Nguy cơ mất mạng vì nhiễm độc do bị ngạnh cá trê đâm vào tay

Nguy cơ mất mạng vì bị ngạnh cá trê đâm vào tay

Dù thịt cá trê có tính ôn, không độc nhưng khi sơ chế nếu lỡ bị ngạnh cá trê đâm vào tay vì độc tố trong phần ngạnh này có khả năng đoạt mạng người. Vừa qua, khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương tiếp nhận bệnh nhân nữ nhập viện do bị ngạnh cá trê đâm vào mu bàn tay trước đó cả tuần, sau đó vết thương viêm dạng phỏng nước lan nhanh lên vùng cánh, cẳng tay phải.

Nữ bệnh nhân bị đe dọa tính mạng do bị ngạnh cá trê đâm vào tay

Theo nguồn tin từ bệnh viện, nữ bệnh nhân 57 tuổi này ngụ tại Hưng Yên, làm nghề bán cá, có tiền sử viêm khớp dạng thấp nhiều năm và thường xuyên sử dụng thuốc nam. Bệnh nhân được cơ sở y tế khác chuyển đến với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm mô bào tay phải.

nguy-co-mat-mang-vi-bi-nganh-ca-tre-dam-vao-tay-2
Bác sĩ khuyến cáo tiếp xúc với cá, chăm sóc động vật… nên đeo găng tay để tránh xây xước. Ảnh minh họa

Bảy ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân bị ngạnh cá trê đâm vào mu bàn tay. Sau một ngày, bệnh nhân bị sốt, phỏng nước vàng tại vùng tổn thương, đau nhiều, lan nhanh chóng lên vùng cánh, cẳng tay phải. Gia đình đã đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế và được chẩn đoán: Viêm mô bào tay phải. Tuy nhiên, sau 5 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

Tại khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết đường vào da và mô mềm theo dõi vibrio – theo dõi tiền sốc nhiễm khuẩn, tình trạng bệnh nặng, nguy cơ phải can thiệp xâm lấn. Bác sĩ Trần Văn Bắc – phó trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương – cho biết bệnh nhân có bệnh cảnh lâm sàng phù hợp nhiễm vi khuẩn vibrio vulnificus. Hiện khoa cấp cứu đã cùng hội chẩn với khoa ngoại chấn thương chỉnh hình và thần kinh cột sống để can thiệp phù hợp cho bệnh nhân.

Để tránh trường hợp đáng tiếc, bác sĩ Trần Văn Bắc khuyến cáo: Với bệnh nhân có cơ địa suy giảm miễn dịch do xơ gan, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, đặc biệt các bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch; thuốc nam không rõ nguồn gốc thì thường có nguy cơ suy giảm miễn dịch nặng hơn. Những bệnh nhân này rất dễ bị nhiễm trùng các chủng vi khuẩn, trùng trực khuẩn sẽ có thể gây hoại tử tổ chức rất nghiêm trọng. Đáng nói, bệnh tiến triển dẫn đến sốc rất nhanh, đe dọa đến tính mạng. Người suy giảm miễn dịch khi uống thuốc phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, quản lý bệnh nền tốt để phòng tránh tình trạng rối loạn miễn dịch, ức chế miễn dịch nặng hơn. Nếu những người này có vết thương phải xử lý đúng cách.

Bác sĩ Trần Văn Bắc nhấn mạnh những người bị suy giảm miễn dịch khi làm nghề có tiếp xúc với cá, chăm sóc động vật hoặc với môi trường nước phải đeo găng tay dày để tránh xây xước, lây nhiễm vi khuẩn. Khi bị xây xước thì không được chủ quan, phải tiến hành sát khuẩn ngay, nếu bị xây xước mà có biểu hiện bệnh thì người dân phải đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Tại sao bị ngạnh cá trê đâm vào tay lại nguy hiểm?

Về chuyên môn, khi bị cá trê chém, cơ thể con người sẽ bị hai tác động nguy hiểm, đó là nọc độc của cá trê và nhiễm trùng cơ hội qua vết thương bị chém. Thứ nhất là nọc độc của cá trê. Cá trê có hai ngạnh nhọn ở hai bên mang, cả hai ngạnh đều chứa nọc độc. Nọc độc này được sản xuất bởi các tuyến nọc nằm ở gốc của mỗi ngạnh.

Khi bị ngạnh cá trê đâm vào tay, nọc độc sẽ được bơm vào cơ thể nạn nhân qua vết thương. Nọc độc cá trê chỉ được tiết ra khi cá cảm thấy bị đe dọa, như khi bị bắt hoặc bị tấn công. Nọc độc cá trê bao gồm một số protein độc tố khác nhau. Khi gắn kết nhau, nó sẽ kích hoạt một loạt các phản ứng hóa học dẫn đến phá hủy tế bào.

nguy-co-mat-mang-vi-bi-nganh-ca-tre-dam-vao-tay-1
Cá trê có 2 ngạnh độc. Ảnh: Creative Commons

Tế bào của con người khi bị phá hủy sẽ gây các triệu chứng như đau nhức, sưng tấy, mẩn đỏ, thiếu máu, tê bì, ngứa ran và yếu cơ.

Khi người bị nhiễm những chất độc của cá trê qua ngạnh “chém”, chất độc đó vừa làm tổn thương tế bào vừa làm tổn thương hệ thần kinh nên nạn nhân có triệu chứng đau dữ dội “đau như cá chém” – cơn đau có sự phối hợp của cơn đau do thần kinh và đau do phản ứng viêm.

Thứ hai là nhiễm trùng cơ hội qua vết thương. Ngạnh cá trê thường dài và sắc, do đó vết thương do cá trê chém thường sâu và rách da với kích thước lớn, vì vậy sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có cơ hội xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng.

Có nhiều loại vi trùng xâm nhập vào vết cá trê “chém”, trong đó thường gặp nhất là vi khuẩn Vibrio vulnificus. Cá trê là loài cá da trơn sống ở môi trường nước ngọt và nước lợ, nơi có nhiều bùn sình, thiếu oxy, do đó chúng có thể mang vi khuẩn Vibrio vulnificus trên da và trong cơ thể.

Vi khuẩn Vibrio vulnificus có khả năng tiết ra một số loại độc tố như Cytolysin, Protease, Endotoxin gây tổn thương tế bào và dẫn đến phản ứng viêm, nặng nhất là những biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, hoại tử da, suy gan, suy thận và tử vong.

Theo một số nghiên cứu, tỉ lệ tử vong do nhiễm Vibrio vulnificus từ vết thương cá “chém” dao động từ 15-50%.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) có báo cáo tỉ lệ tử vong do nhiễm Vibrio vulnificus ở Mỹ là khoảng 17%, tùy thuộc vào các yếu tố như sức khỏe người bệnh, mức độ nghiêm trọng của vết thương và thời gian điều trị.

Người có hệ miễn dịch yếu, chẳng hạn như người cao tuổi, người có bệnh gan hoặc bệnh thận, và người đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh nặng.

Để giảm nguy cơ nhiễm Vibrio vulnificus từ vết thương do cá “chém”, bà con mình nên rửa vết thương ngay lập tức bằng xà phòng và nước ấm, sát trùng vết thương bằng dung dịch sát khuẩn như cồn, iodine và nên đi khám tại cơ sở y tế gần nhất để được điều trị phù hợp.

Tổng hợp theo Tuổi Trẻ

 

Những loại cây có độc cẩn trọng trưng Tết (doctor247.vn)

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận