Chủ đề
Những bệnh lý nguy hiểm thường gặp ở trẻ nhỏ trong mùa nắng nóng
Thời tiết ở khu vực Nam Bộ và TP.HCM đang nắng nóng liên tục, nền nhiệt độ cao. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh về da.
Bác sĩ Trương Thị Ngọc Phú – phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM – cho biết có ba nhóm bệnh thường gặp ở trẻ trong mùa nắng nóng gồm: các bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hóa, ngộ độc thức ăn, bệnh hô hấp do các loại siêu vi và phổ biến không kém là các bệnh viêm da, nhọt da.
Bởi thời điểm này, nhiệt độ và độ ẩm tăng là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh tăng sinh, phát triển.
Ngoài ra, trẻ vận động dưới nắng nóng trong thời gian kéo dài và không được bổ sung nước đầy đủ dễ khiến cơ thể trẻ đổ mồ hôi nhiều, dẫn đến mất nước, điện giải dễ bị bệnh, thậm chí là sốc nhiệt.
Bác sĩ Phú lưu ý, khi trẻ đang hoạt động trong môi trường nóng kéo dài kèm theo các biểu hiện như sốt cao, da khô nóng, mạch nhanh, thở nhanh, nôn ói, lừ đừ, lơ mơ, đi đứng không vững hoặc hôn mê, co giật… đây là dấu hiệu của trẻ bị sốc nhiệt.
Các bệnh lý của đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp do vi rút, ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh nhiễm trùng đường ruột khác như lỵ, tả có triệu chứng: sốt, nôn ói, tiêu lỏng nhiều lần, đau bụng, tiêu đàm máu…
Một số dấu hiệu đặc trưng khác tùy thuộc vào tác nhân gây bệnh (vi rút, vi khuẩn).
Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau: trẻ không tỉnh táo, lừ đừ, không uống được, bỏ bú, không có nước tiểu trong vòng 6-8 giờ.
Ngoài ra, trẻ có thể khóc không có nước mắt, da, môi khô, mắt trũng, trẻ bị tiêu chảy trên 2 ngày không giảm, tiêu chảy có sốt, đau bụng, nôn ói, phân có máu…
Để phòng bệnh cho trẻ, bác sĩ Phú khuyến cáo mùa nắng nếu cần ra ngoài, cho trẻ đội mũ vành rộng, quần áo sáng màu, chất vải nhẹ nhàng. Nếu đi biển, không cho các em tắm vào thời điểm nắng nóng từ 10h sáng đến 16h.
Sau khi tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc do tình hình nắng nóng, trẻ ưa dùng các loại nước có đá hay thực phẩm lạnh (kem, nước ngọt, trà sữa…).
Các loại nước hay thực phẩm lạnh vừa kể trên có thể giúp trẻ cảm thấy được giải khát và ngon miệng trong thời gian ngắn.
Khi đã thỏa mãn về cảm giác khát tức thời, trẻ nhỏ không cảm thấy cần uống thêm nước, dẫn đến lượng nước thật sự cần để bổ sung cho trẻ bị thiếu hụt.
Song song đó, phụ huynh cũng nên quan tâm đến vấn đề về da, dưỡng ẩm. Trong mùa nắng nóng nên cho trẻ mặc quần áo mỏng nhẹ, chọn vải thông thoáng như cotton, tránh vận động quá mức ra nhiều mồ hôi.
Cần dùng các loại sữa tắm, dầu gội dịu nhẹ để bảo vệ da của trẻ. Khi hoạt động ngoài trời bên cạnh che chắn cho trẻ cẩn thận (đội mũ, áo dài tay, nơi hoạt động có mái che, bóng râm…), cần thiết có thể bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên.
Thực phẩm cho trẻ em cần phải ăn chín, uống sôi và hạn chế ăn đồ sống hoặc tái. Không ăn thức ăn ôi thiu, đã hết hạn sử dụng.
Đặc biệt, cần tách biệt đồ sống và chín, có vật dụng chế biến riêng thức ăn chín và sống, nếu dùng chung phải rửa sạch sau mỗi lần chế biến thức ăn sống.
Lưu ý khi không để thức ăn trong tủ lạnh, cần che đậy cẩn thận để tránh bụi, ruồi, muỗi. Bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, không nên để quá 2 giờ ở nhiệt độ thường.
Theo Tuổi Trẻ