Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa và ThS.BS Đoàn Văn Anh Vũ, Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175.
Các loại rối loạn nhân cách có biểu hiện khác nhau nhưng đều được cho là do sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường.
Nhiều loại rối loạn dần trở nên ít trầm trọng hơn theo độ tuổi. Tuy vậy, những đặc tính nhất định vẫn có thể tồn tại ở một mức độ nào đó sau các triệu chứng cấp tính dẫn đến khó chẩn đoán.
Rối loạn nhân cách thường rõ ràng trong giai đoạn muộn ở độ tuổi vị thành niên hoặc giai đoạn đầu ở độ tuổi người lớn. Các đặc tính và triệu chứng khác nhau về mức độ kéo dài. Nhiều trường hợp cần thời gian để giải quyết.
Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần liệt kê 10 loại rối loạn nhân cách, mặc dù hầu hết bệnh nhân đáp ứng tiêu chuẩn cho một loại cũng đáp ứng tiêu chuẩn cho một hoặc nhiều loại khác. Một số loại (như chống đối xã hội, ranh giới) có xu hướng giảm bớt hoặc biến mất khi con người già đi; trong khi những người khác như ám ảnh cưỡng chế, tâm thần phân liệt ít có khả năng như vậy.
Nhìn chung, bệnh nhân rối loạn nhân cách không có sự khác biệt rõ ràng về giới tính, tầng lớp kinh tế xã hội và chủng tộc. Tuy nhiên, rối loạn nhân cách chống đối xã hội gặp ở nam nhiều hơn nữ với tỷ lệ 3:1. Trong rối loạn nhân cách ranh giới, tỷ lệ nữ nhiều hơn nam 3:1. Tỷ lệ chỉ tính trong cơ sở lâm sàng, không phải trong dân số nói chung.
Đối với hầu hết rối loạn nhân cách, tỷ lệ di truyền khoảng 50%, tương đương hoặc cao hơn nhiều so với nhiều rối loạn tâm thần điển hình khác. Tỷ lệ di truyền này ngược với giả thuyết chung rằng “các rối loạn nhân cách là những khiếm khuyết về nhân cách chủ yếu hình thành bởi một môi trường bất lợi”.
Phân loại
10 loại rối loạn nhân cách thành 3 nhóm (A, B và C), dựa trên các đặc điểm tương tự.
– Nhóm A đặc trưng bởi tính kỳ quặc hoặc lập dị:
* Hoang tưởng: Không tin tưởng và nghi ngờ.
* Phân liệt: Mất quan tâm đến người khác.
* Loại phân liệt: Ý tưởng và hành vi lập dị.
– Nhóm B đặc trưng bởi tính kịch tính, xúc cảm, hoặc thất thường:
* Chống đối xã hội: Thiếu trách nhiệm với xã hội, không tôn trọng người khác, lừa dối và thao túng người khác vì lợi ích cá nhân.
* Ranh giới: Sự trống rỗng bên trong, các mối quan hệ không ổn định và rối loạn điều chỉnh cảm xúc.
* Kịch tính: Tìm kiếm sự chú ý và cảm xúc quá mức.
* Tự yêu bản thân: Tự cao tự đại, cần được ngưỡng mộ và thiếu sự đồng cảm.
– Nhóm C đặc trưng bởi đặc tính lo âu hoặc sợ hãi:
* Né tránh: Né tránh sự tiếp xúc giữa các cá nhân do tính nhạy cảm về sự bị từ chối.
* Phụ thuộc: Tính phục tùng và nhu cầu phải được chăm sóc.
* Ám ảnh nghi thức: Chủ nghĩa hoàn hảo, cứng nhắc và bướng bỉnh.
Triệu chứng và dấu hiệu
– Rối loạn nhân cách chủ yếu là vấn đề về:
* Sự tự xác định bản thân: Có thể biểu hiện như một hình ảnh không ổn định về bản thân hoặc là những điểm không nhất quán trong các giá trị, mục tiêu và ngoại hình.
* Hoạt động giữa các cá nhân: Thường biểu hiện bởi sự thất bại trong việc phát triển hoặc duy trì các mối quan hệ gần gũi hoặc thiếu nhạy cảm với người khác.
– Người bị rối loạn nhân cách thường có vẻ không nhất quán, bối rối và bực bội đối với những người xung quanh họ.
– Người này có thể gặp khó khăn trong việc biết ranh giới giữa chính họ và những người khác.
– Lòng tự trọng của họ cao hay thấp một cách không thích hợp.
– Họ có thể có các hình thức nuôi dạy con không phù hợp, tách rời, quá xúc cảm, lạm dụng hoặc không có trách nhiệm, có thể dẫn đến các vấn đề về thể chất và tinh thần ở vợ chồng hoặc con cái của họ.
