Chủ đề
Thần kỳ: Dùng màng nhau thai phục hồi thị lực sau khi bị tạt axit
Một người đàn ông sống ở Anh đã được các bác sĩ sử dụng màng nhau thai để phục hồi thị lực sau khi anh bị tạt axit làm hỏng mắt trái.

Đột ngột mất thị lực gần như hoàn toàn
Vào tháng 2 năm 2023, Paul Laskey, 43 tuổi, bị hất một chất ăn mòn giống axit vào mặt khi con trai của ông bị cướp tại Newcastle, Anh. Khi được đưa vào bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán Paul đã bị bỏng cấp độ bốn, tức mức độ nghiêm trọng nhất.
Cảnh sát đã có mặt tại hiện trường chỉ trong vài phút sau đó và thậm chí quyết định rằng sẽ không gọi xe cứu thương mà thay vào đó đưa nạn nhân đến bệnh viện ngay lập tức để tăng cơ hội cứu chữa. Tại bệnh viện RVI ở Newcastle, các bác sĩ đã cố gắng rửa sạch càng nhiều axit ra khỏi mắt càng tốt. Tuy nhiên, tổn thương này quá nặng, đến mức các tế bào trong mắt không thể tự phục hồi hoặc tái tạo được nữa.
Các bác sĩ tại đây mô tả rằng, vết bỏng hóa chất nghiêm trọng đến mức làm “tan chảy” cả lớp trong và lớp ngoài của giác mạc.

Rõ ràng với bất cứ, việc mất thị lực một cách đột ngột đau đớn như vậy là điều kinh hoàng. Thậm chí, Paul đã phải nằm trong phòng tối hoàn toàn suốt ít nhất 6 tháng vì bất kỳ ánh sáng nào chiếu vào mắt ông cũng gây đau đớn khủng khiếp cộng kèm với những cơn đau đầu.
Và rồi, phép màu đã đến…
Y học hiện đại với phương pháp ghép màng nhau thai vào mắt
Trong những tháng tiếp theo từ cái ngày định mệnh đó, Laskey đã trải qua rất nhiều thủ thuật khác nhau, bao gồm cả ghép màng ối – một mô được lấy từ lớp trong của nhau thai hiến tặng.
Giáo sư Francisco Figueiredo, chuyên gia nhãn khoa tại Bệnh viện Hoàng gia Victoria (RVI) ở Newcastle, mô tả ca phẫu thuật là một thành công đáng kinh ngạc. Vị giáo sư chia sẻ: “Điều phi thường có thể thực hiện được là nhờ vào sự hào phóng của một người mẹ hiến tặng.”

Cụ thể, trong trường hợp nghiêm trọng của Paul, đội ngũ giáo sư bác sĩ đã phải loại bỏ hoàn toàn các hóa chất còn sót lại trước khi tiến hành điều trị bằng các phương pháp tại chỗ, toàn thân và phẫu thuật, bao gồm cả ghép màng ối.
Việc sử dụng nhau thai hiến tặng để điều trị các chấn thương mắt nghiêm trọng không phải là quá mới. Với hàm lượng protein tăng trưởng cao, nhau thai có khả năng kích thích quá trình hồi phục của mô.
Tại Anh, Ngân hàng Máu và Ghép tạng NHS thu thập nhau thai từ các bà mẹ tại Bệnh viện University College ở London và Bệnh viện Luton & Dunstable ở Bedfordshire. Sau khi hoàn thành vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng em bé khi còn trong bụng mẹ, nhau thai thường sẽ bị loại bỏ. Tuy nhiên, chỉ một nhau thai thôi đã có thể tạo ra từ 50 đến 100 miếng ghép màng ối.

Laskey chia sẻ rằng việc mất thị lực và nguy cơ mất hoàn toàn con mắt là một trải nghiệm “tàn khốc” vô cùng. Ông hy vọng một ngày nào đó sẽ có cơ hội gặp mặt trực tiếp người mẹ đã hiến tặng nhau thai để nói lời cảm ơn.
Tổng cộng, người đàn ông 43 tuổi này đã phải trải qua hai ca ghép giác mạc khẩn cấp và ba lần ghép màng ối. Nhưng tất cả đã chứng minh rằng nó hoàn toàn xứng đáng. Bước tiếp theo sau khi cứu được mắt, các bác sĩ hiện đang có kế hoạch phục hồi thêm thị lực bằng phương pháp điều trị tế bào gốc.