Chủ đề
Nhiều giải pháp giúp bệnh nhân giảm chi tiền túi
Sáng 8/11/2023 tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Đào Hồng Lan tiếp tục trả lời chất vấn của ĐBQH liên quan tới việc giảm chi tiền túi của bệnh nhân và bổ sung vi chất vào thực phẩm.
Sáng 8/11, Quốc hội tiếp tục thực hiện chất vấn liên quan tới nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội.
Tại phiên chất vấn, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế. Đại biểu nêu, Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới có đề cập đến một mục tiêu khá cụ thể đó là làm thế nào để hạn chế tỷ lệ sử dụng tiền túi của bệnh nhân khi sử dụng dịch vụ y tế. Cụ thể giảm xuống dưới 35% vào năm 2025.
Với tình hình hiện nay, đại biểu nhận thấy khó để giảm tỷ lệ này. Vì vậy bà Phạm Khánh Phong Lan hỏi Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH có giải pháp thế nào để giải quyết vấn đề này?
Trả lời chất vấn của ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, nội dung “giảm chi tiền túi của nhân dân” liên quan tới mô hình chăm sóc y tế đã được các Nghị quyết của Đảng nêu ra. Đó là chúng ta tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng cường công tác dự phòng; giảm bớt chi phí điều trị.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đề cập việc vì sao tiền chi tăng, đồng thời cho rằng, các mô hình bệnh tật của chúng ta biến đổi rất nhiều; nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao. Đặc biệt, nhận thức của người dân thường đến bệnh viện khi đã ốm rồi, bệnh nặng rồi nên dẫn đến chi phí cao.
“Theo báo cáo của Bệnh viện K Trung ương thì bệnh nhân mắc ung thư đến bệnh viện ở giai đoạn muộn dẫn đến chi phí cao, hiệu quả chăm sóc y tế kém”, Bộ trưởng lấy ví dụ.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhận định để giảm chi tiền túi của người bệnh có liên quan đến việc chuyển đổi mô hình chăm sóc bệnh tật bền vững. Đó là tăng cường công tác dự phòng, sàng lọc phát hiện bệnh sớm; tăng cường nhận thức của người dân trong chăm sóc sức khỏe; có mô hình tài chính bền vững; tăng cường độ bao phủ các chính sách BHYT.
“Theo khuyến cáo WHO, tỷ lệ tiền túi người dân bỏ ra cho chăm sóc y tế đạt 30% thì đó mới là hệ thống y tế bền vững. Đây là những giải pháp mang tính chất tổng thể trên toàn diện các lĩnh vực của ngành y tế, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Theo SK&ĐS