Nhiệt độ ngày và đêm tại TP.HCM chênh nhau 12 độ C: Làm gì để bảo vệ sức khỏe? - Doctor247

Nhiệt độ ngày và đêm tại TP.HCM chênh nhau 12 độ C: Làm gì để bảo vệ sức khỏe?

Theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, tại TP.HCM, cụ thể là Tân Sơn Nhất, nhiệt độ ban ngày cao nhất là 33 độ C, thấp nhất 21 độ C vào ban đêm, tức nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh nhau đến 12 độ C.

Nhiệt độ ngày và đêm tại TP.HCM chênh nhau 12 độ C: Làm gì để bảo vệ sức khỏe?
(Nguồn: Thanh Niên)

Chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn tiềm ẩn nhiều tình trạng sức khỏe nguy hiểm

Cơ thể con người hoạt động tốt nhất khi nhiệt độ bên trong được duy trì ổn định ở khoảng 37ºC. Vùng dưới đồi (hypothalamus) trong não có nhiệm vụ điều chỉnh thân nhiệt bằng cách phản ứng với nhiệt độ môi trường. Tuy nhiên, khi chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm quá lớn, cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt độ.

Hai đối tượng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh nhất trong điều kiện thời tiết này là người lớn tuổi và trẻ em. Bên cạnh đó, các nhóm đối tượng khác cũng không nên chủ quan loại trừ.

Khi có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, hệ miễn dịch sẽ rất dễ bị suy yếu. Do đó, đây là thời điểm rất nhạy cảm, khiến các bệnh hô hấp như viêm họng, viêm phổi, hen suyễn, viêm đường hô hấp trên dễ dàng tấn công vào cơ thể. Mặt khác, diễn biến của các dạng cúm cũng đang rất phức tạp, làm nguy cơ mắc các virus này tăng cao.

Với những người có tiền sử huyết áp, tim mạch, sự chênh lệch nhiệt độ lớn như vậy có thể khiến cơ thể không kịp thích nghi. Ví như ban đêm khi nhiệt độ xuống thấp hơn bên ngoài nhiều, mạch máu sẽ co lại, khiến huyết áp tăng cao. Với những người khỏe mạnh, đây có thể là hiện tượng bình thường, nhưng với nhóm người có tiền sử, nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim sẽ tăng cao.

Điều chỉnh lối sống để thích nghi với nhiệt độ ngày đêm

Chênh lệch nhiệt độ khiến vấn đề giữ ấm và giải nhiệt cơ thể có thể nói là vấn đề quan trọng hàng đầu. Theo các chuyên gia, người dân không nên chủ quan, nên mặc ấm vào ban đêm và đặc biệt vào rạng sáng. Có thể mang theo áo khoác để dễ dàng mặc vào và cởi ra tùy vào nhiệt độ bên ngoài.

Trong bối cảnh dịch cúm đang hoành hành, khi ra đường, người dân nên mang khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với nơi đông người, giữ các thói quen vệ sinh như rửa tay bằng xà phòng. Ở nhà, nên giữ cho nhà cửa vệ sinh và thông thoáng, phòng ngừa sự phát triển của các loại vi khuẩn, virus vào thời điểm này.

Nếu ngoại lực đã sẵn sàng thì chính bên trong mỗi người, nội lực cũng cần có sự phòng bị. Thời tiết thay đổi là thời điểm hệ miễn dịch con người trở nên suy giảm, đặc biệt là nhóm người cao tuổi và trẻ em. Vì vậy, việc tăng cường hệ miễn dịch là vô cùng cần thiết.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Theo chuyên gia dinh dưỡng, TS.BS. Trương Hồng Sơn (Viện Y học ứng dụng Việt Nam), nên ưu tiên bổ sung các thực phẩm giàu hàm lượng các chất như vitamin C, D, A, kẽm, magie… vốn có nhiều trong các loại rau xanh, trái cây tươi, các loại hạt, cá, trứng, sữa… Và quan trọng đó chính là phải uống đủ nước mỗi ngày.

Bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý, việc vận động mỗi ngày cũng giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Các bài tập nhẹ nhàng trong nhà như yoga, thể dục nhịp điệu… là một gợi ý tốt để bạn vẫn đảm bảo cơ thể dẻo dai mà lại tránh được sự khắc nghiệt của thời tiết. Ngủ đủ giấc cũng giúp cơ thể phục hồi và duy trì sự cân bằng nhiệt độ tốt hơn.

Hãy chú ý đến những thay đổi của cơ thể, chủ động điều chỉnh sinh hoạt và quan tâm đến những người xung quanh để cùng nhau vượt qua những thời điểm thời tiết khắc nghiệt.

Nguồn tổng hợp

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận