Chủ đề
Ngộ độc thực phẩm từ câu chuyện cứu trợ lũ lụt tại Myanmar: Những lưu ý quan trọng cho tình nguyện viên
Mới đây, vào ngày 17/9/2024, hơn 100 người tại Myanmar đã gặp phải tình trạng ngộ độc thực phẩm sau khi tiêu thụ các thực phẩm cứu trợ trong đợt lũ lụt lớn tại quốc gia này. Sự việc này gây hoang mang và lo lắng, không chỉ đối với người dân địa phương mà còn cho các tổ chức cứu trợ trên toàn thế giới. Thực phẩm, từ vai trò cứu nguy, đã trở thành nguồn cơn gây hiểm nguy.
Theo báo cáo, dân làng Chaungchar – khu vực bị lụt nặng tại Myanmar – đã có các triệu chứng như nôn mửa và tiêu chảy sau khi ăn cơm thập cẩm, thịt gà, khoai tây và cà ri trứng cà chua do những người hảo tâm quyên góp. Vấn đề ngộ độc thực phẩm trong các chiến dịch cứu trợ không phải là hiếm, và từ sự kiện tại Myanmar, tình nguyện viên có thể rút ra nhiều bài học quý giá về cách bảo đảm an toàn cho thực phẩm khi thực hiện các đợt cứu trợ.
Ngộ độc thực phẩm cứu trợ: Bài học chưa bao giờ cũ
Các chiến dịch cứu trợ thiên tai thường được tổ chức trong thời gian ngắn, dẫn đến công tác chuẩn bị nguyên vật liệu và điều kiện vận chuyển, bảo quản thực phẩm phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Cơ sở hạ tầng tại vùng cứu trợ đang bị hư hại, môi trường ẩm thấp và thiếu các thiết bị bảo quản như tủ lạnh, kho lạnh hoặc hệ thống thông gió là những nguyên nhân chủ yếu khiến thực phẩm dễ bị hỏng. Hơn nữa, trong điều kiện môi trường thiên tai, nước sạch cũng trở nên khan hiếm, khiến cho việc chuẩn bị và tiêu thụ thực phẩm tiềm ẩn bất trắc.
Sự việc tại Myanmar chính là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các tổ chức cứu trợ nhân đạo. Thêm một lần nữa, những người làm công tác thiện nguyện lại nhắc nhở nhau những biện pháp kỹ lưỡng hơn trong việc lựa chọn và chuẩn bị thực phẩm trước khi phát tới tay bà con ở các vùng bão lũ, nhằm tránh lặp lại những sự cố “khó khăn chồng chất khó khăn”.
Thực phẩm cứu trợ: Những lưu ý quan trọng
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong các chiến dịch cứu trợ thực phẩm, đặc biệt trong những vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, các tổ chức nhân đạo luôn dặn dò tình nguyện viên một số lưu ý sau:
1. Lựa chọn thực phẩm phù hợp với điều kiện vận chuyển và bảo quản
Một trong những yếu tố quan trọng khi cứu trợ là lựa chọn thực phẩm có khả năng bảo quản lâu trong điều kiện môi trường khắc nghiệt. Các loại thực phẩm khô, đóng hộp và chế biến sẵn như mì gói, cá hộp, đậu khô hoặc các loại lương khô thường là lựa chọn tối ưu khi không có thiết bị bảo quản lạnh. Ngoài ra, thực phẩm đóng hộp đúng chuẩn đảm bảo được chế biến trong điều kiện tiệt trùng, giúp kéo dài thời hạn sử dụng và giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn.
Đối với các sản phẩm có chứa dầu mỡ hoặc nước, cần đặc biệt chú ý việc đóng gói và kiểm tra hạn sử dụng. Thực phẩm đã qua chế biến nhưng chưa được hút chân không hoặc bảo quản đúng cách có thể bị nhiễm khuẩn chỉ sau vài giờ khi nhiệt độ và độ ẩm cao, dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
2. Hút chân không và đóng gói thực phẩm cẩn thận
Đối với các thực phẩm cần chế biến sẵn, việc hút chân không là cách thông thường để giữ an toàn vệ sinh thực phẩm. Quá trình hút chân không giúp loại bỏ không khí trong bao bì, từ đó ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc và các tác nhân gây hỏng thực phẩm.
Tuy nhiên, không phải mọi loại thực phẩm đều phù hợp để hút chân không. Đặc biệt là các loại thực phẩm chứa nhiều nước hoặc dầu mỡ dễ bị biến chất và cần chú ý đến quy trình bảo quản sau khi hút chân không. Trên thực tế, việc dùng túi “hút chân không” mà các hộ gia đình tự làm không đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguy cơ gây ngộ độc đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo trước đó. Cụ thể, các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum (một loại vi khuẩn sinh ra trong môi trường kỵ khí), hình thành độc tố botulinum. Ngộ độc do độc tố botulinum là loại ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao, nếu cứu chữa được cũng ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.
Ngoài ra, bao bì sử dụng cần là loại có khả năng chịu nhiệt và độ bền cao để không bị rách, vỡ trong quá trình vận chuyển và phân phát. Việc dán nhãn rõ ràng về thành phần chế biến và ngày đóng gói cũng là quy tắc cần thiết để hạn chế tối đa các nguy cơ về dị ứng hoặc quá hạn sử dụng.
3. Sử dụng đá khô và thiết bị giữ lạnh khi cần thiết
Khi phải vận chuyển các loại thực phẩm tươi sống hoặc dễ hỏng như thịt, cá, rau quả, việc sử dụng đá khô hoặc thùng lạnh là bắt buộc. Đá khô giúp duy trì nhiệt độ thấp và kéo dài thời gian bảo quản cho thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển. Tuy nhiên, việc sử dụng đá khô cũng cần cẩn trọng, vì nếu bảo quản không đúng cách hoặc nhiệt độ quá thấp có thể gây ra hiện tượng đông cứng thực phẩm, làm hỏng chất lượng sản phẩm.
Các tình nguyện viên nên đảm bảo luôn có thiết bị kiểm tra nhiệt độ và không để thực phẩm ở ngoài môi trường quá lâu trước khi phát đến tay bà con.
4. Đảm bảo nguồn nước sạch để chế biến thực phẩm
Nước sạch là yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc chuẩn bị thực phẩm cứu trợ. Tuy nhiên, trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, việc tìm kiếm nguồn nước sạch có thể gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo an toàn, tình nguyện viên nên mang theo nước đóng chai hoặc các thiết bị lọc nước cầm tay, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng nước từ các nguồn không rõ ràng.
Ngoài ra, nếu có điều kiện, các tổ chức cứu trợ có thể cung cấp thêm các viên khử khuẩn nước hoặc trạm lọc nước công cộng để người dân địa phương có thể tự bảo đảm nguồn nước an toàn cho việc chế biến và tiêu thụ thực phẩm.
5. Kiểm tra kỹ lưỡng và hướng dẫn sử dụng cho người nhận thực phẩm
Cuối cùng, việc kiểm tra thực phẩm trước khi phân phát là điều vô cùng cần thiết. Tình nguyện viên cần kiểm tra hạn sử dụng, tình trạng bao bì và chất lượng thực phẩm trước khi trao đến tay người dân. Đối với các loại thực phẩm cần nấu chín hoặc chế biến thêm, cần hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng để tránh sai sót trong quá trình tiêu thụ.
Đồng thời, khi cung cấp thực phẩm, nên kèm theo các tài liệu hướng dẫn bằng ngôn ngữ địa phương về cách bảo quản và sử dụng thực phẩm một cách an toàn.
Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình cứu trợ không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người dân mà còn thể hiện trách nhiệm và lòng nhân ái của tổ chức tình nguyện viên. Các lưu ý như hút chân không, sử dụng đá khô, và kiểm tra nguồn nước sạch sẽ là những yếu tố quan trọng để các tổ chức có thể thực hiện các chiến dịch cứu trợ hiệu quả hơn trong tương lai.
Nguồn tổng hợp