Chủ đề
Liệt mặt, méo miệng sau khi ngủ dậy ở phòng điều hòa, làm gì để phòng tránh?
Tỉnh dậy sau một đêm ngủ trong phòng điều hòa có người phát hiện mắt một bên nhắm không kín, miệng méo, ăn uống rơi vãi, đến viện khám được chẩn đoán liệt mặt phải do lạnh.
Thận trọng khi ngủ phòng lạnh có thể gây liệt mặt
Liệt mặt là biểu hiện của liệt dây thần kinh số VII – căn bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, không phân biệt giới tính, tuổi tác. Biểu hiện chính của bệnh là liệt nửa mặt, méo miệng.
Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ảnh hưởng nặng nề và để lại di chứng nếu không được điều trị đúng cách.
Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm lạnh đột ngột, nhiễm virus, cảm cúm,… làm ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh số VII, gây liệt mặt ngoại biên.
Một vài trường hợp khác là do các chấn thương vùng mặt, ở sọ não vùng thái dương, xương chũm, viêm tai mũi họng,…
Trên thực tế nhiều người cho rằng chỉ mùa lạnh mới mắc phải căn bệnh này, tuy nhiên nếu nằm điều hòa để nhiệt độ quá lạnh cũng có thể mắc phải liệt mặt. Khi đó người bệnh thường có biểu hiện mờ nếp nhăn trán, mất rãnh mũi má, lệch nhân trung, méo miệng, mắt bên liệt nhắm không kín, nhãn cầu vận động lên trên và ra ngoài. Có thể có rối loạn thần kinh thực vật kèm theo như: chảy nước mắt, khô mắt, giảm vị giác, giảm tiết nước bọt, nghe vang, cảm giác đau sau tai.
Vì vậy, nếu xuất hiện một trong những triệu chứng trên hoặc nghi ngờ của dấu hiệu liệt dây thần kinh VII ngoại biên hãy liên hệ sớm với bác sĩ để được tư vấn, khám và điều trị đúng phương pháp, mang lại hiệu quả tối đa.
Điều trị liệt mặt méo miệng như thế nào?
Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị thích hợp. Nguyên tắc là điều trị nội khoa có thể sử dụng corticoid để giảm phù nề chèn ép trong ống xương. Điều trị thuốc chống virus cho những trường hợp có nhiễm virus hay đau vùng sau tai, rối loạn cảm giác vùng mặt.
Đối với liệt dây thần kinh số VII ngoại biên đơn thuần tiến triển tốt, nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng cách thì có thể chữa khỏi. Trường hợp nặng hoặc không được điều trị đúng cách sẽ để lại các di chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sức khỏe như:
- Mặt bị lệch, co cứng cơ mặt;
- Viêm giác mạc, có thể có nguy cơ mù lòa;
- Liệt mềm chuyển sang liệt cứng: đây là đặc điểm riêng của liệt dây VII, là bằng chứng của sự thoái hóa thần kinh.
Ngoại khoa được chỉ định cho các trường hợp liệt mặt xảy ra ngay sau chấn thương xương đá, sau phẫu thuật tai, do cholesteatoma, do lạnh mà đã điều trị nội khoa trên 6 tuần không có hiệu quả, giai đoạn di chứng.
Ngoài ra, để điều trị liệt mặt do lạnh các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp y học cổ truyền và vật lý trị liệu như:
- Châm cứu với các hình thức châm (hào châm, mảng châm, ôn châm, điện châm, laser châm, nhĩ châm, thủy châm cứu, cấy chỉ.
- Xoa bóp bấm huyệt, và các bài tập các cơ của mặt tạo điều kiện giữ trương lực cơ và phân bố mạch để chống teo cơ.
Phòng bệnh liệt mặt méo miệng
Bệnh liệt mặt do lạnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, đặc biệt là những người thường xuyên thức khuya hoặc lạm dụng rượu bia khiến cơ thể mệt mỏi, tinh thần sa sút, căng thẳng lại càng dễ bị nhiễm lạnh do suy giảm sức đề kháng.
Để phòng bệnh, mùa hè không nên mở điều hòa quá lạnh, không nằm thẳng hướng gió của điều hoà. Cần giữ ấm đầu, mặt, cổ, tránh gió lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Không tắm quá khuya.
Quan trọng nhất là giữ ấm vùng đầu, mặt, cổ. Tránh ngồi nơi gió lùa, đi đường xa phải đeo kính, bịt mặt, che ấm cả hàm, đeo khẩu trang, không nên cho trẻ nhỏ ngồi phía trước xe. Sau khi uống rượu, bia thì không đi ngoài trời lạnh hay tắm lạnh. Đồng thời, tập thể dục thường xuyên, ăn uống khoa học để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Khi có các triệu chứng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo SK&ĐS