Những vi chất có lợi trong điều trị tâm thần phân liệt - Doctor247

Những vi chất có lợi trong điều trị tâm thần phân liệt

Sức mạnh của vi chất dinh dưỡng: Vitamin, axit amin và axit béo thiết yếu giúp cải thiện sức khoẻ và giảm triệu chứng cho người mắc bệnh tâm thần phân liệt.

Thiếu hụt vi chất dinh dưỡng không có lợi cho hoạt động bình thường của cơ thể. Với những người mắc bệnh tâm thần phân liệt, thì việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng lại càng quan trọng.

Tùy theo từng trường hợp, việc bổ sung có thể cải thiện hệ vi sinh vật, giảm viêm, giảm stress oxy hóa và cải thiện quá trình sản xuất năng lượng của ty thể có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh.

Dưới đây là những vi chất dinh dưỡng có lợi cho người bệnh tâm thần phân liệt:

1. Vitamin

Vitamin B: Vitamin B kích thích sản xuất chất dẫn truyền thần kinh góp phần cân bằng não. Các nghiên cứu đã cho thấy, các tác động tích cực của vitamin B, đặc biệt là vitamin B3 (niacin), B6 (pyridoxine), B9 (axit folic) và B12 ở người bệnh tâm thần phân liệt.

– Vitamin C: Vitamin C là một chất chống oxy hóa có vai trò tích cực trong việc chống lại stress oxy hóa và viêm nhiễm. Bổ sung vitamin C kết hợp với các vitamin và khoáng chất khác đã cho thấy hiệu quả trong các nghiên cứu lâm sàng về bệnh tâm thần phân liệt, đồng thời làm giảm các tác dụng phụ gây viêm liên quan đến thuốc chống loạn thần.

Người bệnh tâm thần phân liệt cần bổ sung vitamin nào? - Ảnh 1.
Thực phẩm giàu vitamin C có lợi cho người bệnh tâm thần phân liệt.

– Vitamin E: Vitamin E là một chất chống oxy hóa, đã cho thấy một vai trò tích cực trong việc điều trị các rối loạn tâm thần. Đặc biệt, vitamin E giúp cải thiện tâm trạng của những người mắc bệnh lý này.

– Vitamin D: Vitamin D có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa. Bổ sung đủ vitamin D là cần thiết trong điều trị rối loạn tâm thần. Hấp thụ đủ vitamin D có thể ngăn chặn sự trầm trọng thêm của quá trình viêm nhiễm. Điều này càng cần thiết hơn vì sự thiếu hụt vitamin D thường xảy ra ở những người bị tâm thần phân liệt. Vitamin D cũng rất cần thiết cho sự phát triển và hoạt động của hệ thần kinh.

2. Khoáng chất

Bổ sung khoáng chất cũng có thể là một phương pháp điều trị tự nhiên hỗ trợ cho bệnh tâm thần phân liệt. Các khoáng chất có trong thực phẩm cần thiết cho sự cân bằng tế bào và sản xuất chất dẫn truyền thần kinh. Rối loạn nồng độ khoáng chất vi lượng trong máu cũng thường thấy ở những người bị rối loạn tâm thần.

– Kẽm: Nồng độ kẽm trong huyết thanh nói chung là thấp trong bệnh tâm thần phân liệt. Thiếu hụt kẽm có liên quan đến stress oxy hóa. Một nghiên cứu tiến hành trên bệnh nhân tâm thần phân liệt cho thấy kết quả tích cực của việc bổ sung kẽm sulphate trong 6 tuần ở những người bệnh này.

– Sắt: Trong các xét nghiệm máu, nồng độ sắt trong huyết thanh ở nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt thường thấp hơn mức trung bình.

Người bệnh tâm thần phân liệt cần bổ sung vitamin nào? - Ảnh 2.
Thực phẩm giàu sắt người bệnh tâm thần phân liệt nên ăn

– Magiê: Các thuốc điều trị tâm thần phân liệt như thuốc chống loạn thần thường làm giảm lượng magiê trong máu. Bổ sung magiê có thể có lợi.

– Selen: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng sau khi bổ sung selen, bệnh nhân tâm thần phân liệt có sự cải thiện rõ rệt bao gồm cả sự thèm ăn và tăng cường trí nhớ.

– Mangan: Phơi nhiễm mangan quá mức có thể gây ra các biểu hiện loạn thần lâm sàng bao gồm thay đổi tâm trạng, mất ổn định cảm xúc, ảo giác… nhưng hàm lượng mangan thấp cũng có thể gây ra các triệu chứng này.

Nồng độ mangan  thường thấp trong huyết tương của những người đang điều trị bằng thuốc chống loạn thần. Vì vậy, bổ sung có thể có lợi trong trường hợp thiếu hụt.

3. Axit amin

Sự gián đoạn nồng độ axit amin có liên quan đến sinh lý bệnh của bệnh tâm thần phân liệt trong nhiều nghiên cứu gần đây.

Axit amin giúp các tế bào não hoạt động bình thường, đồng thời sản xuất glutathione, một chất chống oxy hóa quan trọng. Bổ sung axit amin có thể giúp điều chỉnh chức năng não.

– Lysine: Lysine được biết đến với tác dụng làm giảm căng thẳng và lo lắng. Trong các nghiên cứu, bổ sung L-lysine trong 4 tuần, với tỷ lệ 6 gram mỗi ngày, giúp người bệnh giảm căng thẳng và lo lắng.

Tryptophan: Chế độ ăn không cung cấp đủ tryptophan có thể có tác động tiêu cực đến bệnh nhân tâm thần phân liệt‌. Tuy nhiên, cần lưu ý, tryptophan dư thừa có thể dẫn đến việc sản xuất axit kynurenic, vốn đã đặc biệt cao ở những người đang điều trị bằng thuốc chống loạn thần.

– L-theanine: Bổ sung L-theanine kết hợp với thuốc chống loạn thần, có thể cải thiện các triệu chứng lo lắng, kích động ở những bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần và tâm thần phân liệt. L -theanine cũng hữu ích để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Liều 250 đến 400mg mỗi ngày, trong 8 tuần, đã được chứng minh là có hiệu quả.

– N-axetylcystein: N-acetylcystein hay NAC là một axit amin không thiết yếu, kích thích sản xuất glutathione, chất chống oxy hóa chính có trong não. Việc bổ sung N-acetylcysteine làm tăng nồng độ glutathione trong não, có thể cải thiện chức năng kết nối của não cũng như đối với một số chức năng nhận thức, đặc biệt là trí nhớ‌.

4. Axit béo không bão hòa đa

Omega-3 là axit béo thiết yếu đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe não bộ. Sự cân bằng của các loại axit béo 3/6/9 rất cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể và chức năng nhận thức‌.

Người bệnh tâm thần phân liệt cần bổ sung vitamin nào? - Ảnh 4.
Omega-3 có lợi cho sức khỏe não bộ.

Omega-3 cho thấy hiệu quả trong việc cải thiện suy giảm nhận thức. Dầu cá giàu DHA và EPA, kết hợp với điều trị bằng thuốc cho thấy lợi ích sức khỏe đối với người bệnh tâm thần phân liệt.

5. Chất chống oxy hóa

– Coenzyme Q10: Bổ sung CoQ10 có tác dụng tích cực để giảm mệt mỏi, suy giảm nhận thức trong các bệnh lý tâm thần kinh liên quan đến rối loạn chức năng ty lạp thể, bao gồm tâm thần phân liệt.

Glutathione: Nồng độ glutathione thường thấp ở bệnh nhân tâm thần phân liệt so với người khỏe mạnh. Mức độ thấp này có thể liên quan đến sinh lý bệnh chứ không phải do điều trị bằng thuốc chống loạn thần. Glutathione rất hữu ích trong việc loại bỏ độc tố và kim loại nặng, những chất này có tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi hoạt động của não.

– DHEA: Tỷ lệ cortisol/DHEA cao hơn (càng nhiều cortisol, càng ít DHEA) được quan sát thấy ở nhiều bệnh rối loạn tâm thần, bao gồm cả bệnh tâm thần phân liệt. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc bổ sung 100 mg DHEA trong 6 tuần có thể giúp làm giảm một số triệu chứng.

6. Sự cân bằng của hệ vi sinh vật, chế độ ăn uống và men vi sinh

Hệ vi sinh vật khỏe mạnh là yếu tố bảo đảm cho sức khỏe cả ở cấp độ miễn dịch và bảo vệ chống lại chứng viêm mãn tính. Một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu chất xơ và vi chất dinh dưỡng là yếu tố cần thiết cho sự cân bằng này.

Các sản phẩm lên men, là men vi sinh tự nhiên cũng mang lại kết quả tích cực. Probiotics cũng có thể được dùng như một chất bổ sung, đã được chứng minh là có tác dụng có lợi đối với bệnh nhân mắc chứng rối loạn này.

Nhìn chung có rất nhiều loại vi chất dinh dưỡng có lợi cho người bệnh tâm thần. Nhưng để đảm bảo an toàn và tránh các rủi ro người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị cũng như chuyên gia dinh dưỡng trước khi tiến hành việc bổ sung.

Thanh Nguyên

Theo suckhoedoisong.vn

 

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận