Chủ đề
Phái mạnh nên tiêm ngừa để tránh nhiễm virus HPV
HPV là một loại virus phổ biến lây qua đường tình dục. Ai cũng có nguy cơ có thể bị lây nhiễm. Vậy, nam giới có nên tiêm vắc-xin HPV hay không?
Tỷ lệ mắc các bệnh do virus HPV đang tăng cao ở trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Các vắc xin HPV Gardasil và Gardasil 9 phòng các bệnh ung thư nguy hiểm do virus HPV cho cả nam và nữ như ung thư cổ tử cung, ung thư hầu họng, ung thư hậu môn, mụn cóc sinh dục…
Nam giới có thể bị nhiễm virus HPV thông qua tiếp xúc qua da hoặc quan hệ tình dục không an toàn.
HPV sinh dục lây lan một cách dễ dàng thông qua tiếp xúc trực tiếp qua da, trong hầu hết các dạng hoạt động tình dục với một người đã bị nhiễm virus.
Điều này có nghĩa là virus có thể lây lan trong bất kỳ loại hoạt động tình dục nào.
Tùy từng type virus HPV có thể gây nhiều bệnh ở nam giới như: Nguy cơ bị sùi mào gà do HPV- type 6, HPV- type 11 hoặc ung thư miệng, vòm họng, hậu môn, dương vật do HPV- type 16, HPV-type 18…
Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cũng kiến nghị nên chỉ định tiêm mở rộng vắc-xin HPV cho tất cả các bé trai ở lứa tuổi dậy thì.
Theo các bác sĩ tiêm chủng, vì vắc xin HPV có nhiều loại khác nhau nên số mũi tiêm của từng loại cũng có sự khác nhau, vắc xin HPV cần tiêm 2 mũi hoặc 3 mũi.
Giống như các loại vắc-xin khác giúp cơ thể chống lại nhiễm virus, vắc-xin HPV kích thích cơ thể tạo ra các kháng thể và trong tương lai, khi cơ thể có nguy cơ tiếp xúc với các loại vi-rút HPV, kháng thể sẽ liên kết với vi-rút và ngăn chặn nó lây nhiễm sang các tế bào khỏe mạnh khác.
Các vắc-xin HPV hiện tại dựa trên các vi sinh vật có cấu trúc giống virus (Virus-like particles, VLPs) được hình thành bởi các thành phần bề mặt của HPV. Các VLP không lây nhiễm vì chúng thiếu ADN của virus. Tuy nhiên, chúng gần giống với virus tự nhiên và các kháng thể chống lại VLP cũng có hoạt động chống lại virus tự nhiên.
Các VLP tạo được mức độ sản xuất kháng thể cao trong cơ thể, do đó làm cho vắc-xin có hiệu quả cao. Tuy nhiên, các vắc-xin HPV không giúp ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, cũng như không điều trị các bệnh nhiễm trùng hiện có hoặc bệnh do vi-rút gây ra.
Ủy ban Tư vấn về Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Trung tâm Kiểm soát và Chủng ngừa (ACIP) xây dựng các khuyến nghị về tiêm vắc-xin HPV như sau:
1. Trẻ em và người lớn từ 9 đến 26 tuổi. Tiêm vắc-xin phòng bệnh do HPV được khuyến nghị ở tuổi 11 hoặc 12 tuổi (cả trẻ nam và nữ); thậm chí có thể bắt đầu sớm nhất là lúc 9 tuổi.
2. Người lớn từ 27 đến 45 tuổi. Mặc dù vắc-xin HPV được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn sẽ được tiêm cho đến tuổi 45, nhưng vắc-xin HPV không được khuyến nghị cho tất cả người trưởng thành từ 27 đến 45 tuổi. Thay vào đó, ACIP khuyến nghị các bác sĩ lâm sàng nên cân nhắc thảo luận với người bệnh trong độ tuổi này xem xét liệu tiêm vắc-xin HPV có phù hợp với họ hay không. Tiêm vắc-xin HPV ở độ tuổi này mang lại ít lợi ích hơn vì nhiều người đã tiếp xúc với vi-rút HPV.
3. Người đang mang thai Không có bằng chứng cho thấy tiêm chủng sẽ ảnh hưởng đến thai kỳ hoặc gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, sản phụ có thể chờ sau khi sinh xong và đi tiêm loại vắc-xin này.
Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng chương trình tiêm vắc-xin để góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh, ngăn nam giới nhiễm HPV lây lan các bệnh lý sinh dục liên quan (mụn cóc sinh dục, sùi mào gà, ung thư vòm họng, ung thư hậu môn…) cho bạn tình. Các khuyến cáo dành cho người đồng tính nam, lưỡng tính hoặc bất cứ nam giới nào có quan hệ đồng giới, nam nữ bị hội chứng suy giảm miễn dịch (bao gồm HIV/AIDS) cũng nên chủ động tiêm vắc-xin ngừa virus HPV trước năm 45 tuổi. Thậm chí nam giới nhiễm HPV một hoặc nhiều chủng vẫn có thể chủng ngừa trước độ tuổi trên.
Tổng hợp