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm bệnh. Triệu chứng phổ biến nhất là sốt cao, nhức đầu, đau nhức cơ thể, buồn nôn và phát ban… Phần lớn sẽ khỏi sau 1 – 2 tuần. Một số người bị sốt xuất huyết nặng cần được chăm sóc tại bệnh viện. Trong những trường hợp nghiêm trọng, sốt xuất huyết có thể gây tử vong.
Chẩn đoán sớm là cần thiết để có những ứng phó thích hợp, tránh chuyển sang tình trạng nặng hơn (hội chứng sốt xuất huyết), khi số lượng tế bào hình thành cục máu đông (tiểu cầu) trong máu giảm và mạch máu bị tổn thương (xuất huyết). Điều này có thể dẫn đến sốc, chảy máu trong đặc biệt là xuất huyết nội tạng… rất nguy hiểm.
Khi nào cần xét nghiệm sốt xuất huyết?
Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus gây ra triệu chứng đầu tiên là sốt. Nếu bạn có triệu chứng được liệt kê ở trên, đặc biệt là trong mùa sốt xuất huyết cần xét nghiệm máu. Thời gian nguy hiểm nhất của bệnh là từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Do đó, xét nghiệm sốt xuất huyết cần được thực hiện ngay khi có các triệu chứng của bệnh như sốt cao, đau đầu, đau nhức khắp cơ thể, nổi mẩn đỏ trên da (đặc biệt là trên cổ, tay, chân), chảy máu chân răng hoặc lợi, ở phụ nữ có thể xuất hiện rong kinh bất thường.
Kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết chính xác nhất khi được thực hiện trong vòng 3 ngày đầu tiên của bệnh và độ chính xác của xét nghiệm sẽ giảm dần sau đó. Tốt nhất, bạn nên đi xét nghiệm sốt xuất huyết vào ngày thứ 3 kể từ khi bị sốt.
Người bệnh cần làm các xét nghiệm tổng thể phân tích tế bào máu để theo dõi số lượng tế bào máu thay đổi hàng ngày và các xét nghiệm chẩn đoán virus gồm xét nghiệm về kháng nguyên và kháng thể.
Cách phòng ngừa sốt xuất huyết nặng
Theo WHO, không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh sốt xuất huyết, trọng tâm là điều trị các triệu chứng của sốt xuất huyết. Hầu hết các trường hợp sốt xuất huyết có thể được điều trị tại nhà.
Theo đó, nếu bạn bị sốt xuất huyết, điều quan trọng là:
– Nghỉ ngơi: Trong thời gian mắc bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối (điều này rất quan trọng) để không làm tình trạng trầm trọng hơn.
– Uống nhiều chất lỏng.
– Dùng thuốc giảm đau và hạ sốt như paracetamol (acetaminophen) có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Tránh dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin và ibuprofen vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, một biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết. Đối với những người bị sốt xuất huyết nặng, thường cần phải nhập viện.
– Hãy chú ý các triệu chứng nghiêm trọng và liên hệ với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào.
– Theo WHO, cho đến nay, một loại vaccine phòng ngừa sốt xuất huyết (vaccine qdenga) đã được chấp thuận và cấp phép ở một số quốc gia. Tuy nhiên, nó chỉ được khuyến nghị cho nhóm tuổi từ 6 đến 16 tuổi, ở những nơi có nguy cơ lây truyền cao. Một số loại vaccine bổ sung đang được đánh giá.
Cách ngăn ngừa sốt xuất huyết
WHO cho biết, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết hoạt động vào ban ngày. Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết bằng cách bảo vệ bản thân khỏi muỗi đốt như:
– Sử dụng quần áo che phủ càng nhiều phần cơ thể càng tốt.
– Dùng màn chống muỗi nếu ngủ vào ban ngày, lý tưởng nhất là màn được xịt thuốc chống côn trùng.
– Dùng cửa sổ chắn muỗi.
– Thuốc chống muỗi (có chứa DEET, Picaridin hoặc IR3535)…
Có thể ngăn ngừa sự sinh sản của muỗi bằng cách:
- Ngăn chặn muỗi tiếp cận môi trường đẻ trứng bằng cách quản lý và cải tạo môi trường.
- Xử lý chất thải rắn đúng cách và loại bỏ nước tù, đong trong môi trường…
- Đậy nắp, đổ và vệ sinh các thùng chứa nước sinh hoạt hàng tuần.
- Sử dụng thuốc chống muỗi thích hợp…
Theo SK&ĐS