Quản lý ăn uống theo cảm xúc giúp ngăn ngừa tiểu đường - Doctor247

Quản lý ăn uống theo cảm xúc giúp ngăn ngừa tiểu đường

Vận động cơ thể mỗi ngày, ăn uống có kế hoạch, suy nghĩ tích cực… giúp quản lý ăn uống theo cảm xúc, phòng tránh bệnh tiểu đường.

Nhiều người thích ăn uống theo cảm xúc; dùng thức ăn xoa dịu những tổn thương về mặt tinh thần, mệt mỏi trong cuộc sống. Tuy nhiên, thói quen ăn uống theo cảm xúc này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tiểu đường, đường huyết cao, mệt mỏi…

Tiến sĩ Sahir Jamati tại Bệnh viện Masina ở Mumbai, Ấn Độ cho rằng, cơ thể sẽ sản xuất nhiều hormone cortisol khi căng thẳng. Hormone này có xu hướng kích thích thèm ăn, khiến mọi người tìm đến thực ngọt, béo, đồ ăn mặn để hỗ trợ tinh thần. Những cảm xúc tiêu cực có thể bao gồm: buồn bã, lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, tức giận. Để kiểm soát ăn uống theo cảm xúc, ông đề xuất 4 cách dưới đây.

Vận động cơ thể mỗi ngày: Tham gia các hoạt động thể chất giúp giải phóng các hormone tích cực như endorphin. Loại hormone này có tác dụng giảm cảm giác căng thẳng, lo lắng. Bất kỳ hình thức tập luyện thể chất hàng ngày nào, dù nặng hay nhẹ, cũng góp phần giải tỏa cảm xúc tiêu cực. Mọi người có thể chọn môn thể thao tùy vào độ tuổi, sức khỏe, thế mạnh cá nhân.

tieu-duong-1
Vận động mỗi ngày tốt cho sức khỏe tổng thể: Ảnh: Freepik

Ăn có kế hoạch: Ăn uống tập trung có thể giúp quá trình tiêu thụ thực phẩm hiệu quả hơn. Lên lịch ăn uống có kế hoạch, thực đơn rõ ràng cũng hỗ trợ kiềm chế cơn đói bất chợt phát sinh do cảm xúc, tránh ăn uống vô tội vạ. Ghi lại nhật ký thực phẩm rõ ràng và đánh giá mức độ đói sau 1-2 giờ tiêu thụ. Từ cơ sở này, bạn chọn những thực phẩm giàu năng lượng giúp no lâu, loại các thực phẩm làm đói nhanh.

Suy nghĩ tích cực: Tự trấn an bản thân bằng những câu chuyện vui, tích cực sẽ giải quyết được biến động cảm xúc và cơn đói. Lời nói và suy nghĩ vui vẻ trở thành một lựa chọn nuôi dưỡng tâm trí, giúp mọi người cảm thấy hạnh phúc thay vì bị cuốn vào dòng cảm xúc tiêu cực, từ đó, có thói quen ăn uống khoa học hơn. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy buồn chán và định gọi một ít đồ ăn để đỡ cảm giác trống rỗng, bạn nên nhanh chóng chuyển hướng suy nghĩ về cơn đói sang một cuộc trò chuyện thú vị khác như cuối tuần sẽ đi đâu, cùng ai. Khi cảm thấy đói bất chợt, thiền định, tập yoga hoặc vận động nhẹ nhàng giúp giảm căng thẳng.

Tìm kiếm sự hỗ trợ: Tìm kiếm hỗ trợ thay vì tự cô lập bản thân có thể giúp bạn vượt qua hành trình chữa bệnh và đối phó với các tình huống căng thẳng. Bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần, bác sĩ trị liệu tâm thần. Sau khi chia sẻ những vấn đề đang tồn tại, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Một số dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn uống theo cảm xúc là có nhu cầu đột ngột và khẩn cấp đối với thực phẩm, thèm những thực phẩm chế biến sẵn, ăn vào một thời điểm bất thường, có xu hướng ăn uống nhiều hơn bình thường và quên kiểm soát khẩu phần ăn. Bạn cũng có thể ăn bất chấp cảm giác no. Những dấu hiệu khác của ăn uống theo cảm xúc là cảm thấy tội lỗi sau khi ăn, tăng cân không kiểm soát.

Lê Châu

Theo VnExpress

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận