Người bệnh được ghép tim xuyên Việt: 'Tôi muốn chạy bộ và về nhà' - Doctor247

Người bệnh được ghép tim xuyên Việt: ‘Tôi muốn chạy bộ và về nhà’

Sau 5 ngày trải qua cuộc đại phẫu, người đàn ông nhận ghép tim đã có thể ăn cháo, trò chuyện vui vẻ với đội ngũ y bác sĩ tại phòng Hồi sức sau ghép tạng.

Chiều ngày 31/8, bác sĩ Trần Thị Thanh Thủy – Trưởng Đơn vị Gây mê hồi sức phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM – đã chia sẻ niềm vui khi ca phẫu thuật đặc biệt thành công: “Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân mắc suy tim nặng. Sau khi nhận được món quà vô giá từ người hiến tạng ở Hà Nội, bệnh nhân đã hồi phục nhanh hơn dự kiến.”

Trước đó, anh L.A.H. (37 tuổi) được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim từ năm 2021. Khi ấy, chức năng co bóp của cơ tim anh chỉ còn 18%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, anh không thể đi khám và tiếp cận các phương tiện chẩn đoán chính xác.

Đến tháng 7/2023, khi triệu chứng khó thở trở nên trầm trọng, anh tìm đến Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Tại đây, các bác sĩ không chỉ xác định rõ tình trạng bệnh mà còn phát hiện anh mang nhóm máu Rh âm tính – một nhóm máu hiếm.

Sau một thời gian điều trị, tình trạng khó thở của anh đã được cải thiện. Anh cũng được đưa vào danh sách chờ ghép tim. Sự hồi hộp và bất ngờ ập đến khi vào lúc 12h trưa ngày 24/8, anh nhận được thông báo chuẩn bị nhập viện để ghép tim.

Trái tim ghép cho anh H. được hiến từ một người đàn ông 32 tuổi ở Hà Nội. Trải qua hành trình xuyên Việt, đến nay, trái tim đã đập an toàn trong lồng ngực mới của anh H.

Sau ngày đầu phẫu thuật cần được chăm sóc đặc biệt, đến ngày thứ hai, anh H. đã có thể ngồi dậy và tự đứng lên. Đến ngày thứ năm, anh đã có thể đứng thẳng, tự ăn cháo và trò chuyện vui vẻ với mọi người.

“Tôi muốn gửi lời biết ơn từ tận đáy lòng đến gia đình người hiến tạng. Họ đã trao cho tôi một cuộc sống mới. Bây giờ, tôi chỉ mong được chạy bộ và trở về nhà” – anh H. chia sẻ.

Hiện tại, anh L.A.H. vẫn đang được chăm sóc hậu phẫu tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM.

Bác sĩ Trần Thị Thanh Thủy cho biết: “Trái tim – phần đặc biệt nhất của cơ thể – là cơ quan duy nhất không thể hiến tặng khi người hiến còn sống. Ý nghĩa cao đẹp của sự trao tặng này không chỉ khắc sâu trong lòng người nhận mà còn lan tỏa niềm tin và khát vọng sống mãnh liệt cho nhiều bệnh nhân tim khác”.

Đêm 22/8, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận anh N.Đ.T. (32 tuổi) nhập viện trong tình trạng nguy kịch sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Sau nhiều lần kiểm tra và đánh giá lâm sàng, chiều 24/8, các chuyên gia đầu ngành kết luận bệnh nhân đã chết não. Gia đình anh T. vượt qua nỗi đau, quyết định hiến tạng của người thân để mang lại sự sống cho những người khác.

Sau khi có chỉ đạo từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, trái tim của anh T. được vận chuyển vào Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM để ghép cho một bệnh nhân mắc bệnh tim nặng. Gan, thận, và giác mạc của anh T. cũng được ghép cho các bệnh nhân khác tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Xanh Pôn và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Trong đêm 24/8, trái tim anh T. đã vượt hàng ngàn km, kịp thời đến phòng mổ Bệnh viện Đại học Y dược. Đến 2h05 sáng 25/8, ca ghép hoàn tất, trái tim đã đập những nhịp đầu tiên trong lồng ngực mới.

Nguồn tổng hợp

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận