Nguy cơ mắc bệnh suy thận mạn tăng cao ở giới trẻ - Doctor247

Nguy cơ mắc bệnh suy thận mạn tăng cao ở giới trẻ

Nếu như trước đây, tại Việt Nam, bệnh suy thận mạn chỉ xuất hiện ở nhóm người 60 tuổi, thì hiện nay, tỷ lệ người trẻ trong độ tuổi từ 18 – 30 tuổi mắc bệnh thận đang ngày càng gia tăng, chiếm từ 20 – 30%. 

Diễn biến âm thầm của suy thận mạn 

N.T.M.T (nữ, 20 tuổi, sinh viên ĐH Đà Nẵng) có biểu hiện chóng mặt, mệt mỏi, chán ăn, thiếu máu…, đi khám và thực hiện các xét nghiệm tại Bệnh viện (BV) Đà Nẵng thì phát hiện suy thận mạn giai đoạn cuối. T. bắt đầu chạy thận nhân tạo, lọc máu 2 lần/tuần để duy trì sự sống. 

V.P.T.T (29 tuổi, nam, ngụ Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cũng phát hiện bệnh khi có những dấu hiệu bất thường của cơ thể. Kết quả cho thấy T. bị suy thận mạn giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, nhưng may mắn hơn là bệnh nhân (BN) này được ghép thận sau đó. 

Có một nhóm BN còn lại dưới 35 tuổi được phát hiện bệnh thận thông qua khám sức khỏe định kỳ. Cụ thể là qua xét nghiệm máu, nước tiểu, phát hiện sớm những bất thường về thận (như tăng creatinin máu và tăng protein trong nước tiểu…), bất thường về cấu trúc thận trên siêu âm (như teo thận, tắc nghẽn thận, khối u ở thận…). 

Tình trạng người bệnh suy thận mạn đang ngày càng trẻ hóa, số người cần phải lọc máu tiếp tục có xu hướng tăng là hồi chuông báo động tới tất cả mọi người. Thông tin được các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất và Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo nhân Ngày Thận học thế giới (14/3). 

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Vũ, Phó Trưởng Khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, trung bình mỗi ngày, Khoa Nội thận của Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị cho trên 100 người bệnh nội trú và khám cho từ 300 – 400 bệnh nhân ngoại trú. Trong số đó, có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, cá biệt có những bệnh nhân mới chỉ 16 tuổi. “Bệnh suy thận đang có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây, chiếm tỷ lệ 20% trong tổng số bệnh nhân khám và điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng và cần có những nghiên cứu chính xác nhằm tìm ra nguyên nhân để có cảnh báo cần thiết”, bác sĩ Vũ nhận định.  

Bệnh suy thận mạn gây nhiều ảnh hưởng đến người trẻ

Nguyên nhân và triệu chứng của suy thận mạn 

Một số nghiên cứu đã ghi nhận việc ăn nhiều protein, nhiều dầu mỡ, thức khuya có mối liên quan đến suy giảm chức năng thận. Lối sống không lành mạnh như ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn, ăn uống thừa năng lượng, lạm dụng chất kích thích, hút thuốc lá, ít vận động… của người trẻ là nguyên nhân góp phần làm gia tăng tình trạng trẻ hóa bệnh lý suy thận. Ngoài ra, thói quen tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh, thuốc đông y, thuốc không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng bừa bãi cũng là nguyên nhân dẫn đến người suy thận ngày càng trẻ hóa. 

Theo các bác sĩ, bệnh thận có thể được phát hiện sớm bằng các xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu, kiểm tra chức năng thận. Do đó, bên cạnh việc duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường tập thể dục, uống nhiều nước, có chế độ dinh dưỡng cân bằng giữa đạm động vật và đạm thực vật, người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe của mình bằng cách thường xuyên quan sát nước tiểu. Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như nước tiểu đục, sủi bọt, nước tiểu ngả màu khác thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám. Việc tầm soát sức khỏe định kỳ cũng giúp phát hiện sớm các vấn đề liên quan đến thận. 

Tín hiệu đáng mừng là y học nước ta đã tiến bộ rất nhiều, có nhiều loại thuốc điều trị hiệu quả đối với các bệnh lý về thận. Nếu bệnh nhân được phát hiện sớm hoàn toàn hạn chế bệnh chuyển qua giai đoạn muộn, có thể sống chung với bệnh thận một cách khỏe mạnh, giảm nguy cơ chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận. 

                 Theo Thanh Niên 

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận