Người phụ nữ tiêm 33 mũi vaccine dại trong 4 năm - Doctor247

Người phụ nữ tiêm 33 mũi vaccine dại trong 4 năm

Bà Hương (49 tuổi, Hà Nội) tiêm 33 mũi vaccine dại trong 4 năm vì thường xuyên bị chó cắn.

Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, đây là trường hợp hy hữu, có lịch sử tiêm nhiều mũi vaccine dại trong thời gian ngắn nhất tại VNVC. Việc người dân tiêm chủng vaccine dại đầy đủ sau khi bị chó cắn tới hàng chục mũi trong vài năm, cho thấy ý thức phòng bệnh và kiến thức của người dân đã tăng lên.

Bà Hương cho biết nuôi hai con chó nhỏ và bắt đầu tiêm vaccine dại tại VNVC từ năm 2019. Bà thi thoảng bị chó cắn khi chăm sóc, dắt đi dạo hoặc can ngăn các con chó cắn nhau. Dù hai chú chó đã tiêm phòng đầy đủ, bà vẫn tiêm vaccine để phòng dại cho chính mình.

Lần đầu bị chó cắn, bà phải tiêm đủ 5 mũi vaccine dại trong vòng một tháng. Mũi đầu tiên khiến bà sốt, mệt mỏi. Những lần sau, bà Hương gần như không có phản ứng sau tiêm, vẫn buôn bán ở chợ bình thường, không có dấu hiệu bất thường.

“Chó nhà tôi dù đã tiêm phòng nhưng thường xuyên giao lưu với nhiều con chó khác trong xóm, mà không phải gia đình nào cũng ý thức tiêm đầy đủ cho chúng. Mỗi lần bị cắn, tôi đều tiêm vaccine dại cho yên tâm, chỉ cần tiêm thêm 2 mũi nên cũng không quá phiền hà như lần đầu”, bà Hương cho biết.

Người lớn tuổi tiêm vaccine phòng bệnh tại VNVC. Ảnh: Tuyết Huỳnh
Người lớn tuổi tiêm vaccine phòng bệnh tại VNVC. Ảnh: Tuyết Huỳnh.

Ngoài trường hợp của bà Hương, Hệ thống tiêm chủng VNVC cũng ghi nhận bà Mai 62 tuổi, ở Bình Dương, tiêm 15 mũi vaccine dại trong 2 năm. Trước đó, do không có thói quen giữ sổ tiêm chủng, bà không nhớ đã tiêm bao nhiêu mũi.

“Mỗi lần tiêm xong, tôi chỉ hơi đau nhức, thỉnh thoảng chóng mặt, nhưng lo lắng lớn nhất của tôi là tiêm nhiều quá có thể làm suy giảm trí nhớ”, bà Mai nói.

Theo bác sĩ Chính, hiện bệnh dại có tỷ lệ tử vong gần 100% và không có thuốc điều trị đặc hiệu, vaccine là biện pháp phòng bệnh duy nhất. Việc tiêm chủng đầy đủ giúp giảm các ca mắc và tử vong.

Việt Nam hiện có 2 loại vaccine phòng dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Nếu bị chó mèo cắn, phác đồ của người chưa từng tiêm vaccine gồm 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 (đối với đường tiêm bắp) hoặc 4 mũi vào các ngày 0-3-7-28 (đối với đường tiêm trong da). Trường hợp phơi nhiễm độ III cần phối hợp tiêm huyết thanh kháng dại. Trường hợp đã chủ động tiêm vaccine phòng ngừa từ trước, mọi người chỉ cần tiêm 3 mũi vaccine (các ngày 0-7-28) đã có miễn dịch với bệnh. Nếu bị chó mèo cắn sau tiêm, dù vết thương nặng, mọi người chỉ cần chích ngừa thêm 2 mũi (hai ngày 0 và 3), không cần dùng huyết thanh kháng dại.

Không đắp lá, nặn nọc từ các vết thương cho chó mèo cắn. Nguồn: Medical Group
Không đắp lá, nặn nọc từ các vết thương cho chó mèo cắn. Ảnh: Medical Group.

Theo bác sĩ Chính, người tiêm có thể gặp một số phản ứng sau khi tiêm vaccine như sưng, đau nhức tại chỗ tiêm kéo dài 24 đến 48 tiếng. Phản ứng toàn thân có thể xảy ra gồm đau đầu, choáng váng, mệt mỏi, run rẩy, ù tai. Một số trường hợp tiêm liều tăng cường có thể bị sốt, đau nhức xương, cơ… Để giảm các phản ứng, người tiêm nên uống nhiều nước, chú trọng chế độ dinh dưỡng đủ chất và nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế uống rượu bia để cơ thể sinh miễn dịch tốt nhất.

Giải đáp lo lắng vaccine có thể gây suy giảm trí nhớ, bác sĩ Chính cho biết vaccine dại thế hệ mới là vaccine bất hoạt được sản xuất theo công nghệ hiện đại, không còn khả năng gây bệnh, đảm bảo được tính an toàn và hiệu quả. Vaccine thế hệ mới không chống chỉ định với phụ nữ mang thai và cho con bú. Do đó, mọi người không nên e sợ tác dụng phụ, bỏ lỡ thời gian tiêm phòng dại.

Bác sĩ Chính lưu ý khi bị động vật cắn, cào, liếm vào vết thương hở, mọi người cần xử trí vết thương đúng cách, bên cạnh tiêm chủng. Vết thương cần được rửa kỹ bằng nước và xà phòng liên tục trong 15 phút, sau đó tiếp tục rửa bằng cồn 45-70%, cồn iốt hoặc povidone để giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn.

Mọi người không sử dụng các phương pháp dân gian như nặn máu, rạch lấy nọc, uống thuốc đông y, đắp lá vào vết thương… Những cách điều trị này không giúp cơ thể đào thải virus dại mà có khả năng gây nhiễm trùng vết thương và khiến virus xâm nhập nhanh hơn.

Người dân tránh tâm lý “chó nhà nuôi không mắc bệnh dại”, chủ quan, không tiêm ngừa, bỏ qua thời gian vàng phòng bệnh sau khi bị cào, cắn. Chó nhà nuôi không bị dại song quá trình tiếp xúc, chơi đùa với những con chó khác có thể lưu virus dại trên lông, miệng, móng và lây qua người khi cắn, cào.

Theo VnExpress

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận