Chủ đề
Nữ phi hành gia gốc Việt đầu tiên trong lịch sử bay vào không gian
Amanda Nguyễn đã trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Việt đầu tiên bay vào không gian trong sứ mệnh NS-31 do Blue Origin – công ty hàng không vũ trụ của tỷ phú Jeff Bezos thực hiện.
Nữ phi hành gia gốc Việt đầu tiên và 169 hạt sen bay vào vũ trụ
Sứ mệnh NS-31 là sứ mệnh đưa một nhóm gồm hoàn toàn là các nữ phi hành gia ra rìa vũ trụ, được thực hiện bởi Tập đoàn hàng không vũ trụ Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos.
Chuyến bay với phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên là của Valentina Tereshkova vào năm 1963, tức đã cách đây hơn 60 năm. Sự kiện này đánh dấu bước tiến bình đẳng giới trong ngành không gian.
Các phi hành gia sẽ được đưa lên rìa vũ trụ bởi tàu New Shepard – phương tiện phóng được phát triển để phục vụ mục đích du lịch vũ trụ của Blue Origin.
Phi hành đoàn gồm sáu người: ngôi sao Katy Perry, hôn thê của Jeff Bezos là Lauren Sanchez, MC của kênh CBS Gayle King, cựu kỹ sư NASA Aisha Bowe, nhà khoa học Amanda Nguyen và nhà sản xuất phim Kerianne Flynn.

Theo thông tin từ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), 169 hạt sen giống của Việt Nam đã được cơ quan này phối hợp với nữ phi hành gia gốc Việt Amanda Nguyen để đi cùng chuyến bay.
Được chọn lọc từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, những hạt sen này sẽ tiếp tục được nghiên cứu sau khi trở về từ sứ mệnh để làm rõ những ảnh hưởng của không gian lên sự sinh trưởng, góp phần vào khoa học thực vật và khám phá vũ trụ.
Blue Origin cho đến nay không công bố chi phí cụ thể cho mỗi chỗ ngồi, nhưng trên trang web chính thức, hành khách phải đặt cọc hoàn lại 150.000 USD để bắt đầu quá trình đăng ký. Đây cũng là lần phóng có người lái lần thứ 11 của Blue Origin.
Không trọng lực có phải là “không gian”?
Sự xuất hiện của các tên tuổi lớn như Katy Perry giúp Blue Origin duy trì sức hút với công chúng, đặc biệt trong cuộc đua khốc liệt với các đối thủ như Virgin Galactic và SpaceX.
Tuy nhiên, cũng có nhiều tranh cãi xoay quanh, khi chuyến bay chỉ kéo dài khoảng 10 phút, đưa các hành khách lên độ cao hơn 100 km (tương đương 62 dặm), nơi họ sẽ được trải nghiệm vài phút không trọng lực trước khi trở lại Trái đất.

Một trong những cách phân định nổi tiếng nhất cho việc đã ra ngoài vũ trụ hay chưa đó là “Đường Kármán”, nằm ở độ cao 100 km trên mực nước biển – chính là mức mà chuyến bay New Shepard của Blue Origin nhắm đến.
Trong trí tưởng tượng của công chúng, “phi hành gia” gắn liền với hình ảnh trôi nổi trong không gian. Nhưng trên thực tế, cảm giác không trọng lực mà hành khách trên New Shepard trải nghiệm không phải là do họ thoát khỏi trọng lực Trái Đất.
Ở điểm cao nhất của hành trình – gọi là “apogee” – trọng lực vẫn tác động, nhưng chuyển động bay và lực quán tính tạo ra cảm giác “lơ lửng”, tương tự như khi bạn đang ở đỉnh cao nhất của tàu lượn siêu tốc.
Trong khi đó, các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trải nghiệm không trọng lực suốt nhiều tháng vì họ đang bay quanh quỹ đạo – yêu cầu tốc độ cao hơn nhiều so với chuyến bay cận quỹ đạo của Blue Origin.
Trong bối cảnh du lịch vũ trụ thương mại đang phát triển, những định nghĩa như “đường Kármán” là cách giúp cộng đồng có chung một tiêu chuẩn để công nhận và ghi nhận những nỗ lực vươn tới không gian.
Nhưng dù là ở độ cao nào đi chăng nữa, việc ai đó dám thắt dây an toàn và ngồi trên một quả tên lửa đã là một điều rất đáng để ghi nhận.
Nguồn tổng hợp