Chủ đề
Ngày Sách và Văn hóa đọc 2025 cùng những chủ đề nổi bật
Văn hóa đọc cũng là một loại hình hoạt động văn hóa, bởi lẽ việc đọc sách là tiêu thụ, quảng bá những giá trị văn hóa từ sách mà người đọc tiếp nhận được và làm nền tảng để tiếp tục sáng tạo thêm những giá trị mới.
Ngày Sách và Văn hóa đọc tại Việt Nam
Để phát triển văn hóa đọc lên tầm cao mới, ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1862/QĐ-TTg về tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, ngày 21/4 hàng năm sẽ là ngày Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Thời điểm tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đồng thời cũng gần thời điểm Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4, thể hiện sự hội nhập nhanh chóng và sâu sắc của Việt Nam trên bản đồ sách của thế giới
Đây là một dịp khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đồng thời, khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi
Điều quan trọng đó chính là hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, công ty. Qua đó, tôn vinh người đọc, người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.
Tôn vinh văn hóa đọc sách trong thời đại số
Với chủ đề xuyên suốt là “Văn hóa đọc – Kết nối cộng đồng”, “Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, và “Đọc sách, làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo”, sự kiện năm nay hứa hẹn mang đến nhiều hoạt động phong phú, lan tỏa tinh thần yêu sách đến cộng đồng.
Theo kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ tư năm 2025 sẽ diễn ra từ ngày 15/4 đến 2/5 trên toàn quốc. Lễ khai mạc dự kiến tổ chức vào ngày 17/4 tại TP.HCM.
Điểm nhấn của sự kiện năm nay là 18 chương trình giao lưu, giới thiệu sách được tổ chức tại sân khấu Công trường Công Xã Paris và Đường sách TP.HCM.
Các buổi giao lưu do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các nhà xuất bản, đơn vị phát hành tổ chức, nhằm giới thiệu những tác phẩm mới, đặc sắc và giàu giá trị lịch sử – văn hóa.
Một số tựa sách tiêu biểu sẽ được giới thiệu bao gồm:
-
Di sản Sài Gòn – TP.HCM
-
Kiến trúc Pháp – Đông Dương: Dấu tích Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông
-
Đọc một hơi lịch sử Sài Gòn – TP.HCM
-
Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập
-
100 năm phi trường Tân Sơn Nhất
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động giới thiệu sách, ban tổ chức còn đầu tư các không gian sách chuyên đề về điện ảnh và âm nhạc, giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật chuyển thể từ sách, cùng khu trải nghiệm dành riêng cho thiếu nhi.
Đặc biệt, chương trình còn giới thiệu nhiều mô hình và giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, như: Hệ thống thư viện số, sách nói; công cụ hỗ trợ biên tập, rà soát bằng giọng nói.
Nguồn tổng hợp