Chủ đề
Món bánh giầy đặc trưng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, ăn thế nào để tốt cho sức khỏe?
Bánh giầy là loại bánh trong truyền thuyết bánh chưng, bánh giầy từ đời vua Hùng thứ 6. Bánh giầy tượng trưng cho Trời có hình tròn, trắng muốt được làm từ nếp giã nhuyễn hay quết nhuyễn, dẻo và thơm. Loại bánh này trở thành một món ăn phổ biến nhưng ăn có tốt cho sức khỏe không?
Bánh giầy không chỉ là một thứ quà ăn vặt, một bữa sáng giản đơn, trong cỗ cưới hỏi mà còn là một món quà mang nét đẹp về truyền thống. Nhờ sở hữu hương vị thơm ngon nên bánh giầy là món ăn được rất nhiều người yêu thích. Tuy nhiên do bánh được làm từ nguyên liệu chính là gạo nếp nên nhiều người lo lắng ăn bánh giầy gây tăng cân, dễ béo và không tốt cho sức khỏe.
Theo BS. Bùi Thị Yến Nhi, Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, Cơ sở 3, về mặt dinh dưỡng, gạo nếp chứa một lượng lớn protein, acid amin, chất béo, đường, canxi và các khoáng chất khác (sắt, phospho…), cũng như các nguyên tố vi lượng như vitamin B (B1, B2, B3-niacin) và tinh bột.
Gạo nếp có hàm lượng canxi tương đối cao, có tác dụng tốt trong việc củng cố sự chắc khỏe xương và răng. Ngoài ra, nó cũng giàu lượng vitamin B thúc đẩy sự thèm ăn, tăng cường nuôi dưỡng thần kinh và cải thiện triệu chứng mất ngủ.
1. Thành phần dinh dưỡng của bánh giầy
100g bánh giầy chay chứa:
- Calo 180kcal.
- Protein: 12,4g.
- Chất béo: 2,8g.
- Canxi: 7,8mg.
- Chất xơ: 0,4g.
- Sắt: 0,5mg.
- Tinh bột: 51,2g
Ngoài ra, bánh giầy cũng cung cấp một số dưỡng chất khác như glucid, phospho, vitamin B1, protid, nước, xenlulozo, vitamin B2, và vitamin PP.
Việc ăn bánh giầy có lượng calo cao tùy thuộc vào từng loại bánh:
- Bánh giầy đậu xanh mặn hoặc ngọt : Có phần nhân đậu xanh bên trong, khoảng 200 calo.
- Bánh giầy kẹp giò, chả: Thường là món ăn sáng phổ biến vì no lâu, dễ ăn và không ngấy. Tùy vào kích cỡ và nhân bánh mà calo sẽ khác nhau, với khoảng 350 calo/cặp bánh.
- Bánh giầy phủ đỗ: Đặc trưng với lớp đỗ xay nhuyễn bên ngoài khoảng 160 – 180 calo.
2. Ăn bánh giầy có tăng cân và béo không?
Việc ăn bánh giầy tăng cân phụ thuộc vào lượng và cách tiêu thụ. Lượng calo trong 100g bánh giầy dao động từ 180 đến 320 calo, thấp hơn nhiều so với nhu cầu calo trong một bữa ăn (trung bình khoảng 667 calo). Vì vậy, có thể ăn từ 1 đến 2 cái trong bữa ăn mà không cần lo ngại về tăng cân.
Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá nhiều bánh giầy mà không kiểm soát, lượng calo có thể vượt quá ngưỡng cho phép, dẫn đến việc mỡ tích tụ và tăng cân. Đặc biệt, gạo nếp, thành phần chính của bánh giầy, có thể gây khó tiêu và làm cơ thể cảm thấy no nếu ăn quá nhiều.
Điều quan trọng là cân nhắc lượng bánh giầy tiêu thụ, đồng thời kết hợp với chế độ ăn uống cân đối, giàu chất xơ và đa dạng dinh dưỡng. Việc kiểm soát lượng ăn và kết hợp với lối sống lành mạnh sẽ giúp tránh tình trạng tăng cân không mong muốn khi tiêu thụ bánh giầy.
Ngoài ra, thành phần giò, chả trong bánh giầy, đặc biệt đối với bánh nhân mặn, cũng có một số lợi ích như cung cấp acid amin cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng của cơ thể. Chứa nhiều vitamin và khoáng chất (bao gồm thiamine – một trong các loại vitamin B có vai trò điều hành chức năng của cơ thể).
Tuy nhiên, việc tiêu thụ bánh giầy cũng cần được cân nhắc, và quan trọng nhất là điều chỉnh lượng tiêu thụ cho phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và mục đích sức khỏe của mỗi người. Sử dụng một cách cân đối và kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp tận dụng được lợi ích của bánh giầy mà không gây ra các tác động tiêu cực cho cơ thể.
3. Cách ăn bánh giầy không tăng cân, béo phì và tốt cho sức khỏe
Để tránh tăng cân và tốt cho sức khỏe khi tiêu thụ bánh giầy, cần tuân thủ một số nguyên tắc sau:
Với thành phần gồm lớp vỏ bánh được làm từ gạo nếp dẻo thơm thì đây là một món ăn có lượng tinh bột lớn, sẽ không phù hợp để đưa vào thực đơn dành cho người đang ăn kiêng, giảm cân.
Vơi người có chế độ ăn bình thường, mỗi ngày chỉ nên ăn 1 cái bánh giầy, không ăn quá 2-3 lần/1 tuần và không nên ăn vào buổi tối. Ăn quá nhiều bánh giầy trong một thời gian ngắn hoặc tối muộn sẽ dễ dẫn đến dư thừa năng lượng và tích tụ mỡ thừa. Do đó, việc kiểm soát số lần tiêu thụ sẽ giúp tránh được tăng cân và nguy cơ béo phì.
Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, đái tháo đường, vấn đề về dạ dày, người có hệ tiêu hóa yếu, người vừa phẫu thuật nên hạn chế tiêu thụ bánh giầy. Gạo nếp là nguyên liệu chính của bánh, có tính ấm, và việc tiêu thụ nhiều có thể gây không thoải mái và ảnh hưởng đến sức khỏe nên cân nhắc hạn chế tiêu thụ món ăn này.
Theo SK&ĐS