Bệnh nhân là Đ.B.B, 14 tuổi, ở thành phố Thái Nguyên. Sự việc xảy ra ngày 15/8, B. được gia đình đưa vào Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám. Ban đầu, do ngại, B. chia sẻ với bác sĩ mình bị đau bụng.
Tuy nhiên, qua thăm khám, bác sĩ phát hiện B. đau nhiều ở vùng bìu. Khai thác thêm thông tin từ bệnh nhân và gia đình, bác sĩ chẩn đoán B. mắc hội chứng bìu cấp, nghi xoắn tinh hoàn. Ngay lập tức, bệnh nhi được chỉ định mổ cấp cứu để bảo toàn tinh hoàn.
Quá trình phẫu thuật, bác sĩ tháo xoắn tinh hoàn bên phải đã bị tím đen và phong bế bó mạch tinh. Ngay sau đó, tinh hoàn bệnh nhi hồng hào trở lại, được bảo tồn. Sau phẫu thuật 5 ngày, người bệnh sức khỏe ổn định và được xuất viện.
Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi nhưng hay gặp ở giai đoạn sơ sinh và dậy thì. Nếu bị xoắn tinh hoàn, việc phẫu thuật trước 6 giờ kể từ khi xuất hiện dấu hiệu đau có khả năng cứu được 100%; từ 6-12 giờ là 70% và từ 12-24 giờ chỉ khoảng 20%.
Các trường hợp đến bệnh viện muộn, tinh hoàn hoại tử, phải cắt bỏ. Điều này không chỉ để lại hậu quả nặng nề về chức năng sinh sản, rối loạn nội tiết mà còn gây ra rối loạn tâm lý với người bệnh.
Từ đầu năm đến nay, các bác sĩ khoa Ngoại nhi, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, đã phẫu thuật 6 ca liên quan đến bệnh lý ở tinh hoàn. Bác sĩ khuyến cáo các bé trai khi có biểu hiện đau vùng bẹn bìu cần đến ngay các cơ sở y tế thăm khám, điều trị.
Theo VNN