Chủ đề
Bị “overthinking” về những gì bản thân vừa nói? Đó là quá trình giao tiếp thú vị giữa phần não “nguyên thủy” và “hiện đại” trong bạn
“Liệu mình có nói quá nhiều không nhỉ?” hay “Câu đùa đó có làm ai khó chịu không?” chắn hẳn là những câu hỏi ít nhiều đã từng khiến bạn ám ảnh. Đừng lo, nghiên cứu mới đã phát hiện ra, đó là một cơ chế trong bộ não của chúng ta.
Nghiên cứu mới của Đại học Northwestern đã tìm cách lý giải vì sao con người lại có khả năng vượt trội trong việc suy đoán suy nghĩ của người khác, đến mức overthinking hoặc còn tệ hơn thế. Những phát hiện này có thể mở đường cho việc điều trị các rối loạn tâm lý như lo âu và trầm cảm trong tương lai.
Tác giả chính của nghiên cứu Rodrigo Braga cho biết: “Chúng ta dành rất nhiều thời gian tự hỏi: ‘Người đó đang cảm thấy gì, nghĩ gì? Tôi có nói gì làm họ khó chịu không?’… Các phần của não cho phép chúng ta làm điều này nằm ở những khu vực đã mở rộng gần đây trong quá trình tiến hóa của con người, điều đó cho thấy đây là một quá trình phát triển gần đây”.
“Về cơ bản, bạn đang đặt mình vào tâm trí người khác và đưa ra các suy luận về những gì người đó đang nghĩ khi bạn thực sự không thể biết chắc.”
“Não bó sát”, “não xã hội hiện đại” và sự “overthinking” trong suy nghĩ
Kết quả nghiên cứu cho thấy các phần não tiên tiến, hỗ trợ tương tác xã hội, còn được gọi là mạng lưới nhận thức xã hội, luôn liên lạc với một phần cổ xưa của não gọi là amygdala.
Amygdala, hay được gọi là “não bò sát”, thường gắn liền với việc phát hiện mối đe dọa và xử lý cảm giác sợ hãi, chẳng hạn như phản ứng giật mình khi nhìn thấy một con rắn. Nhưng amygdala còn làm nhiều hơn thế: nó cũng điều chỉnh các hành vi xã hội như nuôi dạy con cái, tìm bạn đời, hay xác định vị trí trong hệ thống xã hội.
Điểm mới của nghiên cứu này là phát hiện sự kết nối liên tục giữa amygdala và mạng lưới nhận thức xã hội. Điều này cho phép những phần não mới tiến hóa sử dụng thông tin từ amygdala để xử lý các nội dung cảm xúc quan trọng.
Nghiên cứu sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) tiên tiến để quan sát chi tiết những vùng não chưa từng được nhận biết rõ trước đây. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng phần nhân giữa của amygdala liên kết trực tiếp với mạng lưới nhận thức xã hội, giúp hiểu rõ hơn về cảm xúc và suy nghĩ của người khác.
Ý nghĩa đối với điều trị lo âu và trầm cảm
Lo âu và trầm cảm thường đi kèm với việc amygdala hoạt động quá mức, dẫn đến phản ứng cảm xúc thái quá, và đôi khi là khó kiểm soát cảm xúc. Hiện tại, phương pháp điều trị như kích thích não sâu có thể giúp cải thiện tình trạng này, nhưng đây là một quy trình phẫu thuật xâm lấn.
Nghiên cứu này mang đến hy vọng rằng kích thích từ xuyên sọ (TMS), một phương pháp ít xâm lấn hơn, có thể gián tiếp nhắm mục tiêu vào amygdala thông qua các khu vực liên kết gần bề mặt não. Điều này có thể mở ra một cách tiếp cận hiệu quả và nhẹ nhàng hơn cho bệnh nhân.
Nguồn tổng hợp