Pica - Hội chứng "phàm ăn" khiến bạn cho mọi thứ vào miệng - Doctor247

Pica – Hội chứng “phàm ăn” khiến bạn cho mọi thứ vào miệng

Pica là một tình trạng thường ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và trẻ em. Những người mắc hội chứng này cảm thấy bị thôi thúc phải ăn những thứ không phải thực phẩm, chẳng hạn như đất hoặc những vật có thể gây nguy hiểm, và họ có thể không thể ngừng được hành vi này.

Pica - Hội chứng "phàm ăn" khiến bạn cho mọi thứ vào miệng

Pica là gì?

Người bị rối loạn pica thường ăn những thứ không có giá trị dinh dưỡng. Một người bị pica có thể ăn những món tương đối vô hại, như đá. Hoặc họ có thể ăn những thứ tiềm ẩn nguy hiểm, như mảnh sơn khô hoặc kim loại. Trong trường hợp sau, rối loạn này có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ví dụ ngộ độc chì.

Tình trạng này gặp thường xuyên nhất ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Thông thường, nó chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Nếu bạn hoặc con bạn không thể dừng ăn những thứ không phải thực phẩm, hãy đến gặp bác sĩ ngay, điều trị sớm có thể giúp ngăn chặn những tác hại nghiêm trọng.

Pica cũng xuất hiện ở những người có khuyết tật về trí tuệ. Với những người có khuyết tật phát triển nghiêm trọng, tình trạng này thường nghiêm trọng hơn và kéo dài lâu hơn.

Nên để ý những dấu hiệu nào?

Người bị pica thường xuyên ăn những vật không phải thực phẩm trong ít nhất một tháng để được xem là đủ tiêu chí chẩn đoán. Nếu mắc pica, bạn có thể thường xuyên ăn những thứ như:

  • Đá
  • Xà phòng
  • Cúc áo
  • Đất sét
  • Tóc
  • Đất
  • Cát
  • Phần còn thừa của điếu thuốc lá chưa hút
  • Tàn thuốc lá
  • Sơn
  • Keo dán
  • Phấn
  • Phân

Bạn cũng có thể ăn nhiều thứ không phải thực phẩm khác.

Nguyên nhân nào gây ra pica?

Hiện chưa có một nguyên nhân duy nhất giải thích cho pica. Trong một số trường hợp, thiếu sắt, kẽm hoặc dưỡng chất khác có thể liên quan đến pica. Ví dụ, thiếu máu – thường do thiếu sắt – có thể là nguyên nhân cơ bản gây pica ở phụ nữ mang thai. Cơn thèm bất thường này có thể là tín hiệu cho thấy cơ thể bạn đang cố gắng bù đắp lượng dưỡng chất còn thiếu.

Người mắc một số bệnh tâm thần, như tâm thần phân liệt hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), có thể phát triển pica như một cơ chế đối phó. Một số người còn thích kết cấu hoặc vị của các vật không phải thực phẩm. Ở một số nền văn hóa, ăn đất sét được coi là hành vi có thể chấp nhận, đây là dạng pica được gọi là geophagia.

Việc ăn kiêng hoặc suy dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến pica, bởi ăn những vật không phải thực phẩm có thể tạo cảm giác no.

Pica được chẩn đoán như thế nào?

Không có một xét nghiệm cụ thể cho pica. Bác sĩ thường dựa vào tiền sử bệnh và một số yếu tố để đưa ra chẩn đoán, vì vậy, nên thành thật với bác sĩ về những thứ không phải thực phẩm mà bạn đã ăn, điều này giúp họ có chẩn đoán chính xác. Nếu bạn che giấu, rất khó để họ xác định chính xác tình trạng của bạn, tương tự đối với trẻ em hoặc người có khuyết tật về trí tuệ.

Bác sĩ có thể kiểm tra máu để xem bạn có thiếu sắt hay kẽm không. Thông tin này giúp họ biết bạn có bị thiếu chất dinh dưỡng nào, ví dụ như thiếu sắt, hay không. Đôi khi, pica có liên quan đến việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng.

Ăn một số vật không phải thực phẩm có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng, ví dụ:

  • Ngộ độc, như ngộ độc chì
  • Nhiễm ký sinh trùng
  • Tắc ruột
  • Nguy cơ nghẹt thở

Pica được điều trị như thế nào?

Bác sĩ thường bắt đầu bằng việc điều trị các biến chứng do ăn những vật không phải thực phẩm. Ví dụ, nếu bạn bị ngộ độc chì nặng do ăn mảnh sơn, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp thải chì (chelation therapy). Trong phương pháp này, bạn được dùng thuốc có khả năng gắn kết với chì, giúp cơ thể thải chì qua nước tiểu. Thuốc có thể được uống hoặc bác sĩ có thể kê đơn thuốc tiêm tĩnh mạch EDTA (ethylenediaminetetraacetic acid) để điều trị ngộ độc chì.

Nếu pica của bạn do mất cân bằng chất dinh dưỡng, bác sĩ có thể kê các loại vitamin hoặc khoáng chất bổ sung. Chẳng hạn, nếu bị thiếu máu do thiếu sắt, bạn sẽ được khuyến nghị bổ sung sắt thường xuyên.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu đánh giá tâm lý để kiểm tra xem bạn có rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) hoặc bệnh tâm lý khác không. Dựa trên chẩn đoán, họ có thể kê thuốc, chỉ định liệu pháp tâm lý hoặc phối hợp cả hai.

Các nghiên cứu về việc dùng thuốc để điều trị pica vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2000 trên tạp chí Journal of Applied Behavior Analysis cho thấy bổ sung vitamin tổng hợp đơn giản có thể giúp ích trong một số trường hợp. Nếu người mắc pica có khuyết tật về trí tuệ hoặc vấn đề sức khỏe tâm thần, các loại thuốc giúp kiểm soát hành vi có thể hỗ trợ giảm hoặc loại bỏ ham muốn ăn những thứ không phải thực phẩm.

Ở trẻ em và phụ nữ mang thai, pica thường tự hết sau vài tháng mà không cần điều trị. Nếu nguyên nhân gây pica là do thiếu chất dinh dưỡng, việc điều trị thiếu hụt đó có thể làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên, pica đôi khi không tự khỏi và có thể kéo dài nhiều năm, nhất là ở những người có khuyết tật về trí tuệ. Bác sĩ sẽ giúp bạn hiểu rõ triển vọng cụ thể của mình và gợi ý cách quản lý tình trạng này.

Theo Healthline

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận