Chủ đề
Lạm dụng thuật ngữ y học: Tự chẩn đoán, tự lan truyền
Việc lạm dụng các thuật ngữ y học như “OCD” (rối loạn ám ảnh cưỡng chế), “bipolar” (rối loạn cảm xúc lưỡng cực) hay thậm chí trầm cảm đang dần trở nên phổ biến cả trong sinh hoạt lẫn mạng xã hội. Thói quen này không chỉ gây ra nhiều hiểu lầm mà còn tạo ra những rủi ro nghiêm trọng cho cả người sử dụng thuật ngữ và những người mắc bệnh thực sự.
Mắc bệnh do tự chẩn đoán từ mạng xã hội
Trong thời đại mạng xã hội lên ngôi, các thuật ngữ y học như “OCD”, “bipolar”,… dễ dàng trở thành xu hướng. Trên các nền tảng như TikTok, nhiều người dùng không ngại ngần chia sẻ những video về sức khỏe tâm lý của họ, thậm chí còn tự chẩn đoán với các triệu chứng mà họ tin rằng là biểu hiện của một rối loạn nào đó. Các thông tin này, dù được lan truyền rộng rãi, thường thiếu tính chính xác và có thể gây hậu quả đáng kể.
Theo nghiên cứu từ chuyên trang Psychology Today, một trong những tác động tiêu cực lớn nhất là người xem dễ bị ảnh hưởng bởi những mô tả sơ sài hoặc sai lệch về các triệu chứng. Những người tự chẩn đoán không dựa trên đánh giá chuyên môn thường có xu hướng lo lắng thái quá hoặc áp dụng những phương pháp điều trị không phù hợp. Chẳng hạn, một người có thể nhầm lẫn các triệu chứng của rối loạn lưỡng cực với trạng thái buồn vui thất thường hàng ngày, dẫn đến các biện pháp tự điều trị thiếu hiệu quả và thậm chí có hại cho sức khỏe.
Việc tự chẩn đoán không chỉ làm người bệnh lạc hướng mà còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý. Khi một người tự gán nhãn cho mình với một rối loạn nghiêm trọng mà họ không thực sự mắc phải, họ có thể gặp các vấn đề về lòng tự trọng và bắt đầu hành xử theo những cách khiến tình trạng của họ trở nên nghiêm trọng hơn.
Lạm dụng thuật ngữ y học trong giao tiếp hàng ngày
Không chỉ tự chẩn đoán, việc lạm dụng thuật ngữ y học như một từ thông dụng trong giao tiếp cũng là một vấn đề nhức nhói. Các cụm từ như “OCD”, “bipolar” hay thậm chí trầm cảm thường được dùng để miêu tả các đặc điểm tính cách thông thường của một con người.
Chẳng hạn, một người có thói quen sống ngăn nắp, gọn gàng lại thường bị gán nhãn là OCD, hay thậm chí chính họ tự thừa nhận. Hoặc những cảm xúc buồn vui vốn hết sức bình thường cũng dễ bị “nhận vơ” là rối loạn cảm xúc lưỡng cực, hay thậm chí trầm cảm. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc thiếu kiến thức về các hội chứng tâm lý, sức khỏe tinh thần, hoặc đơn thuần là lạm dụng vì muốn được người khác chú ý.
Những hành động trên làm cho các rối loạn tâm lý bị hiểu lầm, càng nguy hiểm hơn nếu nó bị đánh giá thấp. Khi một xã hội tràn ngập những người tự nhận mắc các hội chứng tâm lý, vô hình chung các hội chứng hay nghiêm trọng hơn là bệnh sẽ dễ bị coi là “chuyện thường”. Hay nói cách khác, xã hội sẽ xem nhẹ những hội chứng mà dường như ai cũng mắc, từ đó khiến việc tuyên truyền về sức khỏe tinh thần trở nên khó khăn hơn.
Mặt khác, thói quen lạm dụng các từ ngữ y học một cách tùy tiện còn khiến những người đang thật sự mắc bệnh cảm thấy bị coi thường, làm giảm khả năng họ tìm kiếm sự trợ giúp chuyên môn. Khi các rối loạn tâm lý bị xã hội hóa như một kiểu “mốt”, người mắc bệnh thực sự sẽ gặp trở ngại khi cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ. Họ sẽ không được những xung quanh nhận ra rằng họ đang mắc bệnh, hay thậm chí bản thân họ cũng không nhận ra. Từ đó việc tiếp cận để được tư vấn, điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Lạm dụng thuật ngữ y học một cách tùy tiện và tự chẩn đoán qua mạng xã hội là những thói quen có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, từ làm tăng thêm áp lực cho người tự chẩn đoán đến làm giảm giá trị của chẩn đoán y tế. Mỗi người cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm khi sử dụng các từ ngữ liên quan đến y học, đồng thời nên tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn nếu nghi ngờ mình có bất kỳ rối loạn tâm lý nào.