Chủ đề
Chưa cần đến laser sân khấu, một chiếc bút laser nhỏ cũng đã có thể gây mù lòa
Trong quá khứ, vào năm 2023, một thành viên phi hành đoàn của Tổ chức Máy bay Cấp cứu Yorkshire (Anh) đã bị bỏng giác mạc khi bị tia laser từ thiết bị tưởng chừng vô hại là một chiếc bút chiếu vào trực thăng đang bay ở độ cao khoảng 450 mét. Hay mới đây, một nam nhân viên 24 tuổi làm tổ chức sự kiện đã bị ánh đèn laser trang trí sân khấu chiếu trực tiếp vào mắt gây ra một lỗ thủng ở hoàng điểm.
Bút laser – tuy nhỏ nhưng cực kỳ có võ
Bút laser và các thiết bị tương tự cầm tay được quảng cáo là trợ thủ đắc lực cho giáo viên, giảng viên và thậm chí còn được bán như đồ chơi. Tuy nhiên, nhiều cơ quan y tế và hàng không đã lên tiếng cảnh báo về cường độ chùm sáng mạnh của chúng. Ở Anh, luật pháp quy định chỉ nên bán ra thị trường các bút có công suất tối đa 1 mW.
Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh (CAA) ghi nhận 536 vụ chiếu laser vào máy bay trong năm 2021 – tăng gần 10% so với năm trước. Trong một số vụ, kẻ chiếu thừa nhận hành động “để đùa nghịch” hoặc thậm chí “để liên lạc với người ngoài hành tinh”, nhưng hậu quả lại có thể khiến phi công mất tầm nhìn trong vài giây hoặc lâu hơn, đe dọa tính mạng phi hành đoàn và hành khách.
Bút laser, dù nhỏ gọn, lại có nhiều mức công suất khác nhau và phát ra các màu ánh sáng như đỏ, xanh lục hoặc xanh lam. Theo các chuyên gia, xanh lục đặc biệt nguy hiểm do mắt người nhạy cảm với bước sóng này, nhưng tia đỏ và xanh lam cũng không kém phần đe dọa, bởi người bị chiếu tia có thể không kịp phản xạ (chớp mắt hoặc quay đi) khi mắt ít nhạy với hai màu đó.
Sự lạm dụng bút laser không chỉ giới hạn trong môi trường hàng không. Cảnh sát, nhân viên y tế khẩn cấp, lính cứu hỏa và thậm chí cầu thủ bóng đá cũng là nạn nhân. Đã có trường hợp trẻ em 8 tuổi tự chiếu bút laser vào mắt chỉ trong tích tắc, dẫn đến võng mạc bị tổn thương. Nhiều bác sĩ nhãn khoa nhấn mạnh rằng bút này không phải đồ chơi và việc trẻ em tiếp cận thiết bị này mà không có sự giám sát là vô cùng nguy hiểm.
Laser mạnh đến mức nào thì nguy hiểm cho mắt
Ở công suất thấp (dưới một phần nghìn Watt, tức dưới 1 mW), bút laser tương đối an toàn nhưng vẫn rất sáng và hữu ích. Thế nhưng, khi công suất vượt ngưỡng này, nguy cơ gây hại cho mắt sẽ tăng lên nếu tia chiếu thẳng vào mắt ai đó.
Hiện nay, công nghệ laser có thể dễ dàng tạo ra các mức công suất lớn gấp hàng trăm hay cả nghìn lần giới hạn an toàn, chỉ trong một thiết bị cầm tay chạy pin. Điều này vẫn tiềm ẩn độ nguy hiểm lớn ngay cả khi ở khoảng cách xa. Tuy nhiên, nhiều người chưa nhận thức rõ mức độ đe dọa này, bút laser trông có vẻ vô hại lại có thể gây tổn thương nghiêm trọng từ xa nếu công suất quá cao.
Thật không may, rất khó để chắc chắn bút của bạn ở ngưỡng công suất đủ an toàn, bởi có quá nhiều sản phẩm bị gắn nhãn sai lệch với giá rất rẻ. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy 90% bút laser xanh lá được thử nghiệm không tuân thủ quy định liên bang.Nhiều bút laser xanh lam và xanh lá mua từ các trang bán lẻ trực tuyến, dán nhãn dưới 1 mW nhưng thực tế lại vượt 20, 50 hay thậm chí 100 lần ngưỡng an toàn.
Trên thực tế, có một kiểu “khuyến khích ngược” đối với các nhà bán lẻ nhỏ trên thị trường trực tuyến: họ càng bán loại bút có tia sáng mạnh thì càng dễ được khách hàng đánh giá cao. Ít ai trong số khách hàng vừa nắm rõ quy chuẩn, vừa có đủ khả năng đo đạc chính xác công suất laser để đánh giá.
Hiểu rõ giới hạn
Cả Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Liên minh châu Âu (EU) đều đang cố gắng loại bỏ các thiết bị laser nguy hiểm khỏi thị trường tiêu dùng, nhưng quy định và việc thực thi cần song hành với nhận thức của công chúng về mức độ nguy hiểm.
Nếu các laser công suất cao thực sự được sử dụng rộng rãi, nhiều người có thể thắc mắc tại sao chưa có làn sóng phẫn nộ với vô số ca chấn thương do laser gây ra. Để tia laser gây hại cho mắt, nó phải chiếu đúng vào con ngươi – điều này cho thấy khó khăn lớn nhất khi giáo dục về an toàn laser. Con ngươi của chúng ta rất nhỏ, nên việc tia laser chiếu vòng quanh trong một căn phòng thường không trúng đúng vị trí dễ tổn thương ấy. Đa số thời gian không có chuyện gì xảy ra, nhưng chỉ cần trúng một lần, hậu quả có thể thay đổi cuộc đời.
Đối với phi công, rủi ro xuất hiện dù không gây hại mắt vĩnh viễn. Một luồng sáng mạnh xộc vào buồng lái khi cất hoặc hạ cánh có thể gây xao nhãng – và chỉ một khoảnh khắc lơ là ở giai đoạn bay quan trọng này cũng đủ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Ở Mỹ, Cục Hàng không Liên bang (FAA) đã ban hành hướng dẫn cho phi công về rủi ro laser. Một số chuyên gia an toàn gợi ý dùng kính lọc các màu laser phổ biến, nhưng điều này lại ảnh hưởng đến khả năng quan sát các thiết bị buồng lái.
Ngày nay, tia laser có mặt ở khắp nơi, thậm chí là trong cụm đèn pha trên xe hơi hạng sang của BMW. Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu nghiêm túc về chúng. Tạm thời, nếu bạn muốn mua một bút laser, hãy chọn loại được chứng nhận rõ ràng (ví dụ, nhãn CE cùng nhãn cảnh báo vàng-đen tại EU). Có thể giá sẽ cao hơn, nhưng bạn sẽ biết rằng nó an toàn.