Chủ đề
Phòng chống dịch bệnh hiệu quả là thiết thực của Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân
Phong trào “Vệ sinh yêu nước” xuất phát từ bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân Dân ngày 2/7/1958. Trong đó, Bác đã kêu gọi toàn thể người dân tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh phòng bệnh.
Bộ Y tế cho biết thời gian qua việc triển khai các hoạt động thiết thực của Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân đã góp phần hỗ trợ các địa phương đạt được mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dự án về phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh trong cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, nơi làm việc, các khu du lịch, dịch vụ.
Thói quen, hành vi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của cộng đồng đã có sự thay đổi cơ bản: tỷ lệ người dân rửa tay với xà phòng tăng gấp 2 lần sau 10 năm triển khai. 96% trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, tăng gần 12% so với năm 2012.
Tuy nhiên, nhận thức và thực hành của người dân tại một số vùng, miền về vệ sinh và nước sạch còn hạn chế.
Vệ sinh môi trường tại một số khu du lịch, khu công nghiệp, làng nghề vẫn là vấn đề bức xúc ở nhiều địa phương; bên cạnh đó một số dịch bệnh truyền nhiễm liên quan đến yếu tố vệ sinh, môi trường, nước sạch như cúm A, tả, lị, thương hàn, tay- chân- miệng vẫn diễn biến phức tạp, một số bệnh lưu hành lây truyền qua muỗi như sốt xuất huyết, sốt rét có xu hướng gia tăng.
Do đó, Bộ Y tế mới đây đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành trung ương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại Chỉ thị số 29/CT-TTg về việc triển khai Phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân tại cơ quan, đơn vị và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý, tăng cường chỉ đạo triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao.
Bộ Y tế cũng đề nghị các tổ chức thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh có kế hoạch cụ thể của từng cấp để hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và toàn dân hưởng ứng, tự giác tham gia Phong trào. Lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện Phong trào với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Bộ Y tế cũng đồng thời kêu gọi sự tham gia của các sở, ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể, học sinh và các tầng lớp nhân dân tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành vi nhằm giải quyết tốt các vấn đề vệ sinh liên quan đến sức khỏe như: vệ sinh để phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm; thực hiện ăn sạch, ở sạch, uống sạch; thu gom, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường, xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; không phóng uế bừa bãi, xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà, xây dựng cơ sở y tế Xanh – Sạch – Đẹp, đảm bảo vệ sinh trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, khu dịch vụ, khu du lịch, nơi công cộng.
Các thông điệp chung về phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân được Bộ Y tế đưa ra là: Đảm bảo nước sạch và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần xây dựng nông thôn mới; Thường xuyên rửa tay với xà phòng để bảo vệ bạn, con bạn và gia đình bạn; Rửa tay với xà phòng là biện pháp đơn giản, hiệu quả phòng chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;
An toàn thực phẩm – Sức khỏe giống nòi. Vệ sinh sạch sẽ, sức khỏe nâng cao; Vệ sinh sạch sẽ – Cộng đồng khỏe mạnh – Đất nước phồn vinh; Vệ sinh sạch sẽ là cách phòng bệnh đơn giản, hiệu quả; Ăn sạch, uống sạch, ở sạch; Không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, phái thanh, truyền hình địa phương…) với mục tiêu và nội dung liên quan đến vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, vệ sinh trong chế biến thực phẩm tại địa phương.
Tăng cường giám sát các nội dung về phòng chống dịch bệnh, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm, chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt; vệ sinh lao động trong cơ sở sản xuất kinh doanh, vệ sinh môi trường trong cơ sở y tế, trường học; phòng chống dịch bệnh tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nơi ngập lụt, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn.
Theo SK&ĐS