– Những người bị rối loạn nhân cách thường thiếu hiểu biết sâu sắc về tác động do hành vi của họ đối với mối quan hệ giữa các cá nhân.
Chẩn đoán
– Khi người bị rối loạn nhân cách tìm cách điều trị, họ phàn nàn chủ yếu về trầm cảm hoặc lo âu hơn là biểu hiện rối loạn nhân cách.
– Khi nghi ngờ rối loạn nhân cách, bác sĩ sẽ đánh giá khuynh hướng nhận thức, cảm xúc, tương tác cá nhân và hành vi sử dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán cụ thể. Có nhiều công cụ chẩn đoán tinh vi và thực nghiệm dành cho các chuyên gia lâm sàng chuyên sâu.
– Chẩn đoán rối loạn nhân cách liên quan từ hai trong số các đặc điểm sau trở lên:
* Nhận thức.
* Ảnh hưởng.
* Hoạt động giữa các cá nhân.
* Kiểm soát xung động.
* Mô hình dai dẳng của các đặc điểm kém thích nghi gây ra đau khổ đáng kể hoặc suy giảm chức năng trong các lĩnh vực xã hội, nghề nghiệp và các lĩnh vực quan trọng khác.
* Kiểu này ổn định và khởi phát sớm (bắt nguồn từ ít nhất là ở tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành).
– Ngoài ra, phải loại trừ các nguyên nhân như rối loạn sức khỏe tâm thần khác, sử dụng chất kích thích, chấn thương đầu.
– Để chẩn đoán rối loạn nhân cách ở bệnh nhân dưới 18 tuổi, dạng rối loạn này phải tồn tại từ một năm trở lên, ngoại trừ rối loạn nhân cách chống đối xã hội không thể chẩn đoán được ở bệnh nhân dưới 18 tuổi.
– Có thể cần hỏi bệnh sử từ các bác sĩ lâm sàng khác đã từng điều trị cho những bệnh nhân này trước đây, thành viên gia đình, bạn bè hoặc người có tiếp xúc với họ.
Mục tiêu điều trị
So với rối loạn cảm cảm xúc như trầm cảm lâm sàng và rối loạn lưỡng cực, có ít nghiên cứu về cách điều trị hiệu quả chứng rối loạn nhân cách. Rất nhiều chuyên gia tin rằng rối loạn nhân cách khó điều trị vì chúng được định nghĩa là những khuôn mẫu nhân cách tồn tại lâu dài.
Thế nhưng, ngày càng có thêm nhiều phương pháp trị liệu dựa trên bằng chứng được cho là có hiệu quả đối với rối loạn nhân cách. Nhìn chung, mục tiêu trị liệu của rối loạn nhân cách bao gồm:
– Giảm nỗi đau đớn chủ quan và các triệu chứng như lo âu và trầm cảm.
– Giúp mọi người hiểu các vấn đề trong nội tâm của họ.
– Thay đổi các hành vi kém thích nghi và kém mong muốn về mặt xã hội, bao gồm liều lĩnh, cô lập xã hội, thiếu quyết đoán và giận dữ bột phát.
– Điều chỉnh các đặc điểm tính cách có vấn đề như sự phụ thuộc, nghi ngờ, tính ngạo mạn và sự thao túng.
Phương pháp điều trị
– Tâm lý trị liệu: Liệu pháp tâm lý có thể hữu dụng trong việc điều trị rối loạn nhân cách gồm:
* Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT): Hướng dẫn người bệnh những kỹ năng, chiến lược để đối phó với những thôi thúc liên quan tự hại và tự tử, điều chỉnh cảm xúc và cải thiện các mối quan hệ.
* Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Mục tiêu là “để nhận ra những ý nghĩ tiêu cực và học các chiến lược đối phó hiệu quả”.
* Trị liệu dựa trên tinh thần (MBT): Dạy mọi người cách chú ý và suy nghĩ về trạng thái nội tâm của bản thân cũng như những người khác.
* Trị liệu phân tâm: Tập trung vào vô thức, nơi chứa đựng những cảm xúc buồn bã, sự thôi thúc và ý nghĩ quá đau đớn mà chúng ta không thể trực tiếp đối mặt.
* Trị liệu gia đình: Khi những thành viên trong gia đình học cách thay đổi những phản ứng tiêu cực với nhau và cách giao tiếp hiệu quả.
– Điều trị bằng thuốc: Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chưa phê duyệt bất kỳ loại thuốc nào để điều trị rối loạn nhân cách một cách cụ thể. Nhưng một số loại thuốc tâm thần có thể giúp giảm các triệu chứng rối loạn nhân cách bao gồm thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu và thuốc chống loạn thần.
Theo VN Express