Chủ đề
Mẹ 3 con giảm 23 kg nhờ kết hợp dinh dưỡng thói quen ăn ngược, yoga và nhảy dây
Bằng thói quen ăn ngược, tập yoga kết hợp nhảy dây, Thu Huyền, 33 tuổi, giảm 23 kg sau lần 3 sinh nở.
Đoàn Thu Huyền, cao 1,64 m, hiện là nội trợ, cho biết sau sinh con thứ 3 đầu năm 2018, cô chạm mốc 75 kg, cảm giác già đi chục tuổi, không còn mặc vừa bộ quần áo nào. Cơ thể sồ sề, đầy mùi sữa, đầu bù tóc rối khiến Huyền mặc cảm, tự ti.
“Tôi béo đến mức vòng bụng to ngang ngực, xem lại ảnh cũ khi chưa lấy chồng mà thương bản thân mình sau sinh con quá”, Huyền nói, thêm rằng đó cũng là động lực để cô quyết tâm giảm cân, thay đổi ngoại hình.
Con được 4 tháng tuổi, cô bắt đầu hành trình tìm lại vóc dáng. Huyền không nhịn ăn hay tập luyện cường độ cao mà lắng nghe cơ thể, tập luyện vừa phải và áp dụng cách “ăn ngược”.
Ban đầu, Huyền chọn tập yoga và aerobic, song vì đau thắt lưng nên cô chuyển sang kết hợp yoga, nhảy dây và làm việc nhà để đốt mỡ hiệu quả hơn. Mỗi ngày, người phụ nữ dành 20 phút cho yoga và duy trì nhảy dây 600-1000 cái.
Yoga là phương pháp rèn luyện kết hợp thể chất và tinh thần, tăng sự linh hoạt, phòng ngừa đau lưng cũng như bệnh tim mạch. Nữ giới thường xuyên tập yoga có thể đạt được nhiều lợi ích.
Yoga có tác dụng giảm mỡ thừa toàn thân, phòng ngừa mỡ tích tụ trong gan, hỗ trợ tăng cường lưu thông máu, nâng cao sức khỏe tổng thể. Các bài tập yoga như Kapaalbhati (hơi thở của lửa), Matsyasana (tư thế con cá), Dhanurasana (tư thế cánh cung)… kích thích và hỗ trợ tăng cường chức năng gan. Ngoài ra, tập yoga thường xuyên còn giúp phụ nữ cải thiện sức khỏe, giảm căng thẳng và đau nhức xương khớp, cân bằng nội tiết và ngủ ngon hơn.
Theo các chuyên gia, nhảy dây là bài tập giảm cân đơn giản và hiệu quả. Trung bình, bạn sẽ đốt cháy khoảng 150 calo chỉ sau 15 phút nhảy dây. Lượng calo tiêu hao này tương đương với một giờ đi bộ chậm.
Tuy nhiên, người bị đau đầu gối hoặc khớp cần hạn chế nhảy dây, hoạt động mạnh, tránh nguy cơ gặp chấn thương. Khi tập, mỗi người cần chuẩn bị thảm mềm giúp chân tiếp đất an toàn, tránh tai nạn không mong muốn.
Ngoài tập luyện, Huyền áp dụng phương pháp “ăn ngược”. Người phụ nữ thường tiêu thụ món rau (canh, rau luộc) vào đầu bữa, sau đó đến protein (thịt, cá), cuối cùng là tinh bột.
Theo các chuyên gia, ăn rau trước bữa cơm sẽ giúp kích thích hệ tiêu hóa hoạt động. Sự hoạt động này không quá nặng nề mà diễn ra nhẹ nhàng, êm ái bởi rau vốn nhiều chất xơ, không quá khô cứng.
Nếu ăn cơm, thịt ngay lúc đầu sẽ khiến niêm mạc dạ dày phải tiết nhiều dịch vị tiêu hóa các thức ăn khô, cứng – dễ dẫn đến hiện tượng đau. Do đó, thói quen ăn rau trước sẽ có lợi cho hệ tiêu hóa cũng như cách cơ thể hấp thụ thức ăn.
Lấp đầy chiếc bụng rỗng với rau sẽ khiến bạn nhanh chóng cảm thấy no bụng, không muốn ăn nhiều hơn. Từ đây, chúng ta có thể kiểm soát được hàm lượng đường, chất béo… có trong thực phẩm tốt hơn.
Huyền cho con bú mẹ nên ưu tiên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để không ảnh hưởng chất lượng sữa. Song cô ưu tiên hấp, luộc, hạn chế chiên, rán và thực phẩm ngọt, lạnh, sống. Bà mẹ 3 con không uống đồ ngọt, trà sữa hay nước uống có đường và giảm dần lượng tinh bột.
“Tôi ăn uống không theo phương pháp nào, chỉ lắng nghe cơ thể cần gì”, Huyền nói, thêm rằng cô không ép bản thân ăn theo thực đơn có sẵn mà chế biến linh hoạt theo sở thích, đủ chất để cho con bú.
Sau quá trình nỗ lực, hai tháng đầu Huyền giảm 5 kg, về 60 kg sau một năm. Hiện, bà mẹ 3 con duy trì 52-54 kg với số đo 3 vòng “chuẩn”.
“Giảm cân giúp tôi trẻ khỏe hơn, mặc gì cũng đẹp, được mọi người khen khiến bản thân cũng vui vẻ, hạnh phúc hơn”, Huyền nói.
Theo VNExpress