Ngày Sức khỏe thế giới năm 2024: Sức khỏe của tôi, quyền của tôi - Doctor247

Ngày Sức khỏe thế giới năm 2024: Sức khỏe của tôi, quyền của tôi

Ngày Sức khỏe thế giới 7/4 năm nay, WHO chọn chủ đề “Sức khỏe của tôi, Quyền của tôi”. Tiến sĩ Saia Ma’u Piukala, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, phát biểu: “Sức khỏe tốt không nên là một điều xa xỉ đối với một số ít người. Đó nên là quyền cơ bản cho tất cả mọi người”.

Qua đó, WHO đề cao quyền của mỗi người được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng, đi kèm với các quyền như được giáo dục và thông tin, được hưởng bầu không khí trong sạch, có nguồn nước uống an toàn, dinh dưỡng đầy đủ, nơi ăn chốn ở phù hợp, được đảm bảo việc làm và các điều kiện môi trường tối thiểu cũng như không phải chịu phân biệt đối xử.

Như vậy, mục tiêu của chăm sóc sức khỏe chính là tập trung vào nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển con người, đồng nghĩa với việc bảo đảm quyền con người.

Trên khắp thế giới, quyền về sức khỏe của hàng triệu người đang ngày càng bị đe dọa. Bệnh tật và thiên tai thường là nguyên nhân gây tử vong và tàn tật. Các cuộc xung đột giữa các quốc gia đang tàn phá cuộc sống, gây ra cái chết, đau đớn, đói khát và đau khổ về tâm lý.

Việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang đồng thời gây ra khủng hoảng khí hậu và tước đi quyền được hít thở không khí trong lành của chúng ta, với tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời cứ 5 giây lại cướp đi một sinh mạng.

Quyền về sức khỏe và các quyền con người khác liên quan đến sức khỏe là những cam kết ràng buộc về mặt pháp lý được ghi trong các văn kiện nhân quyền quốc tế. Hiến chương của WHO cũng công nhận quyền về sức khỏe. Theo đó, mỗi người đều có quyền đạt được tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe thể chất và tinh thần.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có ít nhất 140 quốc gia công nhận sức khỏe là quyền con người trong hiến pháp của họ. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn chưa thông qua và đưa vào thực thi luật để đảm bảo người dân của họ được quyền tiếp cận các dịch vụ y tế. Điều này củng cố thực tế rằng có ít nhất 4,5 tỷ người (hơn một nửa dân số thế giới) không được cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế thiết yếu vào năm 2021.

Liên hợp quốc dự đoán tổng số ca tử vong hằng năm sẽ lên tới gần 90 triệu trên toàn cầu vào năm 2048. Do đó, 77 triệu trong số này sẽ là tử vong do các bệnh không truyền nhiễm, tăng gần 90% so với năm 2019.

Hiện gần 40% người dân trong khu vực Đông-Nam Á không được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu. Đầu tư vào y tế của chính phủ, vốn là nền tảng để nâng cao quyền về sức khỏe, lại rất thấp khiến số tiền người dân phải tự chi trả cao.

Để giải quyết những thách thức này, chủ đề năm nay được chọn để bảo vệ quyền của mọi người, ở mọi nơi được tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục và thông tin có chất lượng, cũng như nước uống an toàn, không khí sạch, dinh dưỡng tốt, nơi ở chất lượng, điều kiện môi trường làm việc tốt và tự do khỏi sự phân biệt đối xử.

Thế giới từng đạt nhiều tiến bộ trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về sức khỏe dân số trên toàn cầu. Theo đó, tỷ lệ tử vong ở trẻ em giảm 50%, tỷ lệ tử vong ở bà mẹ giảm hơn 30%, tỷ lệ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm – bao gồm HIV/AIDS, bệnh lao và sốt rét – giảm xuống, đồng thời nguy cơ tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm và chấn thương cũng giảm, tuổi thọ trung bình toàn cầu tăng từ 67 tuổi vào năm 2000 lên 73 tuổi vào năm 2019.

Tổng hợp theo HCDC

 

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận