Ranh giới của nghề báo - Doctor247

Ranh giới của nghề báo

Những ranh giới phải lựa chọn là sự thú vị của nghề, cũng là thước đo bản lĩnh và sự chuyên nghiệp của nhà báo khi dấn thân vào một công việc chưa bao giờ dễ dàng: nghề báo!

báo chí Việt Nam
Phóng viên tác nghiệp nơi vùng lũ miền Trung năm 2020

Một nữ sinh viên ngành truyền hình năm thứ nhất đã xông xáo đi thực tế làm nghề. Cộng tác với một kênh truyền hình của giới trẻ, bạn say sưa với đề tài người lao động ngoại tỉnh với cảnh sống khó khăn, mưu sinh vất vả trên đường phố để gửi tiền về quê nuôi cả gia đình. Với sự cảm thông, chia sẻ, cô sinh viên báo chí ấy đã mất hơn tuần lễ lăn lộn, tìm hiểu hỏi han, theo chân họ từ lúc ra đường với gánh hàng rong, chiếc ghế cắt tóc hay chiếc xe ôm, đến tối mịt lại “mục sở thị” cả bữa ăn, chỗ trọ tù mù điện và thiếu nước, cả chục người lớn ở chung một căn phòng chưa đầy hai chục mét vuông phía ngoài đê…

Hồi hộp với tác phẩm đầu tay, lên kịch bản, viết lời bình, thuyết phục được ban biên tập đưa máy quay đi thực hiện. Đến khi phát sóng thì bất ngờ cô nhận được những cuộc điện thoại đầy phẫn nộ từ phía các “nhân vật” trong tác phẩm. Chuyện đời không đơn giản, chính quyền địa phương cho là hình ảnh nhếch nhác, các lao động ngoại tỉnh này lấn chiếm vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị. Kết quả cả đoạn phố vốn là chỗ mưu sinh của mấy chục người lao động ngoại tỉnh luôn có xe công an túc trực, gánh hàng rong bị đuổi bắt, hàng cắt tóc buộc phải dẹp bỏ. Nhiều lao động dạt sang khu vực khác, một số phải về lại quê vì không còn đất mưu sinh.

Cô sinh viên ấy gọi cho tôi và hỏi: em phải làm thế nào bây giờ? Đằng sau họ là cả chục, cả trăm người chờ tiền gửi về. Tại sao mục tiêu làm phóng sự ấy là để động viên, chia sẻ khó khăn, vậy mà cuối cùng lại đẩy họ đến bước đường cùng? Tôi an ủi, làm sạch vỉa hè, trả lại mỹ quan đô thị là chủ trương chung của thành phố. Tác phẩm của em là đúng và tốt, mọi sự không muốn chỉ là sự trùng hợp tình cờ.

Biết làm sao được, khi tác phẩm và hiệu ứng của nó là chuyện không thể dự liệu một cách giản đơn. Chắc là khi bước vào nghề, với sự dày dặn và trải nghiệm hơn, cô sinh viên truyền hình ấy sẽ ý thức kỹ hơn, cân nhắc đầy đủ hơn về số phận những nhân vật cô sẽ đưa vào tác phẩm. Cô sẽ phải tự đặt mình vào vai của họ, suy nghĩ của họ, nhưng cũng phải suy đoán trước thái độ của nhà quản lý, những người cũng phải chịu sức ép không kém trước dư luận báo chí mỗi ngày. Khi ấy, tác phẩm của cô sẽ chín chắn hơn, đậm đà hơn, sâu sắc hơn – một sự trải nghiệm mà nếu không lăn vào nghề không bao giờ có được. Hoặc giả, tôi cũng tin rằng với 5 – 7 năm say sưa với nghề báo, cô sẽ có thêm những mối quan hệ, để khi có những hiệu ứng nằm ngoài mong muốn, nhà báo có thể tìm hiểu thêm và cố gắng có những động thái để kiểm soát tình hình. Chẳng hạn cô có thể tiếp xúc với lãnh đạo phường sở tại, tìm hiểu kỹ hơn những lý do phía sau việc siết chặt quản lý chỉ ở một đoạn phố ấy thôi…

Ngày nhà báo Việt Nam
Phóng viên tác nghiệp bên hành lang kỳ họp Quốc hội

Tất nhiên, nhà báo không thể làm thay cơ quan quản lý, không thể làm thay người trong cuộc, song chí ít những trải nghiệm ấy cũng khiến họ trưởng thành lên và biết cách tiếp cận vấn đề đúng mức nhất cũng như xử lý hữu hiệu nhất những vấn đề nảy sinh một cách chuyên nghiệp và thực sự mang dấu ấn đạo đức nghề nghiệp.

Trên đây là một ví dụ trong rất nhiều câu chuyện tác nghiệp diễn ra mỗi ngày. Nghề báo có những ranh giới, những trăn trở, băn khoăn cần suy ngẫm cho thấu đáo. Nhà báo không thể thiếu sự tỉnh táo, suy xét, đặt mình trong những tình huống thông tin cụ thể. Có những nhân vật gặp lần đầu tiên nhà báo đã phải viết bài vì đó là “tâm điểm”, là nơi dư luận dõi theo mà báo chí không thể né tránh. Có những sự thật ẩn rất sâu dưới lớp vẻ bề ngoài mà mọi sự soi chiếu chỉ là tương đối. Khi ấy, kinh nghiệm, bản lĩnh và thái độ trách nhiệm của nhà báo luôn là vũ khí cần thiết để sự thật bật lên tiếng nói của nó. Khi ấy, các thủ pháp “khách quan hóa” sự kiện, cùng đánh giá nhìn nhận sự kiện với công chúng luôn là điều cần thiết để nhận được ở công chúng sự sẻ chia, để sự kiện, vấn đề xuất hiện với bản chất sâu xa của nó nhất.

Những ranh giới phải lựa chọn là sự thú vị của nghề, cũng là thước đo bản lĩnh và sự chuyên nghiệp của nhà báo khi dấn thân vào một công việc chưa bao giờ dễ dàng: nghề báo!

Theo ĐBND

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận