Số ca mắc sởi tăng gấp 8 lần, Bộ Y tế đưa ra 5 biện pháp phòng chống - Doctor247

Số ca mắc sởi tăng gấp 8 lần, Bộ Y tế đưa ra 5 biện pháp phòng chống

Từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi đã tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và vẫn đang có xu hướng gia tăng tại một số địa phương. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã đưa ra 5 biện pháp phòng chống.

Bộ Y tế nhắc các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch sởi.

Giám sát chặt chẽ và phát hiện sớm dịch bệnh sởi

Gần đây nhất, vào ngày 27/8, UBND TP HCM đã chính thức công bố dịch sởi, xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B. Để đối phó với tình hình này, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2495/QĐ-BYT, triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống dịch sởi năm 2024, bao gồm cả vaccine do Chính phủ Úc tài trợ.

Bộ Y tế cũng đã ban hành các công văn hướng dẫn phòng chống dịch trong mùa tựu trường và triển khai tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi. Đồng thời, các biện pháp giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch được yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đảm bảo không để dịch bệnh lây lan và bùng phát.

Vaccine – Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng dịch sởi

Theo Cục Y tế Dự phòng, bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc ở người lớn chưa được tiêm phòng đầy đủ. Bệnh lây qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ người mắc bệnh, và có thể bùng phát mạnh mẽ ở những nơi đông người như trường học, nơi công cộng.

Vaccine là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất, với tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng cần đạt trên 95% để ngăn chặn sự lây lan.

Bộ Y tế đưa ra 5 khuyến cáo phòng chống bệnh sởi:

  1. Đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch nếu chưa tiêm hoặc chưa đủ 2 mũi vaccine sởi.
  2. Tránh cho trẻ tiếp xúc với những trẻ nghi mắc bệnh sởi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
  3. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, mũi, họng, mắt, và răng miệng cho trẻ; giữ nhà ở và nhà vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
  4. Giữ gìn vệ sinh tại các nhà trẻ, mẫu giáo, và trường học; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập, và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
  5. Khi trẻ có dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời; tránh đưa trẻ điều trị vượt tuyến không cần thiết để giảm nguy cơ quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo.

Nguồn tổng hợp

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận