Chủ đề
Làm thế nào để tự tin hơn khi nói chuyện xã giao?
Bạn đang đứng trong đám đông dịp lễ này thì bắt gặp người quen (dù không quá thân), hay đang đứng đợi thang máy trong công ty thì có người đi đến bắt chuyện, làm thế nào để để vượt qua và không tỏ ra ‘sượng trân’ với những cuộc trò chuyện xã giao như vậy.
Cánh cửa mở ra kết nối sâu sắc
Những cuộc trò chuyện như vậy có thể không về một chủ đề gì quá quan trọng, nhưng nó cũng đã đánh dấu việc bạn đã tham gia vào một cuộc “small talk”, hay trò chuyện xã giao.
Một số người có thể cảm thấy phiền toái hoặc cho rằng những cuộc trò chuyện này là vô ích, trong khi những người khác lại thấy chúng thú vị. Dù muốn hay không, những cuộc trò chuyện xã giao như vậy vẫn gần như không thể tránh khỏi, nhất là khi giao tiếp với người lạ hoặc những người mới quen.
Hãy thử tham khảo ý kiến của Matt Abrahams, giảng viên hành vi tổ chức tại Trường Kinh doanh Stanford: “Trò chuyện xã giao chính là cách mà chúng ta làm quen và định hướng với người khác, là cánh cửa dẫn đến những cuộc trò chuyện sâu sắc hơn.”
Với những người ít có kinh nghiệm, trò chuyện kiểu này sẽ có thể gây ra không ít áp lực. Nhưng bạn vẫn có thể hoàn toàn luyện tập để trở nên tự tin hơn, và điều đó thực sự rất có ích cho sức khỏe tinh thần.
Lợi ích từ những cuộc trò chuyện xã giao
Nhiều người cảm thấy áp lực khi trò chuyện với người lạ vì sợ nói không hay, hoặc sợ mình không phản ứng kịp thời. Tuy nhiên, theo Abrahams, những cuộc trò chuyện ngắn gọn này lại có tác động tích cực đến tâm trạng và cảm giác kết nối xã hội.
“Small talk là nhu cầu cơ bản như thức ăn và nước uống – chúng ta cần cảm giác thuộc về và được người khác công nhận,” Tiến sĩ Gillian Sandstrom, chuyên gia tâm lý học về lòng tốt tại Đại học Sussex (Anh), cho biết.
Năm 2023, bác sĩ Vivek Murthy – Tổng Y sĩ Hoa Kỳ – đã tuyên bố cô đơn là một đại dịch. Theo số liệu của Gallup, cứ 5 người Mỹ trưởng thành thì có 1 người trải qua cảm giác cô đơn hàng ngày.
Một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng với người quen hoặc người lạ có thể giúp giảm bớt sự cô lập, tăng cường cảm giác thuộc về cộng đồng. Những tương tác ngắn gọn như chào hỏi hàng xóm hoặc trò chuyện với nhân viên pha cà phê đều có giá trị.
Nếu nghĩ theo hướng tích cực, bạn có thể sẽ tìm được thông tin bất ngờ mà mình chưa từng biết đến thông qua những cuộc trò chuyện như vậy phải không.
Cách trở thành chuyên gia ‘small talk’
Trong những tình huống như sự kiện kết nối kinh doanh, bạn có thể chuẩn bị trước những thông tin theo kiểu: tìm hiểu về những người sẽ tham gia và nghĩ sẵn vài câu hỏi để trò chuyện.
Còn trong những khoảnh khắc ngẫu nhiên, mẹo đơn giản nhất là hãy quan sát môi trường xung quanh để tìm chủ đề chung (ví dụ như thời tiết) hoặc hỏi những câu hỏi mở như kế hoạch cuối tuần.
Điều quan trọng là đừng tự tạo ra áp lực rằng mình phải trả lời nhanh. Đó không phải là một trận đấu tennis, nơi mà bạn cần nhanh chóng đáp trả nếu không sẽ thua cuộc. Thay vào đó, hãy tưởng tượng nó giống như một cuộc đá cầu, khi mà bạn và cả đối phương đều cố gắng giữ trái cấu trên không càng lâu càng tốt.
“Quan trọng là hãy quan tâm đến người đối diện, chứ không phải cố tỏ ra thú vị,” Abrahams nói.
Nếu cần, bạn hoàn toàn có thể tạm ngừng trước khi trả lời, hoặc yêu cầu làm rõ câu hỏi để có thời gian suy nghĩ, thay vì loay hoay trả lời vội vàng.
Theo Sandstrom, ‘small talk’ cũng giống như bất kỳ kỹ năng nào khác: càng thực hành nhiều, bạn càng tự tin và bớt lo sợ bị từ chối.
Tiến sĩ Sunita Sah, chuyên gia tâm lý tổ chức tại Đại học Cornell, nhấn mạnh: những cuộc trò chuyện xã giao còn giúp xây dựng sự tin cậy, sự thân thiện, và làm giảm sự cô đơn trong xã hội hiện đại – nơi ai cũng có thể chìm đắm trong điện thoại và quên mất việc giao tiếp với người thật.
Theo CNN