Chủ đề
Những câu hỏi thường gặp liên quan đến bóng đè
Bóng đè là tình trạng mất kiểm soát cơ kết hợp với ảo giác xảy ra trong khi ngủ. Tại sao lại xảy ra hiện tượng này và cách thoát khỏi bóng đè như thế nào… là những câu hỏi thường gặp nhất về hiện tượng bóng đè.
1. Bóng đè có phải là hiện tượng “tâm linh” không?
Hiện tượng bóng đè, hay còn gọi là chứng tê liệt khi ngủ, là một hiện tượng khá phổ biến. Mặc dù nhiều người liên tưởng bóng đè đến các yếu tố tâm linh nhưng khoa học đã đưa ra những giải thích rõ ràng.
PGS.TS Trần Hữu Bình, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện tượng bị “cứng người”, cảm giác bị vật gì đó “đè” lên xảy ra khá phổ biến, mỗi người có thể bị ít nhất 1 lần trong đời do nhiều nguyên nhân.
Ngoài những người có bệnh lý ở hệ tim mạch, hô hấp, thần kinh không tốt, người đã hoạt động gắng sức trong ngày, bị stress hoặc có tư thế nằm không phù hợp… cũng có thể bị bóng đè. Có những trường hợp bị bóng đè gây ngạt thở là do mùi sơn, mùi đồ đạc hoặc mùi nấm mốc gây ra.
PGS.TS Bình cho rằng, bóng đè hay yếu bóng vía không phải là bệnh, lại càng không liên quan đến vấn đề mê tín như nhiều người vẫn lầm tưởng. Đây chỉ là hiện tượng nhất thời, sẽ tự hết.
2. Ai dễ bị bóng đè?
Hiện tượng bóng đè có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng một số nhóm người có xu hướng dễ bị bóng đè hơn. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị bóng đè bao gồm: Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, ngủ rũ, ngừng thở khi ngủ; Căng thẳng, lo âu, trầm cảm… Những người mắc các rối loạn này thường có nhiều căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và dễ bị bóng đè.
Các yếu tố khác như sử dụng chất kích thích (caffeine, rượu, thuốc lá…); Thay đổi nhịp sinh học; Sử dụng một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý, có thể gây ra bóng đè. Ngoài ra tư thế ngủ úp mặt hoặc để tay lên ngực có thể gây khó thở và dẫn đến bóng đè.
3. Người trầm cảm dễ bị bóng đè?
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, rối loạn giấc ngủ là mối tương quan quan trọng của bệnh trầm cảm. Trong nghiên cứu hiện tại, cơ quan này đưa ra giả thuyết rằng chứng trầm cảm sẽ phổ biến hơn ở những cá nhân bị tê liệt khi ngủ (bóng đè), ảo giác thôi miên và chứng mất trương lực cơ. Tỷ lệ rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là bị tê liệt khi ngủ, cao hơn ở những người có mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng trầm cảm.
4. Trẻ em có bị bóng đè không?
Bóng đè có thể xảy ra ở mọi đối tượng. Trẻ em, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên cũng có thể trải qua những cơn bóng đè. Bóng đè thường xảy ra ở những trẻ có giấc ngủ không ổn định, dễ bị gián đoạn do nhiều yếu tố như mọc răng, ốm đau hoặc các vấn đề tâm lý. Áp lực học tập căng thẳng, lo lắng, ảnh hưởng đến giấc ngủ và tăng nguy cơ bị bóng đè.
Trẻ bị bóng đè thường có biểu hiện: Tỉnh táo nhưng không thể cử động: Trẻ có thể mở mắt, nhận thức được mọi thứ xung quanh nhưng không thể cử động bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể; Trẻ hét lên, khóc hoặc tỏ ra sợ hãi; Ảo giác như nhìn thấy hoặc nghe thấy những hình ảnh, âm thanh kỳ lạ…
5. Phụ nữ mang thai bị bóng đè có nguy hiểm không?
Phụ nữ mang thai dễ bị bóng đè do một số nguyên nhân như: Thay đổi hormone; Áp lực tâm lý lo lắng, căng thẳng; Tư thế ngủ không thoải mái, khó thở…
Bóng đè ở phụ nữ mang thai thường không gây nguy hiểm trực tiếp đến mẹ và bé. Tuy nhiên, nó dễ gây ra mệt mỏi, lo lắng, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, sức khỏe tinh thần, suy nhược cơ thể.
6. Làm gì để thoát khỏi tình trạng bóng đè?
Phần lớn những người đã trải qua hiện tượng bị bóng đè đều mô tả cảm giác đáng sợ và dường như không thể kiểm soát được. Tuy nhiên, nếu chủ động bình tĩnh thực hiện một số biện pháp sau sẽ giúp bạn thoát khỏi tình trạng bóng đè:
- Tập trung vào hơi thở: Thở sâu, chậm và đều.
- Cử động nhẹ: Cố gắng cử động các ngón tay, ngón chân hoặc cơ mặt.
- Tạo ra âm thanh: Thử nói hoặc rên rỉ để kích thích cơ thể thức giấc.
- Trong trường hợp trẻ có dấu hiệu bị bóng đè, cha mẹ cần giữ bình tĩnh trấn an trẻ, lay gọi để đánh thức trẻ. Sau khi trẻ thoát khỏi cơn bóng đè cần vỗ về trẻ để trẻ vượt qua sợ hãi.
7. Bị bóng đè khám ở đâu?
Nếu tình trạng bóng đè xảy ra thường xuyên và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, người bệnh nên đi khám để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.
Người bệnh nên đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thần kinh, tâm thần. Các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, hỏi về tiền sử bệnh và chỉ định các xét nghiệm cần thiết như điện não đồ, chụp cộng hưởng từ để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị cụ thể.
8. Bóng đè có điều trị được không?
Mặc dù bóng đè gây ra cảm giác sợ hãi và khó chịu nhưng đây không phải là một căn bệnh nghiêm trọng và có thể kiểm soát được.
Việc điều trị bóng đè thường tập trung vào việc điều chỉnh lối sống và khắc phục các nguyên nhân gây ra tình trạng này. Để phòng và giảm thiểu tình trạng bóng đè, mọi người nên thực hiện một số biện pháp sau:
- Đi ngủ và thức dậy đúng giờ; Tạo một môi trường ngủ thoải mái, yên tĩnh và tối; Tránh sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ.
- Tập thể dục đều đặn; Thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga…
- Tránh căng thẳng, tress.
- Ăn uống lành mạnh; Hạn chế sử dụng chất kích thích.
- Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để điều trị các rối loạn giấc ngủ liên quan đến bóng đè.
9. Đông y có điều trị được bóng đè không?
Đông y có thể hỗ trợ điều trị bóng đè bằng các phương pháp như: Châm cứu giúp điều hòa khí huyết, thư giãn thần kinh, giảm căng thẳng; Xoa bóp giảm đau nhức, thư giãn cơ bắp, cải thiện tuần hoàn máu; Sử dụng các bài thuốc bổ khí huyết, an thần…
Người bệnh lưu ý cần đi khám và điều trị tại các cơ sở y học cổ truyền uy tín được cấp phép để được thăm khám và kê đơn thuốc phù hợp.
10. Chi phí khám bóng đè như thế nào?
Chi phí khám tình trạng bóng đè khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như khám tại bệnh viện công và bệnh viện tư. Chi phí khám chuyên khoa Tâm thần trong khoảng 150.000 – 500.000 đồng. Một số trường hợp cần làm thêm các xét nghiệm như điện não đồ, chụp cộng hưởng từ chi phí sẽ tăng lên.
Về điều trị, chi phí tùy từng mức độ bệnh cụ thể, bệnh nhẹ chi phí điều trị sẽ thấp hơn. Một số trường hợp có thể chỉ cần điều chỉnh lối sống.
Theo SK&ĐS